Bắt vịt, thổi cơm thi trên thuyền ở Hải Dương

Bắt vịt, thổi cơm thi trên thuyền ở Hải Dương

60 tay chèo chia làm 5 đội vừa đua thuyền, vừa nhóm lửa thổi cơm trong sự ngăn cản của các đội khác.

Lễ hội chùa Bạch Hào, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Hải Dương được tổ chức ngày mồng 5 - 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Lễ chính bắt đầu sáng mùng 6 với đoàn rước gồm 5 mâm cỗ của 5 thôn, bài vị của 3 thành hoàng làng là 3 vị tướng đời Trần có công dẹp giặc, mở ấp, dựng làng.

Phần hội làng sau đó có nhiều trò chơi dân gian như: Đua thuyền, thổi cơm trên thuyền, bắt vịt trên thuyền. 

Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày chính hội, kỷ niệm ngày vua Trần Nhân Tông trong lần kinh lý tại Hải Dương đã dừng lại thăm chùa. Các đội đua nam và nữ chia nhau thi vào buổi sáng và chiều.

Năm thuyền của 5 thôn sẽ đua trên sông Cửa Chùa, chặng đua dài hơn một km để chọn ra 3 đội nhất tính theo thời gian. Đội nhất sẽ tham gia trò chơi tiếp theo.

"Trò chơi nấu cơm khởi nguồn từ hoạt động nấu cơm trong thời chiến để nuôi quân. Xưa không có đê điều, khắp nơi là nước, vịt được nuôi thả theo chiến thuyền trên sông, khi cần thực phẩm lính nhảy xuống sông bắt trực tiếp. Ý nghĩa của những trò chơi đều mang tính chất luyện quân", ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng ban tổ chức, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết.

Độ tuổi của VĐV không bị giới hạn, từ già trẻ, miễn là những người có sức khoẻ. Số VĐV trên mỗi thuyền đua gồm 12 -14 người trong đó có 10-12 tay chèo, một người cầm lái (còn gọi là "phách mũi" và một người tát nước).

Trước kia, do kinh tế khó khăn, thuyền đua không phải là chải gỗ mà là thuyền nan. Năm 1985 đến nay, địa phương đã đầu tư kinh phí để đóng "chải" phục vụ lễ hội.

Sau phần thi bơi chải là thổi cơm trên thuyền, đây cũng là phần thi sôi nổi nhất. Chiếc niêu đất được cho gạo và nước vào, lấy dây buộc chặt, đắp đất sau đó dùng củi để đun.

Các đội chuẩn bị sẵn bó đóm và niêu cơm, vừa chèo, vừa nấu trong tiếng trống, tiếng cổ vũ reo hò của nhân dân hai bên bờ. Các đội thường té nước, làm tắt lửa của đội khác. Thuyền nào cơm chín và không bị tắt lửa sẽ dành chiến thắng.

Một pha áp sát để gây ra khó khăn trong việc thổi cơm giữa hai thuyền đua. 

Ngoài việc che chắn tốt, các đội sử dụng củi tre, dầu hoả để làm tăng nhiệt độ và chống nguy cơ tắt lửa khi đun. 

Ba chiếc thuyền té nước gây ra cảnh huyên náo, chiếc thuyền ở giữa mất thăng bằng nên chìm xuống sông. 

Hầu hết cơm của các đội đưa lên cho ban giám khảo đánh giá đều chưa đủ độ chín.

Ở phần thi tiếo theo, chủ trò đưa vịt ra giữa sông, đội nào bắt được vịt sẽ giành chiến thắng.

Khi vịt được tung xuống nước, VĐV trên chải nhanh chóng nhảy xuống bắt vịt, các thành viên còn lại của đội bạn liên tục té nước, gây khó khăn.

 Con vịt bị bắt lại sau hơn 20 phút bị 36 vận động viên quây.

Chùa Bạch Hào được xây dựng từ năm Tân Hợi (1011), dưới thời Vua Lý Thái Tổ. Chùa thờ 3 vị tướng của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Danh Quang, Nguyễn Danh Nguyên và Lý Đình Khuê, đã có công dẹp giặc, mở ấp dựng làng.

Các vị đã dạy nhân dân Thanh Xá nuôi tằm, dệt vải, sản xuất và bơi thuyền trải. Chùa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993. Lễ hội Chùa Bạch Hào đã được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015.

Tin bài liên quan