"Bầu" Kiên tự bào chữa tại Tòa (ảnh chụp qua màn hình)

"Bầu" Kiên tự bào chữa tại Tòa (ảnh chụp qua màn hình)

“Bầu” Kiên: Tôi không đổ tội cho người đã mất

(ĐTCK) Chiều 9/12, Nguyễn Đức Kiên đã thực hiện quyền tự bào chữa và trình bày trước Hội đồng xét xử những căn cứ cho rằng mình không phạm tội.

Bị cáo Kiên đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo “phân bổ sức”, chiều nay (9/12) nói một ít, mai (10/12) nói một ít, vì sức khỏe của bị cáo không tốt.

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Kiên, qua luật sư đã nhắn nhủ “không cần nói gì cả”, vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bị cáo. Nguyễn Đức Kiên nói rằng ngay hôm đầu xét xử bị cáo đã bị sốc tim.

Dù vậy, Nguyễn Đức Kiên vẫn quyết định trình bày phần tự bào chữa với mong muốn làm rõ bản chất sự thật của vụ án và còn vì bị cáo là người có kinh nghiệm tư vấn, hiểu sâu về kinh tế.

Chủ tọa phiên tòa đã nhắc bị cáo nói vào trọng tâm những vấn đề liên quan đến tội danh bị truy tố, tránh nói quá nhiều khi sức khỏe không bảo đảm.

Về hoạt động kinh doanh vàng trái phép, trước thông tin Công ty Thiên Nam rút kháng cáo, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc này là “không chính xác”. Đến hôm nay, bị cáo Kiên vẫn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Thiên Nam, việc đại diện theo pháp luật của công ty là ông Vũ Trần Tiến Anh kháng cáo hay không kháng cáo là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng HĐQT chưa được báo cáo về việc này.

“Anh Tiến Anh đã vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật. Tôi với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, tôi không yêu cầu thay đổi kháng cáo vì tôi đã kháng cáo với tư cách cá nhân rồi”, Nguyễn Đức Kiên nói.

Bị cáo cũng khẳng định, Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trái phép bởi vàng là hàng hóa, là động sản mà theo Luật Thương mại 2005 thì không cần thiết phải tranh luận vàng có phải hàng hóa hay không. Công ty Thiên Nam đương nhiên được phép kinh doanh vì Thiên Nam được phép mua bán hàng hóa.

Thiên Nam mua bán hàng hóa có vi phạm các quy định của nhà nước tại thời điểm đó về vàng không? Có hai văn bản có hiệu lực tại thời điểm đó là Nghị định 174 của Chính phủ và Thông báo 1168 của Ngân hàng Nhà nước.

“Tôi khẳng định trạng thái vàng, giá vàng là hàng hóa động sản không nằm trong danh mục cần phải xin phép của Ngân hàng Nhà nước”, bị cáo tự bào chữa.

Nguyễn Đức Kiên còn chứng minh mình không liên quan, không chịu trách nhiệm về việc Công ty Thiên Nam ký và thực hiện hợp đồng với ACB. Phụ lục hợp đồng ghi rất rõ người được ủy quyền quyết định mọi việc là ông Lê Quang Trung (Tổng giám đốc của Công ty Thiên Nam thời điểm đó).

“Tôi không bao giờ chối bỏ việc mình làm, không bao giờ đổ trách nhiệm cho bất kỳ ai, không bao giờ đổ trách nhiệm cho người đã mất”, bị cáo Kiên khẳng định.

Theo bị cáo, hợp đồng đầu tư kinh doanh vàng trạng thái giữa Công ty Thiên Nam và Ngân hàng ACB là để thực hiện hợp tác, liên doanh giữa Công ty Thiên Nam và ông Trung, ông Tiến Anh mà tiền hợp tác ấy là tiền của ông Lê Quang Trung, ông Tiến Anh góp với Công ty Thiên Nam. Do đó, ông Trung là người phải chịu trách nhiệm.

Ngày mai (13/9), Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

Tin bài liên quan