Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cơ bản là phải có Ban kiểm soát.
Trong đó, Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cơ quan này bầu ra các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.
Hội đồng quản trị, cơ quan đại diện cho toàn thể các cổ đông, có nhiệm vụ quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Tuy nhiên, tại Ngân hàng ACB, bên cạnh Hội đồng quản trị tồn tại một cơ quan gọi là Hội đồng sáng lập. Các thành viên của Hội đồng sáng lập đều là các cổ đông lớn, trong đó ông Trần Mộng Hùng, cổ đông lớn nhất nắm chức vụ Chủ tịch, bị cáo Nguyễn Đức Kiên, cổ đông lớn thứ 2 giữ vị trí Phó Chủ tịch
Cơ quan này có chức năng tư vấn cho Hội đồng quản trị và tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của Hội đồng quản trị, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo lời khai của các bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị, các quyết định của Hội đồng quản trị phải được Hội đồng sáng lập đồng ý mới được thông qua.
Bị cáo Trịnh Kim Quang khai ở Ngân hàng ACB, anh Kiên (bị cáo Kiên – PV) có ảnh hưởng rất lớn. Thứ nhất là bị cáo Kiên có khả năng hùng biện, “anh Kiên nói rất thuyết phục”- bị cáo Quang nói. Thứ hai là bị cáo Kiên có quyền lực của cổ đông lớn.
Ý kiến của Nguyễn Đức Kiên có sức ép lớn, vô hình của cổ đông lớn, nếu ai không nghe theo thì sẽ bị rắc rối và xử lý.
Bị cáo Quang giải thích thêm, ở ACB, định chế Hội đồng sáng lập là cơ quan tập hợp các cổ đông lớn có thể có tổng sở hữu lên đến trên 40% vốn điều lệ. Khi Nguyễn Đức Kiên phát biểu với tư cách Hội đồng sáng lập thì mọi người hiểu đó là tiếng nói của 40% vốn điều lệ.
Bị cáo Lý Xuân Hải cũng thừa nhận các chủ trương của Hội đồng quản trị nếu không được Hội đồng sáng lập chấp thuận thì sẽ không được thông qua.
“Hội đồng sáng lập không ký trong các biên bản họp Hội đồng quản trị nhưng họ phải thông qua thì chủ trương mới ban hành được. Nếu quyết định nào chúng tôi đưa ra mà họ không đồng ý, họ có quyền phủ quyết của cổ đông trên 35% vốn điều lệ. Nếu việc chúng tôi quyết định đúng mà họ không đồng ý thì chúng tôi cũng không làm được”, bị cáo Lý Xuân Hải nói.
Nguyễn Đức Kiên trong ngày xét xử thứ 5
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên phủ nhận những lời khai trên và khẳng định không chỉ đạo gây áp lực tạo ảnh hưởng tới bất kỳ thành viên Hội đồng quản trị nào, nhân viên ACB nào ở các cấp độ từ thấp đến Chủ tịch.
Theo bị cáo, trong các quy định của pháp luật, không quy định nào cho thấy bị cáo là cổ đông lớn. Các văn bản pháp luật về doanh nghiệp không có khái niệm cổ đông lớn. Bị cáo cho rằng không có căn cứ nào để xác định bị cáo là cổ đông lớn.
Tương tự, bị cáo cũng cho rằng không có căn cứ để xác định bị cáo đã chi phối hoạt động Ngân hàng ACB. Là Chủ tịch Hội đồng đầu tư, bị cáo chỉ có trách nhiệm trong hoạt động đầu tư của Ngân hàng ACB còn hoạt động quản trị điều hành của Ngân hàng ACB tuân theo quy định pháp luật và quy chế nội bộ.
“Các quy định này không cho phép cá nhân nào chỉ đạo, chi phối hoạt động của Ngân hàng ACB. Với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi đã làm đúng các quy định pháp luật. Tôi tin rằng mọi ý kiến của tôi đều đúng pháp luật”, bị cáo Kiên nói.