Bầu Hiển thâu tóm Vigecam, vì đất hay vì chè?

Bầu Hiển thâu tóm Vigecam, vì đất hay vì chè?

(ĐTCK) Trong túi quà tặng khách của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) như đã thành thông lệ chẳng thể thiếu gói chè. Mặt hàng này liệu có phải là đích ngắm của bầu Hiển khi thâu tóm Vigecam?

1. Mới đây, hai doanh nghiệp có mối liên quan với ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB là Tổng công ty Rau quả nông sản Việt Nam – CTCP và CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đã đăng ký để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Việt Nam (Vigecam). Kế hoạch này đang được Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vigecam trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Tổng công ty Rau quả nông sản đăng ký mua 45% cổ phần, còn Bảo hiểm Hàng không đăng ký mua 25% cổ phần của Vigecam.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Tổng công ty Rau quả nông sản Việt Nam hồi tháng 11/2015, cổ đông đã thông qua việc tiếp tục triển khai đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của Vigecam. Tổng công ty Rau quả nông sản có vốn điều lệ 713 tỷ đồng, vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Khi doanh nghiệp này được cổ phần hóa, CTCP Tập đoàn T&T đã trở thành cổ đông chiến lược với việc mua vào gần 35 triệu cổ phiếu, tương đương 35% vốn. Hai cổ đông chiến lược khác là Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội, có cổ đông lớn là T&T, sở hữu 10,7 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn. 7,13 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ do CTCP Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ (Artexport) nắm giữ.

Tập đoàn T&T và Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đều do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch HĐQT. Như vậy, riêng các công ty liên quan đến bầu Hiển đã đăng ký mua tới 50% cổ phần của Tổng công ty Rau quả nông sản. Còn Artexport, cổ đông chiến lược còn lại của Vegetexco lại là cổ đông lớn của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội. Kế toán trưởng của T&T, ông Nguyễn Anh Dũng cũng tham gia Ban điều hành của Artexport.

Như vậy, nếu hai đơn vị trên được chấp thuận trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vigecam thì bầu Hiển gần như có quyền chi phối doanh nghiệp này. Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã đề cập, xung quanh câu chuyện chọn nhà đầu tư chiến lược của Vigecam, có khá nhiều ồn ào, trong đó các nhà đầu tư như Tập đoàn Năm Sao lo lắng về việc triển khai dự án trên khu đất vàng tại Đống Đa.

Đem chuyện này hỏi bầu Hiển, ông thủng thẳng cho biết, ông và các doanh nghiệp của mình được mời tham gia vào Vigecam và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chủ quản của Vegecam đồng ý. Chỉ chờ sự phê duyệt của Chính phủ, hai doanh nghiệp của bầu Hiển sẽ chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này.

2. Vigecam là Tổng công trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với lịch sử hơn 50 năm hoạt động. Trên website doanh nghiệp, Vigecam tự giới thiệu là “một đơn vị hậu cần lớn của sản xuất nông nghiệp cả nước. Hàng năm cung ứng một khối lượng rất lớn phân bón hóa học và các loại vật tư chuyên dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ”, sản phẩm chính là phân lân viên nén và chè xuất khẩu.

Nếu mục tiêu trở thành cổ đông lớn của Vigecam thành công, bầu Hiển sẽ bổ sung thêm sản phẩm chè vào danh mục mặt hàng thiết yếu sau rau quả (thông qua mua cổ phần Vegetexco) và bia (thông qua mua cổ phần Bia Việt Hà).

Chia sẻ với phóng viên mới đây, bầu Hiển cũng bày tỏ tâm huyết sẽ đầu tư nguồn lực, công nghệ để tạo giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam. “Việt Nam có nhiều sản phẩm gọi là đặc sản truyền thống, của riêng từng vùng miền, có khả năng cạnh tranh cao.

Ngay rau muống, thức rau phổ biến của người Việt Nam thì có “rau muống tiến vua” của Vĩnh Phúc. Tổng công ty Rau quả mà tôi là cổ đông lớn đang tham gia vào các vùng nguyên liệu này, đang triển khai nhiều chương trình nhằm phát huy thế mạnh của các mặt hàng đặc sản”.

Tuy nhiên, sản phẩm chè, mà thường xuất hiện trong mỗi túi quà gửi tặng khách hàng, đối tác của Vigecam cũng không phải là “đặc sản”. Bằng chứng là Vigecam chỉ đóng góp vỏn vẹn khoảng 600 tấn trên tổng sản lượng 120.000 tấn chè xuất khẩu hàng năm của nước ta.

Với mảng cung ứng phân bón và vật tư nông nghiệp, Vigecam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong hơn 3 triệu tấn phân bón được tiêu thụ nội địa hàng năm. Các hoạt động kinh doanh khác như đường, gạo và nông sản không ổn định, chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Kết quả kinh doanh của Vigecam cũng không có gì nổi trội. Doanh thu 3 năm (2012 - 2014) của Vigecam lần lượt đạt 126 tỷ đồng, 87 tỷ đồng và 109 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 10 tỷ đồng; 432 triệu đồng và 2,1 tỷ đồng.

Nhưng Vigecam có những thứ giá trị gấp nhiều lần chè và phân bón, hay những khoản lợi nhuận hàng năm. Đó là quỹ đất lớn mà doanh nghiệp đang quản lý, trong đó có nhiều vị trí đất vàng tại Hà Nội và các thành phố khác. Cụ thể, Tổng công ty đang quản lý và sử dụng tổng diện tích 114.793,94 m2 đất thuê của Nhà nước, bao gồm 6 lô đất tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM.

Trước hết phải kể đến thửa đất tại số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2 và thửa đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2); thửa đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2). Đặc biệt là khu đất có diện tích lên tới 23.042 m2 mà Tổng công ty đã có quyết định giao đất tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí.

Chưa hết, Vigecam còn có quyền sử dụng thửa đất tại số 166 – 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2). Đó là chưa kể các cơ sở nhà đất thuộc quyền khai thác của các công ty con và công ty liên kết của Vigecam.

Đây chính là lý do khiến cuộc đua trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vigecam trở nên gay cấn và diễn ra quyết liệt ở “hậu trường”.

Theo quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của Vigecam do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký mới đây, Công ty có vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 220 tỷ đồng. Đáng lưu ý là phương án cổ phần hóa Vigecam cực kỳ hấp dẫn khi cho phép bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, số lượng cổ phần bán ra bên ngoài lên tới 98,93% vốn điều lệ của Tổng công ty; trong đó, bán cho nhà đầu tư chiến lược là 70%, bán đấu giá công khai 28,93%, còn lại bán cho người lao động. Với thông tin được bầu Hiển chia sẻ ở trên, việc trở thành cổ đông chiến lược của Vigecam chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bầu Hiển có thể nắm trong tay khả năng chi phối số phận các khu đất vàng của doanh nghiệp này.

Sau hàng loạt thương vụ tham gia mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại doanh nghiệp nhà nước trong các đợt cổ phần hóa từ năm 2015 trở lại đây thông qua các công ty liên quan (như mua 50% cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải; mua 40% cổ phần của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; mua 24,33% cổ phần Bia Việt Hà), đều là những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn có vị trí đắc địa tại Hà Nội, TP. HCM, thương vụ thâu tóm 70% cổ phần của bầu Hiển được thị trường đồn đoán phần nhiều liên quan đến đất.    

Các doanh nghiệp bầu Hiển đầu tư qua con đường cổ phần hóa

 - Bệnh viện Giao thông Vận tải. Bệnh viện này nằm trên khu đất rộng tới 21.200 m2 (tại ngõ 1194 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) cùng thiết bị y tế hiện đại trị giá 15 triệu USD đã được đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Hiện T&T nắm giữ 50% 
cổ phần.

- Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor). Tổng công ty này đang quản lý và sử dụng các khu đất trải dài trên 12 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 92,383 héc-ta. Trong đó, có khá nhiều khu đất vàng tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Bình Định… VinaFor đang tập trung đầu tư vào Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp tại số 55 đường 430 Vạn Phúc, Hà Đông. Ngoài ra, Vinafor đang tham gia đầu tư như dự án xây dựng Tòa nhà văn phòng đại diện TCT Lâm Nghiệp Việt Nam tại 5-7 Đống Đa, Quy Nhơn, Bình Định; Dự án Eco Lake View tại số 32 phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội... Vinafor hiện đang sở hữu 30% cổ phần tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. Khoản đầu tư này có giá trị 1.119 tỷ đồng, chiếm 71% danh mục đầu tư dài hạn của Vinafor. Tập đoàn T&T nắm giữ 40% cổ phần của doanh nghiệp.

- Công ty Bia Việt Hà. Doanh nghiệp có 2 khu đất đang thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, là khu đất rộng gần 20.000 m2 tại 87 Lĩnh Nam (Hoàng Mai) và một khu đất tại số 11-13 Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình) rộng 1.071 m2. Ngoài ra, Việt Hà cũng đang được Hà Nội giao quản lý hàng loạt các khu đất vàng tại phố Quán Sứ, Hàng Thiếc, Hàng Trống (Hà Nội). Tổng công ty Rau quả nông sản nắm giữ 24,33% vốn điều lệ tại công ty này.

- Cảng Quảng Ninh, Tập đoàn T&T nắm giữ 98% cổ phần.

Tin bài liên quan