Với những thông tin lần đầu tiên tiết lộ và một chiến lược hành động cụ thể để thể hiện cam kết kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững công bố tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, giới truyền thông cuối tuần trước, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã chứng tỏ bản lĩnh nhà đầu tư lớn, biến những thách thức khi bị tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) cáo buộc “vi phạm pháp luật, cướp đất, hối lộ, vi phạm về môi trường và xã hội” thành cơ hội để tiến lên.
99,99% cáo buộc là sai
“99,99% cáo buộc của Global Witness là sai”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG một lần nữa khẳng định. “Tôi đã mời Global Witness làm việc với sự tham gia của phóng viên các hãng tin lớn như CNN, Reuters… tại dự án ở Lào và Campuchia, nơi họ cáo buộc chúng tôi vi phạm. Chi phí của chuyến đi HAG chịu hoàn toàn. Nhưng thông tin mới nhất họ trả lời là gặp ở Công ty. Tôi rất thất vọng vì ngồi ở văn phòng chẳng giải quyết được gì”, ông Đức nói.
Lần đầu tiên ông Đức tiết lộ, chính ông là người ký văn bản gửi Chính phủ Lào từ chối nhận trả nợ bằng gỗ mà chỉ nhận trả tiền cho khoản nợ 15 triệu USD xây dựng làng Sea Games và tổ chức Sea Games tại Lào. Đây là thông tin gây chấn động 2 năm trước vì nhiều nhà đầu tư đến Lào với mục đích cuối cùng là gỗ. Nhiều đơn vị muốn mua lại hạn ngạch gỗ của HAG nhưng ông Đức nhất định từ chối. Đến nay, Chính phủ Lào đã trả nợ một phần cho HAG, chỉ còn ghi nợ vài triệu USD. Ông Đức khẳng định, việc cho Chính phủ Lào vay tiền không có mục đích gì ngoài tình yêu thể thao và giúp Lào tổ chức Sea Game thành công. Việc này được Chính phủ Việt
Cáo buộc HAG “cướp đất” của dân khi lấy đất trồng cao su hoàn toàn không có cơ sở. Ông Đức phân tích, mỗi nước có quy trình cấp đất chặt chẽ. Trước khi cấp đất, liên bộ xuống khảo sát nhiều lần. Bộ Nông nghiệp và Bộ Môi trường đi khảo sát, khu đất nào của dân, họ khoanh lại, cấp sổ đỏ cho dân trước. Sau đó, các bộ liên ngành trình Chính phủ thông qua, Thủ tướng ký. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt
Sau khi được chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp phải lên kế hoạch khai hoang. Liên bộ lại họp phê chuẩn kế hoạch này rồi mới ký hợp đồng thuê đất. Bộ Nông nghiệp lại cử người xuống cùng chính quyền địa phương cắm mốc khai hoang. Quy trình chặt chẽ như vậy, việc cướp đất của dân không thể xảy ra. Chỉ có những người dân tự nguyện chuyển đi thì chủ đầu tư phải yêu cầu họ ký biên bản xác nhận, thực hiện đền bù. Trong quá trình doanh nghiệp làm, phải có báo cáo hàng ngày, giám sát hàng tháng của các bộ.
Sau khi khai hoang, Bộ Tài chính xuống nghiệm thu và đấu giá gỗ. HAG có thừa khả năng để tham gia đấu giá mua gỗ nhưng không tham gia. Toàn bộ gỗ thu được sau khai hoang thuộc về Chính phủ, ai trúng thầu thì kéo gỗ về, HAG không đụng vào.
Tại Campuchia, Chính phủ quy định mỗi công ty chỉ sở hữu 10.000 héc-ta đất, nếu vượt quá thì phải được Quốc hội thông qua. HAG có 4 công ty con hoàn toàn độc lập ở Campuchia (không tính các công ty khác lấy tên Hoàng Anh), mỗi công ty sở hữu dưới 10.000 héc-ta là hoàn toàn đúng luật. Nếu quá trình cấp đất là sai thì không ai dám ký cấp đất cho HAG.
Theo ông Đức, cây cao su được thế giới công nhận là cây rừng. Rừng nghèo trồng cao su thay thế thì tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển kinh tế và có thể bán hạn mức khí thải CO2. Rừng đã phát triển tốt thì giữ được nước, sẽ không ảnh hưởng đến môi trường. Nước nào cũng có quy hoạch khu vực rừng bảo tồn, khu vực nào có thể trồng cây phát triển kinh tế…
Thách thức biến thành cơ hội
Lần đầu tiên gặp tình huống bị cáo buộc mà không có cơ hội để giải thích trực tiếp, ông Đức thừa nhận “hơi bị sốc”. HAG qua Lào từ năm 2008, khi đó Atapeu là tỉnh nghèo, người dân sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm, tìm một ngôi nhà ngói hoặc nhà tôn là khó. Ngay cả nhà trọ cũng không có để ở. Khi đầu tư vào Atapeu, HAG đã bỏ trên 30 triệu USD làm công tác xã hội xây bệnh viện, trường học, cầu đường, nhưng quan điểm của HAG là không truyền thông.
“Lý do là, khi đầu tư khai thác ở tỉnh nghèo như thế mà không hỗ trợ người dân, không đầu tư môi trường và xã hội thì bất công nên chúng tôi làm và làm rất tốt. Mình làm tốt mà có người nói HAG không tuân thủ pháp luật, môi trường và xã hội thì rất buồn. Nhưng việc này cũng thức tỉnh chúng tôi phải có hành động bảo vệ mình trước những cáo buộc như thế”, ông Đức nói.
Cáo buộc của Global Witness là cái rủi của HAG, nhưng trong rủi có may! Công ty Tài chính quốc tế (IFC), một cổ đông đầu tư gián tiếp vào HAG, một định chế hàng đầu thế giới giàu kinh nghiệm trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đã trực tiếp liên lạc với Hội đồng Quản lý rừng quốc tế (FSC) để giới thiệu HAG. Ngay sau đó, qua các mối quan hệ, HAG và Bureau Veritas, một tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (FSC-FM), hiện diện ở 140 quốc gia, đã gặp nhau.
Ông Francois Grimbert, Giám đốc Bureau Veritas Việt
Tiêu chuẩn FSC giúp doanh nghiệp chứng minh sự cam kết cao về bảo vệ môi trường. “Tất nhiên, quy trình đánh giá và cấp chứng chỉ không hề đơn giản”, Francois Grimbert nói.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Đức khẳng định, HAG sẽ triển khai ngay việc đánh giá và sẵn sàng chờ đợi để đạt được chứng nhận FSC. Hiện nay, các sản phẩm cao su và mía đường của HAG có số lượng còn ít và khách mua hàng của HAG không bị ảnh hưởng bởi cáo buộc của Global Witness, nhưng trong vòng 2 năm tới, sản lượng khai thác sẽ tăng cao, vì vậy, triển khai chứng nhận rừng và sản phẩm phát triển bền vững ngay từ bây giờ là vừa để xóa tan nghi ngại của nhà đầu tư, cũng như chống lại các cáo buộc vô căn cứ và quan trọng là để sản phẩm của HAG có thể đi vào mọi thị trường. “Là nhà đầu tư lớn ở Lào và Campuchia, chúng tôi sẽ đi đầu trong vấn đề này”, ông Đức khẳng định.
Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám Đốc phát triển kinh doanh của Công ty Dragon Capital
Ngay khi được biết về các quan tâm của Global Witness (GW) đối với những tác động về môi trường và xã hội trong một số dự án của HAG, Ban giám đốc của Dragon Capital đã làm việc với lãnh đạo của HAG để phản ánh các mối quan ngại này, đồng thời tổ chức việc tham quan kiểm tra một số dự án của HAG tại Campuchia. Chúng tôi đánh giá cao Ban lãnh đạo HAG khi thể hiện sự quyết tâm tập trung vào các vấn đề được nêu, nhằm đảm bảo Công ty đạt được những chuẩn mực cần thiết về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) trong các hoạt động kinh doanh của mình. Quá trình xem xét thẩm định lại các yếu tố về môi trường và xã hội thông qua việc trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo cấp cao của công ty mà chúng tôi đầu tư, làm việc với các đối tác hữu quan và trực tiếp tham gia thẩm tra các thông tin ngay tại khu vực hoạt động của dự án là một trong những bước cần thiết trong quy trình quản lý môi trường và xã hội của chúng tôi. Đối với HAG, quá trình này vẫn đang tiếp tục và chúng tôi sẽ hỗ trợ Công ty để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội, không chỉ theo quy định của pháp luật mà còn tiến tới đáp ứng các chuẩn mực ngày càng cao hơn.
Bà Võ Thị Huyền Lan, Giám đốc Jaccar Capital, Thành viên HĐQT HAG
Là Tập đoàn lớn, ngay từ đầu, HAG đã rất chú trọng vấn đề môi trường và xã hội. Gần đây, chúng tôi đã họp rất nhiều về vấn đề môi trường của Công ty. Trong báo cáo thường niên năm nay, anh Đức cũng đã đặt ra mục tiêu kiên trì theo đuổi phát triển bền vững. HAG đã ra biển lớn thì chúng tôi hiểu được phải tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế, phải đeo bám nó để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Anh Đức cùng đội ngũ HAG đã quán triệt tư tưởng này và sẽ tìm cách để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và xã hội của quốc tế. Trong thời gian tới, khi tổ chức độc lập thẩm định và chứng nhận cho HAG thì kết quả sẽ khách quan hơn. Tất cả sẽ được chứng minh bằng hành động.