Khối ngoại giao dịch trái quy luật
Thống kê giao dịch khối ngoại trong tháng 1 từ năm 2010 trở lại đây cho thấy, xu hướng chủ đạo là mua ròng, tuy nhiên, xu hướng này bị ngắt quãng trong các năm 2012 và 2015 với những nguyên nhân nhất định.
Trong đó, tháng 1/2012 là tháng bán ròng lớn mà nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại bất ngờ chuyển hướng là do hai mã STB và VIC. Cụ thể, trong tuần đầu tiên của năm 2012, khối ngoại đã bán ròng đột biến gần 1.850 tỷ đồng STB và tổng cộng trong cả tháng, STB đã bị bán ròng hơn 121 triệu đơn vị với tổng giá trị 1.951,5 tỷ đồng. Trong khi, VIC bị bán ròng 8 triệu đơn vị, trị giá tương ứng gần 800 tỷ đồng.
Tương tự, tháng 1/2015, khối ngoại bất ngờ đi ngược xu hướng khi bán ròng hơn 181 tỷ đồng, nguyên nhân là bán ròng khủng 7,38 triệu cổ phiếu DBC, với tổng giá trị 221,29 tỷ đồng.
Điểm giống nhau của 2 thời điểm trên là lượng bán ròng khủng tập trung vào 1-2 mã cụ thể và các giao dịch đều được thực hiện thỏa thuận nên cung ngoại không tác động lớn tới diễn biến giá của các cổ phiếu bị đẩy bán, cũng như tâm lý toàn thị trường. Nếu loại trừ các yếu tố này, giao dịch của nhà đầu tư ngoại vẫn giữ trạng thái mua ròng.
Quy luật trên chính thức bị phá bỏ khi bước sang tháng 1/2016, nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp thực hiện các phiên bán ròng nhưng không tập trung vào các mã cụ thể với những giao dịch thỏa thuận. Danh mục bán ròng của khối ngoại dàn trải qua từng phiên với tâm điểm là các cổ phiếu bluechip. Chỉ trong hơn 2 tuần đầu năm 2016, khối ngoại đã bán ròng hơn 570 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với giá trị bán ròng của cả tháng 1/2015.
Trong đó, riêng trên sàn HOSE, khối này đã bán ròng tới hơn 630 tỷ đồng. Đây là xu hướng hiếm thấy của dòng vốn ngoại, bởi trong 4 năm trở lại đây, khối này luôn duy trì trạng thái mua ròng trong tháng 1 trên sàn HOSE. Cụ thể, năm 2013 mua ròng 2.532 tỷ đồng, năm 2014 mua ròng 1.602 tỷ đồng, năm 2015 mua ròng 96,26 tỷ đồng.
Xu hướng đã được dự báo
Trở lại với diễn biến bán ròng của khối ngoại trong hai tuần đầu tháng 1/2016, có thể nói, điều này không quá bất ngờ bởi giới phân tích đã sớm dự báo dòng vốn ngoại sẽ rút ra khỏi thị trường mới nổi khi đồng USD tăng giá, trước hiệu ứng của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất. Theo thống kê, giới đầu tư và các doanh nghiệp trên toàn cầu đã rút 735 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi năm 2015.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, thị trường chứng khoán toàn cầu chịu tác động tiêu cực của khá nhiều yếu tố như chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh và buộc phải ngắt giao dịch tự động tới 2 lần trong 1 tuần khi đà giảm chạm ngưỡng quy định; giá dầu thô “chọc thủng” mốc 30 USD/thùng… Trước những biến động này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng, khi mất tới 50 điểm, tương ứng gần 9%. Nhà đầu tư đang rất thận trọng trong việc giải ngân.
Đánh giá xu hướng dòng vốn ngoại trong thời gian tới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước có cái nhìn khá tích cực. Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty quản lý Quỹ VinaCapital, đây là thời điểm tốt để mua vào cổ phiếu tại TTCK Việt Nam.
“Chúng tôi đang mua vào và sẽ tiếp tục mua vào. Các cổ phiếu đang bị đánh giá thấp hơn giá trị và sự sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam khiến các cổ phiếu này thậm chí còn rẻ hơn nữa”, Andy Ho cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định, Fed có thể sẽ không tăng lãi suất, hoặc tăng nhẹ trong năm 2016, khi sức khỏe của nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng xấu đi. Do đó, dòng tiền đầu tư tại thị trường mới nổi và thị trường cận biên có thể sẽ ở lại và luân chuyển vào các quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt như Pakistan, Việt Nam…