Rất nhiều người quan tâm đến việc bao giờ thì Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) được xây mới?
Đối với Dự án Sân vận động Hàng Đẫy, chúng tôi dự kiến xây lại toàn bộ vì cơ sở hạ tầng ở đây đã xuống cấp. Khi hoàn thiện, Sân vận động Hàng Đẫy sẽ thành một quần thể văn hóa, thể thao, dịch vụ, sự kiện, hội họp trên tổng diện tích 3 ha, mở rộng ra phía đầu đường Cát Linh. Những hạng mục về thể thao vẫn giữ nguyên, nhưng nâng cấp về chất lượng dịch vụ.
Hãy tin vào doanh nghiệp tư nhân, trao cho họ các cơ hội để đóng góp và huy động công sức vào công cuộc xây dựng kinh tế
Dự án Sân vận động Hàng Đẫy được thực hiện bởi nhà thiết kế của Đức (từng thiết kế Sân vận động Nou Camp ở Barcelona và Nhà Quốc hội Việt Nam), sẽ kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với dự kiến 4 tầng hầm, 2 tầng nổi. Sân vận động nằm trên tầng 2 với 2 vạn chỗ ngồi.
Hiện chúng tôi đang triển khai các thủ tục xin phép, nếu nhanh thì quý IV năm nay có thể khởi công, muộn hơn thì đầu năm 2019, chúng tôi bắt đầu thi công.
Trong chuyến tháp tùng Tổng Bí thư thăm Pháp vừa qua, T&T đã bắt tay với Tập đoàn Bouygues của Pháp để triển khai Dự án Đường sắt đô thị số 3. Mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với các dự án hạ tầng của Việt Nam gần đây có gì đáng chú ý, thưa ông?
Dự án Đường sắt đô thị số 3 nối trung tâm Hà Nội với thị xã Sơn Tây dài khoảng 31 km, với tổng vốn đầu tư từ doanh nghiệp ước tính 1,4 tỷ Euro. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), trong đó thành phố Hà Nội sẽ đầu tư thiết bị như mua tàu, toa xe… và quản lý vận hành, khai thác kinh doanh, nhà đầu tư sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà ga, đường ray, công trình nổi, ngầm…
Theo lộ trình của Hà Nội, giai đoạn 1 sẽ xây dựng tuyến đường Nhổn - Trôi - Phùng (Vành đai 4), với tổng chiều dài 6,1 km, dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2024 và bắt đầu vận hành khai thác vào năm 2025.
Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues của Pháp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về Dự án Đường sắt đô thị số 3 dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron tại cung điện Elysees.
Giai đoạn 2 sẽ xây dựng tuyến đường Phùng - Sơn Tây, với tổng chiều dài 24,95 km, dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2040 và bắt đầu vận hành khai thác kể từ năm 2040.
Hiện T&T đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn bộ dự án và đang trình các cơ quan chức năng của Hà Nội. Sau khi hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thành phố Hà Nội sẽ trình Chính phủ và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Không chỉ có các tập đoàn Pháp, nhiều nhà đầu tư Nhật, Mỹ, Australia cũng rất quan tâm và mong muốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng ở Việt Nam. Họ sẽ tài trợ vốn, tổng thầu dự án và cùng tham gia vận hành với doanh nghiệp Việt Nam. Đi cùng họ thường là các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính có nguồn vốn lớn mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần thu hút, kêu gọi đầu tư.
Việc các tập đoàn tư nhân như T&T có thể đảm nhận các dự án hạ tầng lớn mà không cần đến ngân sách tài trợ là tín hiệu tốt của nền kinh tế, cá nhân ông có suy nghĩ sao về vấn đề này?
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, rất cần nguồn vốn lớn đầu tư cho hạ tầng, nhất là giao thông và năng lượng. Lâu nay, đầu tư cho hạ tầng thường dồn gánh nặng lên vai Chính phủ và các dự án chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước đảm nhận, vốn vay thường phải có bảo lãnh Chính phủ.
Nay để thu hút nguồn vốn tư nhân, rất cần tháo bỏ các rào cản, trao các dự án lớn mà lâu nay chỉ doanh nghiệp nhà nước được làm cho các doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân sẽ hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, họ có giám sát hoặc thuê tư vấn giám sát, thưởng phạt hợp đồng minh bạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng và đặc biệt là rất chú trọng yếu tố công nghệ mới trong các dự án.
Qua quá trình trao đổi với nhiều tập đoàn nước ngoài, tôi nhận thấy, các tập đoàn nước ngoài muốn hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong triển khai các dự án lớn để minh bạch về hoạt động, có cơ chế, thủ tục nhanh, chủ động xử lý được các vấn đề nảy sinh trong quá trình đầu tư, triển khai dự án.
Khối doanh nghiệp tư nhân đã được giao các dự án lớn, phải chăng vị thế của doanh nghiệp tư nhân đã khác trước rất nhiều, hay thực tế buộc phải trao cho họ sứ mạng mới?
Vị thế của doanh nghiệp tư nhân đã được cải thiện rất nhiều, bởi thế, gần đây chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn trong kinh doanh. Ví dụ, doanh nghiệp tư nhân đã được giao các dự án lớn mà trước đây không bao giờ nghĩ đến.
Những dự án mà trước đây chỉ giao cho các doanh nghiệp nhà nước, nay thành phố, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã tin và giao cho tập đoàn tư nhân. Nhiều tập đoàn tư nhân Việt Nam hiện đang triển khai các dự án lớn của Hà Nội và TP.HCM như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, đường cao tốc, sân bay. Chúng ta thấy có một sự đổi mới rõ nét.
Mặt khác, các tập đoàn tư nhân chứng minh họ có thể và có năng lực làm dự án lớn như thế nào. Điều này tạo ra niềm tin về năng lực và sự phát triển của các tập đoàn tư nhân, nhiều dự án lớn sẽ không phải trông chờ ngân sách nhà nước, giao cho tập đoàn tư nhân triển khai với tốc độ rất nhanh, hiệu quả và họ vẫn có thể kiểm soát được mọi thứ.
T&T đã đưa Dự án “Thu hồi khí GAS bãi chôn lấp phát điện Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội” hợp tác với đối tác Hàn Quốc đi vào hoạt động, gần đây tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Hitachi Zosen “đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội”, có thể rút ra kinh nghiệm chung nào ở những dự án này, thưa ông?
Các bên tham gia dự án thực hiện từ lên thiết kế, xây dựng, huy động tài chính và vận hành nhà máy với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp vào việc sử dụng đất hiệu quả và phát triển kinh tế tại Việt Nam theo hướng xanh và bền vững. Đến nay, các dự án đều theo đúng tiến độ đã đề ra.
Kinh nghiệm chung mà tôi thấy ở các dự án giao cho tập đoàn tư nhân làm là họ theo thị trường, kiểm soát và sòng phẳng với các tập đoàn nước ngoài. Anh chậm, tôi phạt anh, cứ chiểu theo hợp đồng mà làm. Tiến độ và hiệu quả thì đã có minh chứng rất rõ rồi.
Một số chuyên gia cho biết, các tập đoàn tư nhân Việt Nam đang phải cạnh tranh với “sói già” quốc tế. Họ buộc phải tự lớn lên và trở thành động lực mới của nền kinh tế. Có vẻ như rất khó khăn, ông nghĩ sao về thực tế này?
Khó, ai cũng biết là khó, nhưng như Thủ tướng Chính phủ đã nói, khó cũng phải làm, khó mà không làm thì không biết đến bao giờ mới có thể làm được. Nền kinh tế cần các doanh nghiệp lớn.
Các doanh nghiệp lớn sẽ tổ chức sản xuất lớn và họ cần các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó sẽ kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Ngay như chuyện chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, việc này rất khó, đòi hỏi thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Bởi lẽ, trong cơ cấu giá thành sản phẩm có nhiều nhiều yếu tố tác động từ nguyên liệu sản xuất, logistic…, nhiều khâu chúng ta phải rà soát, giảm bớt các thủ tục, thu gọn các đầu mối để từng bước có giá thành cạnh tranh. Rất khó, nhưng buộc phải làm.
Trước thềm cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp năm nay, ông mong muốn được đề xuất những giải pháp gì?
Có 2 thông điệp mà tôi mong Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Thứ nhất là tiếp tục tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế, tạo môi trường minh bạch để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư.
Thứ hai là hãy tin vào doanh nghiệp tư nhân, trao cho họ các cơ hội để đóng góp và huy động công sức vào công cuộc xây dựng kinh tế.
Với riêng T&T, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án lớn, các dự án hạ tầng, với tầm nhìn dài hạn và bài bản.