Lợi nhuận đạt mục tiêu, nhưng doanh số sa sút
Trong công bố thông tin gửi các cổ đông và nhà đầu tư về biến động giá cổ phiếu SJF, Ban lãnh đạo Sao Thái Dương cho biết, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường và ổn định, với lợi nhuận sau thuế đến hết quý III/2018 là 42 tỷ đồng, ước cả năm 2018 đạt 50 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch.
Thế nhưng, báo cáo tài chính quý của Công ty cho thấy, hoạt động kinh doanh chưa chắc đã “theo lộ trình” như Ban lãnh đạo đề cập.
Hiện Công ty chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018. Theo báo cáo tài chính quý III/2018, trong kỳ, công ty mẹ SJF đạt doanh thu 77,7 tỷ đồng, hợp nhất toàn hệ thống đạt hơn 172 tỷ đồng. Con số này xấp xỉ 50% doanh thu của SJF trong 9 tháng đầu năm 2018, với doanh thu hợp nhất 356 tỷ đồng và doanh thu riêng công ty mẹ là 138 tỷ đồng.
Có nhiều băn khoăn về chất lượng lợi nhuận, tài sản, tính minh bạch của SJF.
Về lợi nhuận, quy mô lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2018 của SJF so với cùng kỳ năm 2017 tăng lên, nhưng chất lượng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có dấu hiệu giảm.
Tại báo cáo tài chính riêng lẻ, SJF đạt 127,6 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi cùng kỳ năm 2017 là -0,6 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng mạnh, nhưng loại trừ khoản doanh thu hoạt động tài chính trị giá 129,7 tỷ đồng - được thuyết minh là cổ tức, lợi nhuận được chia, thì hoạt động kinh doanh của SJF đi lùi. Chưa rõ khoản 129,7 tỷ đồng này đến từ đâu, nhưng rõ ràng, SJF đang phụ thuộc thu nhập vào đây.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất, bức tranh sáng sủa hơn về mặt lợi nhuận, nhưng quy mô doanh thu của SJF trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm mạnh, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm 2017.
So sánh với kế hoạch doanh thu năm 2018, thì quy mô doanh thu của Công ty thấp hơn dự phóng rất nhiều. Đầu năm 2018, SJF đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, khi đưa cổ phiếu lên sàn, con số dự phóng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 130 tỷ đồng, chia cổ tức 12% vốn điều lệ (theo bản cáo bạch).
Băn khoăn chất lượng lợi nhuận và minh bạch thông tin
Thị trường nhìn nhiều vào câu chuyện “lướt” cổ phiếu của cổ đông nội bộ, khi Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị SJF bán ra cổ phiếu trong giai đoạn giá đạt đỉnh kể từ khi niêm yết (giữa năm 2018), sau đó đăng ký mua lại khi giá cổ phiếu giảm về mức xấp xỉ 1/6 giá đỉnh trước đó. Tuy nhiên, câu chuyện đáng quan tâm hơn là chất lượng minh bạch thông tin và hiệu quả kinh doanh.
Bỏ qua mức độ thay đổi về quy mô doanh thu, lợi nhuận như đã nêu trên, nhìn vào SJF, câu chuyện đầu tiên là chất lượng thông tin. Quý I/2018, SJF nhận 129,7 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia. Vậy nhưng, thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2018 và báo cáo tài chính bán niên soát xét không thể hiện lợi nhuận ấy đến từ công ty nào (trong trường hợp công ty con, công ty liên kết).
Tiếp đến là lợi nhuận lớn, nhưng dòng tiền tại SJF không có nhiều chuyển biến. Trong quý I/2018, thời điểm SJF hạch toán khoản doanh thu tài chính 129,7 tỷ đồng từ nhận lãi chia, cổ tức, số dư tiền của Công ty hầu như không thay đổi, trong khi số dư phải thu ngắn hạn tăng đột biến thêm xấp xỉ 130 tỷ đồng, tương ứng với con số doanh thu này.
Đến quý II/2018, số dư tiền của SJF tăng thêm xấp xỉ 33 tỷ đồng, nhưng khoản phải thu khác và phải thu dài hạn khác tăng thêm lần lượt là 56 tỷ đồng và 80 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2018, công ty mẹ SJF có 5,57 tỷ đồng tiền mặt - tiền tại quỹ (đầu năm 2018 là hơn 2 tỷ đồng), phải thu khách hàng giảm 34 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng trả trước người bán tăng 20 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác tăng hơn 73 tỷ đồng, phải thu dài hạn khác tăng 80 tỷ đồng.
Số liệu tại công ty mẹ cho thấy, lợi nhuận thu được của công ty mẹ suốt 9 tháng đầu năm 2018 và số tiền thu ròng được nhờ giảm phải thu khách hàng tập trung ở các khoản phải thu (ngắn, dài hạn) khác và một phần sang tiền mặt.
Trong khi đó, hoạt động đầu tư của SJF có một số điểm đáng chú ý. Ngoại trừ nhà máy sản xuất tre và gỗ ép thanh tại Điện Biên đã hoàn thành và đi vào sử dụng trong 9 tháng đầu năm 2018, thì 2 dự án khác là nhà máy sản xuất ván dăm tre gỗ công nghiệp tại Hòa Bình và dự án kho bảo quản các sản phẩm từ chăn nuôi theo công nghệ Nhật Bản tại Hòa Bình đều giậm chân tại chỗ, dù có tổng mức đầu tư gần 97 tỷ đồng, chiếm hơn 1/8 quy mô vốn chủ sở hữu của Công ty.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, các nghi vấn về chất lượng lợi nhuận, tài sản, hay tính minh bạch trong quản trị của Công ty khiến giá cổ phiếu có diễn biến giảm mạnh. Hiện tại, các nghi vấn này vẫn còn, đang chờ câu trả lời từ SJF.