Đó là chia sẻ của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng TMCP SHB, Chủ tịch Tập đoàn T&T, một trong những lãnh đạo tập đoàn kinh tế tư nhân tham dự Hội nghị doanh nghiệp đối thoại với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 29/4 tới.
DN Việt Nam đang chật vật trong cuộc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài ngay trên sân nhà. Ông nghĩ sao về thực tế này và chúng ta có giải pháp thiết thực nào để nâng cao sức cạnh tranh cho DN?
Nói về cạnh tranh giữa các tập đoàn kinh tế Việt Nam với các tập đoàn kinh tế nước ngoài, trên khía cạnh tiềm lực, quy mô và tính chuyên nghiệp, chúng ta đều thua họ. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế hơn các công ty nước ngoài ở một số điểm khác. Không ai hiểu thị trường nội địa, nhu cầu, phong tục tập quán, văn hóa người Việt Nam như các tập đoàn kinh tế Việt.
Một trong những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, theo tôi, là phải tăng cường thực hiện chuỗi liên kết “ba nhà”, “bốn nhà”, thậm chí có những lĩnh vực ngành nghề là “năm nhà”. Về vấn đề này, DN, cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế đã đề cập đến rất nhiều, nhưng thực sự chưa có giải pháp cụ thể, đầu mối đích danh để thực thi cái chúng ta đang nhắc tới là liên kết.
Để thực thi chuỗi liên kết, DN, doanh nhân đều nhận thức được, ngay cả người nông dân, nhà sản xuất xuất khẩu, nhà nhập khẩu đều hiểu, đều mong muốn thực hiện, nhưng tại sao vẫn chưa làm được? Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao.
Cái khó hiện nay là phải ngồi lại cùng với nhau. Muốn như vậy, sự nỗ lực của bản thân DN, người nông dân là không đủ. Để họ có niềm tin, có được bảo trợ về mặt pháp lý thì các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các bộ, sở, ban, ngành phải vào cuộc.
Họ có thể là người đứng ra tổ chức, có cơ chế chính sách, có văn bản pháp lý để bảo vệ, duy trì, đảm bảo niềm tin cho chuỗi liên kết này. Tôi nghĩ khi ấy, những mong muốn về chuỗi giá trị mới nhanh chóng đi vào hiện thực, DN và người nông dân mới đủ sức để có thể cạnh tranh, không chỉ thị trường trong nước mà ngay cả thị trường nước ngoài.
Nói về sản xuất hay kinh doanh, chúng ta đều phải quan tâm đến vấn đề đầu ra. Hiện nay, tôi thấy nhiều DN, cũng như các cấp quản lý đã nhận thức được thực tế rằng, một đầu ra quan trọng là thị trường bán lẻ trong nước đang bị các công ty nước ngoài thôn tính. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có giải pháp. DN nước ngoài có quy mô lớn, do đó chúng ta không chạy đua theo quy mô, mà phải tổ chức, cơ cấu hoạt động phù hợp với nhu cầu và thị trường của người Việt Nam.
Chú trọng hệ thống bán lẻ quy mô nhỏ nhưng chuyên nghiệp, sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín. Muốn vậy, cũng cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý chất lượng, làm lành mạnh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, tránh tình trạng một số DN nhỏ làm mất uy tín của DN sản xuất tốt, chuyên nghiệp trong nước.
Ông Đỗ Quang Hiển
Tại một số phiên chất vấn Quốc hội kỳ vừa rồi, có bộ trưởng đã nêu vấn đề là trong chuỗi liên kết các nhà thì DN phải là nhạc trưởng. Điều này cho thấy vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn là rất quan trọng và họ phải là người tiên phong. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Các tập đoàn, DN lớn không thể đảm nhận hết mọi trách nhiệm. Tập đoàn lớn cũng phải lo tổ chức sản xuất, tìm kiếm đầu ra và huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh. Như vậy, họ phải có DN vệ tinh trên nhiều địa bàn và tận dụng lợi thế của từng vùng, từng miền; triển khai phát triển lợi thế về nguồn nguyên liệu truyền thống, nguồn nhân lực...
Việt Nam có nhiều sản phẩm gọi là đặc sản truyền thống, nước ngoài không có được. Chẳng hạn, ở Hà Nội, vùng Phúc Thọ có rau muống tiến vua, là sản phẩm nước ngoài không có. Nếu để nông dân trong vùng tự sản xuất thì tổ chức rất manh mún, chất lượng chưa cao, công nghệ sản xuất thủ công năng suất thấp… Hiện Tổng công ty Rau quả - CTCP mà tôi là cổ đông lớn đang tham gia vào các vùng nguyên liệu này, đang triển khai nhiều chương trình nhằm phát huy thế mạnh của các mặt hàng đặc sản, mà trước đây do không có nguồn lực, công nghệ để thực hiện bài bản, nên không tạo được thương hiệu, không tạo giá trị gia tăng…
Các tập đoàn lớn tham gia hoạt động ở những vùng miền như vậy sẽ tạo ra lợi thế, lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế. Thực tế, các DN, tập đoàn lớn đã có sự chủ động, nhưng để có mối liên kết, chuỗi giá trị với các DN, nông dân thì cần cơ quan quản lý hỗ trợ về chính sách, cơ chế, có văn bản đảm bảo cho chuỗi giá trị ấy cả trong trước mắt cũng như lâu dài.
Điều này là rất quan trọng vì nhiều lý do, chẳng hạn việc các vùng nguyên liệu phát triển bền vững hay không còn phụ thuộc vào quy hoạch đất dài hạn của Nhà nước. (Nếu đã thiết lập vùng nguyên liệu, chuỗi giá trị cho một loại đặc sản rau quả nào đó mà Nhà nước lại quy hoạch trồng một loại cây khác thì chuỗi giá trị sẽ bị phá vỡ - PV).
Ông vừa nhắc đến cơ chế để khích lệ các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc. Với thực tế ở một số DN mà ông đang lãnh đạo, hiện rất cần những cơ chế như thế nào?
Đã nhiều năm nay, Chính phủ có chủ trương thực hiện quyết liệt cổ phần hóa những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Tất cả DN, tập đoàn tư nhân trong và ngoài nước đều phấn khởi và tham gia tích cực, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn trong dân, giúp Nhà nước thu được nhiều tiền để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm. Tuy nhiên, hiện có tình trạng cổ phần hóa xong, nhiều cơ quan quản lý nhà nước quan niệm DN đã thuộc về tư nhân nên “buông tay”.
Chúng ta cần quan tâm đến DN cả trước, trong và sau cổ phần hóa. Bởi DN Nhà nước hay tư nhân đều là những thực thể của nền kinh tế, cũng là nơi tạo ra, đóng góp cho nguồn thu ngân sách.
Ở đây tôi không đề cập đến chuyện quan tâm về tiền, các DN tư nhân có thể huy động được nguồn vốn từ trong dân, ngân hàng… Cái họ cần là cơ chế chính sách. Khi cổ phần hóa, DN gặp nhiều khó khăn về con người, về quan điểm điều hành. Nếu cổ phần những lĩnh vực Nhà nước không cần quan tâm thì nên cổ phần hóa 100%, nếu DN còn 51% và 35% do Nhà nước nắm giữ thì vẫn còn là DN Nhà nước, quan điểm trong quản trị điều hành rất khó đổi mới.
Do đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ DN sau cổ phần hóa, giúp DN thuận lợi hơn để khôi phục, khắc phục tồn tại, yếu kém trước đây, nhanh chóng thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển, giải quyết công ăn việc làm, có đóng góp cho ngân sách.
Bên cạnh cơ chế hỗ trợ DN sau cổ phần hóa, tôi mong muốn rằng nếu Nhà nước đã thoái 49% hay 30% vốn tại DN thì phải đẩy nhanh tiến độ, thoái hết phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ, thực sự kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia, thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia.
Để triển khai một dự án hoặc một hoạt động kinh doanh, rất nhiều lãnh đạo DN than rằng, chúng ta đang thực hiện một cửa nhưng có nhiều khóa. Theo ông, có thể hạn chế tình trạng này bằng giải pháp nào?
Thực trạng này tất cả chúng ta đều biết. Hiện nay, thủ tục hành chính để xin phép triển khai một dự án nào đó, cần rất nhiều hồ sơ thủ tục, dù là một cửa nhưng thực tế phải đi qua nhiều cửa, nhiều bộ. Chúng ta tiếp nhận một cửa nhưng thực hiện nhiều cửa.
Chính phủ biết được và đang có những chỉ đạo sát sao để hạn chế tình trạng này. Tôi cho rằng, để có thể thực hiện các thủ tục nhanh chóng và hiệu quả, phải có một ban, một đầu mối trực tiếp kiểm tra, đánh giá việc ra các văn bản; rút gọn lại các thủ tục, đầu mối hành chính. Tất nhiên những văn bản đó phải dựa trên các luật đã được ban hành.
Có như vậy, DN Việt Nam mới có điều kiện tăng hiệu quả đầu tư, nhiệt huyết với sản xuất kinh doanh. Đối với DN, thời gian là tiền là vàng, kinh doanh là cơ hội, nếu các thủ tục kéo dài thì nhà đầu tư sẽ chán nản.