Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giành thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại tiểu bang Hawaii - chiến thắng mới nhất của ông trong cuộc chạy đua nhằm giành được đề cử của đảng để tham gia cuộc tranh cử tổng thống vào cuối năm nay.
Ông Biden đã đánh bại Thượng nghị sỹ độc lập tiểu bang Vermont Bernie Sanders - ứng cử viên đã từ bỏ cuộc đua hồi tháng trước - với tỷ lệ phiếu lần lượt là 63% và 37%.
Chiến thắng tại Hawaii đã giúp chiến dịch tranh cử của ông Biden thu về 16 phiếu đại biểu, và ông Sanders dù thất bại cũng kiếm được 8 phiếu đại biểu từ tiểu bang này.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Hawaii đã giúp cựu Phó Tổng thống Joe Biden đến nay giành được tổng cộng 1.566 phiếu đại biểu.
Dự kiến ông sẽ đạt 1.991 phiếu đại biểu - ngưỡng cần thiết để nhận được đề cử của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ tiếp theo vào tháng Sáu tới.
Trong khi đó, ông Sanders vẫn có tên trên các lá phiếu bầu cử sơ bộ trong nỗ lực tích lũy thêm số phiếu đại biểu và gây ảnh hưởng đến nền tảng của đảng Dân chủ.
Cuộc bầu cử sơ bộ tại Hawaii đã được tiến hành vào ngày 23/5 theo giờ địa phương sau thời gian trì hoãn vì sự bùng phát của dịch COVID-19.
Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ được tổ chức hoàn toàn bằng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, với chỉ hơn 35.000 cử tri tham gia.
Chiến thắng của ông Biden tại Hawaii diễn ra trong bối cảnh cựu Phó Tổng thống đang vượt qua đối thủ của đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump trong nhiều cuộc thăm dò dư luận những tháng gần đây.
Một cuộc khảo sát của Fox News được công bố vào tuần trước cho thấy ông Biden có lợi thế 8 điểm nhiều hơn so với ông Trump trên toàn quốc và dẫn tới 13 điểm về tỷ lệ ủng hộ trong nhóm cử tri độc lập.
Một cuộc thống kê về tỷ lệ ủng hộ trung bình trong các cuộc thăm dò dư luận được RealClearPolitic cũng cho thấy cựu phó tổng thống Joe Biden nhiều hơn Tổng thống Trump 5,5 điểm %.
Cũng trong ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa chỉ trích hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, khi cho rằng những người ủng hộ biện pháp này đang tìm cách lợi dụng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 để tiếp tục "lừa đảo."
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Nước Mỹ không thể có tất cả lá phiếu được bỏ qua đường bưu điện. Đây sẽ là cuộc bầu cử gian lận lớn nhất trong lịch sử," đồng thời cho rằng một số phiếu bầu vắng mặt có thể chấp nhận được nhưng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện rộng rãi làm tăng nguy cơ gian lận.
Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ phản đối việc bỏ phiếu qua đường bưu điện kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016.
Ông ngày càng chỉ trích về vấn đề này những tuần gần đây, khi nhiều tiểu bang thúc đẩy việc bỏ phiếu qua đường bưu điện do lo ngại các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19 khi tiến hành bỏ phiếu trực tiếp.
Sau khi hai tiểu bang Michigan và Nevada thực hiện các bước vào tuần trước nhằm thúc đẩy việc bỏ phiếu qua bưu điện, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ rút ngân sách liên bang cho các tiểu bang này.
Cho đến nay, 5 tiểu bang gồm Colorado, Hawaii, Oregon, Utah và Washington đã tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ gần như hoàn toàn qua đường bưu điện.
Trong khi đó, 33 tiểu bang và khu vực Washington D.C cho cử tri quyền lựa chọn.
Những tiểu bang khác chỉ cho phép việc bỏ phiếu qua đường bưu điện trong một số trường hợp nhất định, dù sự bùng phát của đại dịch COVID-19 làm gia tăng tranh luận về việc nới lỏng các hạn chế nhất định.
Hồi tuần trước, một thẩm phán liên bang ở Texas ra phán quyết rằng cử tri đã đăng ký trong tiểu bang có thể nộp đơn xin bỏ phiếu qua đường bưu điện trong bối cảnh đại dịch, khẳng định các quy tắc bỏ phiếu vắng mặt hiện tại của tiểu bang sẽ tạo gánh nặng vi hiến và bất hợp pháp đối với cử tri Texas.
Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc bỏ phiếu qua bưu điện đang trở nên phổ biến với người dân.
Một cuộc khảo sát của AP-NORC được công bố vào tháng trước cho thấy phần lớn người được hỏi ủng hộ cho phép mọi người bỏ phiếu qua đường bưu điện mà không cần phải cung cấp lý do.
Kết quả khảo sát của Đại học Sufford/USA Today cũng cho thấy khoảng 66% người Mỹ cho biết sẽ ủng hộ việc bỏ phiếu qua đường bưu điện như một cách thay thế cho việc bỏ phiếu trực tiếp vào "Ngày bầu cử" nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng chia rẽ quan điểm giữa cử tri hai đảng khi những người thuộc phe Cộng hòa thể hiện sự cảnh giác hơn đối với cách thức bỏ này so với các thành viên đảng Dân chủ.
Thượng nghị sỹ đảng Công hòa tiểu bang Florida Rick Scott nói rằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện có thể được tiến hành, nếu có luật để chống vấn đề "gian lận".