Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, đơn của bị cáo dài 118 trang, Hội đồng xét xử đều nghiên cứu kỹ từng nội dung. 26 trang bị cáo gửi Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử cũng đã được nghiên cứu.
“Tại phiên tòa, bị cáo tránh dài dòng văn tự, nói nhiều bị cáo cũng mệt, người nghe cũng mệt. Tòa sẽ dành thời gian cho bị cáo trình bày trong phần tranh luận” – Hội đồng xét xử nói.
Nguyễn Đức Kiên sau đó xin phép gửi đơn khiếu nại bổ sung, vì 118 trang viết trong trại giam khó đọc và có thể có trích dẫn không chính xác.
Tại tòa, bầu Kiên cho rằng, khẳng định mình không kinh doanh tài chính trái phép. Tòa nhiều lần phải nhắc nhở bị cáo này giữ bình tĩnh khi trình bày.
“Tôi bị huyết áp cao, nhịp tim nhanh, bị giam dài nên rất xúc động, nhưng tôi sẽ cố giữ bình tĩnh” - Nguyễn Đức Kiên đáp.
Hội đồng xét xử hướng dẫn bị cáo: “Nếu bị cáo quá mệt thì có thể xin giải lao. Không nên cố quá”.
Đến 10h30, bầu Kiên phải xin phép được ngồi để trả lời câu hỏi của tòa.
Về kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam, Nguyễn Đức Kiên bị quy kết đã dùng 6 công ty để kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính trái phép với số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.
Bị cáo Kiên khẳng định, chỉ có 3 trường hợp kinh doanh vàng phải xin phép và Thông tư 1168 của Ngân hàng Nhà nước đã thông báo rõ. Kinh doanh trạng thái giá vàng không nằm trong số các trường hợp phải xip phép mà Thông tư 1168 đã nêu.
“Không phải kinh doanh vàng nào cũng là kinh doanh có điều kiện” – bị cáo Kiên nói.
Cũng theo bị cáo này, Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Hợp đồng số 17 giao dịch vàng trạng thái được ký kết giữa 2 đơn vị trong nước là ACB và Thiên Nam, trên tài khoản của Công ty Thiên Nam mở tại Ngân hàng ACB. Hợp đồng cũng không có điều khoản nào thể hiện Công ty Thiên nam cho phép ACB kinh doanh vàng ở nước ngoài thay mặt Công ty Thiên Nam.
Trong 2 năm thực hiện hợp đồng 2009 - 2010, kể từ khi Công ty Thiên Nam ký và nhận chuyển giao từ VietBank và tiếp tục thực hiện với ACB đến khi kết thúc đều là trạng thái âm. Kinh doanh trạng thái âm thì không phù hợp với tội Kinh doanh trái phép, bởi “tội mà tôi bị truy tố thì phải kinh doanh dương 500 triệu đồng” – bị cáo nói.
Số liệu 11.000 tỷ đồng mà cáo trạng nêu chỉ là trạng thái quy mô giao dịch, mà không phải là giao dịch mua bán bởi không có thanh toán nào được thanh toán, không có lượng vàng nào được chuyển giao trong 2009 - 2010.
Ngày 5/12/2009, Công ty Thiên Nam có cuộc họp HĐQT do bị cáo Kiên chủ trì, sau đó ra Nghị quyết với nội dung thông qua quy mô hạn mức giao dịch là 150.000 ounce, hạn mức chặn lỗ là 10 triệu USD và giao cho Nguyễn Đức Kiên thông báo lệnh qua điện thoại.
Tại phiên tòa, Nguyễn Đức Kiên trình bày, việc ký hợp đồng với ACB là thẩm quyền của Tổng giám đốc Lê Quang Trung (đã mất – PV), không cần thông qua HĐQT. Kiên chỉ là người thông báo lệnh mua bán của Công ty Thiên Nam đến ACB thay cho ông Trung, bởi hệ thống giao dịch qua điện thoại, nhân viên ACB không nhận ra giọng nói của ông Trung, nên mới chuyển sang bị cáo Kiên thông báo.
Kiên nhận phiếu lệnh bằng văn bản từ ông Lê Quang Trung và thông báo lệnh đến ACB. Sau đó, chính phiếu lệnh này được chuyển sang ACB để xác nhận lệnh.
Bị cáo khẳng định, nếu không có phiếu lệnh của ông Lê Quang Trung mà chỉ có thông báo lệnh bằng giọng nói của bị cáo thì giao dịch bị dừng lại ngay lập tức để các bên thẩm định lại.
Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn về hoạt động kinh doanh trái phép…