Dấu hiệu bất thường
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp ở miền Trung sau khi trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát đã xin trả lại mỏ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tỉnh ở miền Trung được mệnh danh là “thủ phủ” cát, nhưng lại thiếu cát phục vụ xây dựng hạ tầng.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, có 6/7 chủ mỏ đã xin trả lại mỏ sau khi trúng đấu giá. Một trong số đó là Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh (xin trả lại mỏ cát Trường Xuân - Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh).
Theo Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh, nếu áp giá thuế tài nguyên năm 2023 là 150.000 đồng/m3 cát và được phê duyệt tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thì doanh nghiệp phải đóng 26,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức thuế phải thực hiện theo quy định mới (năm 2024) là 230.000 đồng/m3, thì số tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp là trên 40,1 tỷ đồng, cao hơn 13,9 tỷ đồng so với mức thuế phải đóng của năm 2023.
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Hợp Nhất cũng xin hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát ở thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích khoảng 3,26 ha. Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Sao Việt xin hủy kết quả trúng đấu giá 2 mỏ cát ở thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa) và thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp.
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khoáng sản Quảng Ngãi (chủ mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi) cho biết, theo phân kỳ, thì doanh nghiệp đóng lần đầu (năm 2023) là 50 tỷ đồng; 4 lần còn lại vào các năm tiếp theo (2024, 2025, 2026 và 2027), tiền thuế tài nguyên phải đóng là hơn 15,9 tỷ đồng/năm. Với mức thuế tài nguyên áp dụng theo quy định mới năm 2024, số tiền mà doanh nghiệp phải đóng là hơn 24,5 tỷ đồng, tăng hơn 8,5 tỷ đồng so với năm 2023 và mức tăng như vậy là quá cao.
Liên quan các kiến nghị của doanh nghiệp về việc tính thuế năm 2023 nhằm đưa giá cát về thực tế, lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Ngãi cho rằng, việc giảm giá tính thuế chưa phải là giải pháp tốt nhất, bởi hình thái cung cầu trên thị trường mới quyết định thị trường cát.
Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi, đối với mỏ đấu giá tính thuế tài nguyên, thì giá kết cấu không lớn, nhưng trong phiên đấu giá hệ số K tính tiền thuế, các doanh nghiệp đấu tăng lên trên 100 lần, cá biệt có mỏ tăng 180 lần so với giá khởi điểm. Từ đó, việc tính thuế tài nguyên đối với mỏ đấu giá tăng lên cao, khiến doanh nghiệp bỏ mỏ hoặc có khai thác thì cũng phải bán với giá cao.
Không riêng Quảng Ngãi, tại Quảng Nam, mới đây, một doanh nghiệp đã đấu giá mỏ cát cao gấp 308 lần so với giá khởi điểm, khiến nhiều người đặt ra nghi vấn.
Cụ thể, vào ngày 18/10, Công ty cổ phần Đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được thuê thực hiện đấu giá) tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Đây là mỏ cát xây dựng, có diện tích 6,04 ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000 m3.
Kết quả rất bất ngờ khi mỏ được chốt giá 370 tỷ đồng, cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm (1,2 tỷ đồng). Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty cổ phần MT Quảng Đà, có địa chỉ tại quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng).
Với 370 tỷ đồng cho mỏ cát có trữ lượng 159.000 m3, giá cát là hơn 2,3 triệu đồng/m3.
Theo chủ một doanh nghiệp khai thác cát ở Quảng Nam, đây là việc hết sức phi lý, vì nếu so với giá cát mà UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành là 150.000 đồng/m3, thì số tiền chênh lệch quá lớn. Doanh nghiệp mua cát (đấu giá) với giá 2,3 triệu đồng/m3, thì sẽ phải bán ra thị trường với giá ít nhất là 2,5 triệu đồng/m3. Như vậy, sẽ dẫn tới việc đẩy giá cát lên cao, phá vỡ thị trường, gây mất an ninh.
“Tôi trực tiếp tham gia buổi đấu giá này và bất ngờ với con số được đấu giá. Hiện nay, việc mua hồ sơ đấu giá đơn giản, nên có nhóm đối tượng tham gia để phá giá nhằm trục lợi, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và môi trường đầu tư”, vị doanh nhân này chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định, việc doanh nghiệp đấu giá mỏ cát cao ngất ngưởng như vậy là có dấu hiệu bất thường.
“Sau khi kết thúc phiên đấu giá, tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng công nhận kết quả trúng đấu giá, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, sai phạm đến đâu thì sẽ xử lý đến đó”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát lại hồ sơ, quy trình, thủ tục liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B; đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.
Bộc lộ lỗ hổng, bất cập
Theo ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, việc thực hiện đấu giá khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông, còn nhiều bất cập và cần có những giải pháp cải thiện.
Cụ thể, quy định hiện nay chưa rõ thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép, dẫn đến nhiều trường hợp không muốn làm, nhưng không muốn mất tiền cọc, nên cứ treo dự án, mà cơ quan chức năng không có hướng xử lý. Bên cạnh đó, điều kiện tham gia đấu giá theo Luật Khoáng sản quá dễ, chỉ cần đứng danh chủ mỏ, thì ai cũng có thể tham gia đấu giá được.
Do đó, cần có quy định rõ ràng hơn về thời gian thực hiện đấu giá và cấp phép, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia; đồng thời, cải thiện quy trình đấu giá khoáng sản, xây dựng các tiêu chí cụ thể về năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp tham gia đấu giá, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Phạm Thảo (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho hay, hiện nay, rất nhiều phiên đấu giá có một số đơn vị dự thầu đấu giá rất cao so với thực tế thị trường và sau khi trúng thầu thì chọn lý do không thuyết phục để bỏ cọc. Việc này khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể cạnh tranh sòng phẳng, mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, có thể gây thiệt hại cho Nhà nước.
Luật sư Phạm Thảo nhấn mạnh, việc nâng khống giá có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, gây nhiễu loạn thị trường, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.
“Quy định pháp luật về đấu giá còn một số lỗ hổng, dẫn đến tình trạng ‘quân xanh, quân đỏ’ luồn lách ngày một tinh vi. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách cần hoàn thiện quy định pháp luật và thực thi”, luật sư Phạm Thảo nói.
Theo vị luật sư này, điều kiện tham gia phiên đấu giá cần quy định rõ về năng lực tài chính và lịch sử kinh doanh, qua đó hạn chế những doanh nghiệp “chân gỗ”. Đồng thời, cần quy định, sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng, thì ngoài việc mất tiền đặt cọc, còn bị phạt thêm tiền.
Trong quá trình diễn ra đấu giá, nếu thấy vấn đề bất thường, thì nên trao quyền để đấu giá viên hoặc cơ quan liên quan có kiến nghị ngừng đấu giá, tạm ngừng để điều tra, làm rõ những bất thường nhằm chủ động phát hiện vi phạm, hạn chế thiệt hại cho Nhà nước cũng như các cá nhân, tổ chức.
“Đặc biệt, cần nâng cao mức đặt cọc tham gia đấu giá, nếu không tham gia thật thì doanh nghiệp sẽ mất số tiền đặt cọc lớn, để đảm bảo họ không tham gia quá trình đấu giá như một cuộc chơi để quấy nhiễu hay phá hoạt động đấu giá”, luật sư Phạm Thảo kiến nghị.
Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc thu thập tài liệu, xác minh kết quả trúng đấu giá mỏ cát ký hiệu ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) với giá 370 tỷ đồng. “Đây có thể là vụ đấu giá ‘không trong sáng’, nhằm mục đích để phá cuộc đấu giá này, gây ảnh hưởng đến kết quả cũng như người tham gia đấu giá”, Đại tá Lai nói.
Đại tá Lai cho biết thêm, hiện chưa thể xác định được doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát có thực hiện được hay không. Vì vậy, Công an tỉnh đã chỉ đạo thu thập tài liệu về cuộc đấu giá này để xem năng lực tài chính các đơn vị tham gia đấu giá.