Hàng không là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc mở cửa.

Hàng không là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc mở cửa.

Bắt sóng ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VJC, HVN - hai đại diện tiêu biểu cho nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường Trung Quốc đã tăng lần lượt 15% và 40% trong hơn 10 phiên giao dịch vừa qua. Đây cũng là chỉ báo về sóng ở những ngành có câu chuyện riêng thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng như đầu tư công, bất động sản công nghiệp…

Hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc CTCP Vietjet (mã VCJ) chia sẻ, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 - năm trước khi đại dịch Covid bùng phát. Chính sách nới lỏng dần các hạn chế đi lại ra nước ngoài của Trung Quốc dự kiến kể từ quý II/2023 sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch, hàng không Việt Nam.

Với VietJet, trước đây, khách Trung Quốc chiếm gần 50% thị phần thị trường quốc tế, chiếm 25% tổng thị phần với bình quân 40.000 chuyến bay/năm nên sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi lượng khách du lịch đến từ quốc gia này. Trong quý IV/2022, Công ty dự báo đạt doanh thu và lợi nhuận tích cực hơn nhờ lượng khách tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là các thị trường quốc tế. Năm 2022, Công ty đã đưa vào vận hành 58 - 60 tàu bay và dự kiến trong năm 2023 sẽ nâng lên 77 - 85 tàu bay.

Cổ phiếu HVN cũng tăng trần trong bối cảnh Tổng công ty Hàng không Việt Nam nối lại chuyến bay đến Trung Quốc.

Khách du lịch Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nên các cổ phiếu ngành du lịch hưởng lợi. Cổ phiếu SKG của CTCP Superdong Kiên Giang, công ty sở hữu gần 20 tàu cao tốc vận tải đường thủy tuyến đi Phú Quốc, Côn Đảo đã tăng trần trong ngày 9/12, mở đầu chuỗi ngày tăng giá. Ở vùng giá thấp vừa qua, các cổ đông nội bộ SKG đã đăng ký mua vào với kỳ vọng kết quả kinh doanh chuyển sang lãi sau khi lỗ năm ngoái do ảnh hưởng của Covid-19.

Trong bối cảnh sản lượng hàng hóa qua cảng biển suy giảm do sức cầu tại thị trường Mỹ và EU đi xuống thì việc Trung Quốc mở cửa giúp tình hình khả quan hơn. Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị xuất nhập khẩu với Việt Nam nên đây sẽ là yếu tố hỗ trợ với ngành cảng biển, đặc biệt là các cổ phiếu cảng biển như GMD, VSC.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Sao Ta (mã FMC) nhận định, việc Trung Quốc mở cửa giao thương, đi lại... sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế thế giới. Vận chuyển, khách sạn, điểm du lịch sẽ đông khách, tiêu thụ sẽ tăng theo. Nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản tươi sống sẽ tăng vì đây là mặt hàng khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng. Nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng vì khách du lịch sẽ tăng trên toàn thế giới.

“Với FMC, việc xuất bán thẳng sang Trung Quốc là cơ hội rất tiềm năng”, ông Lực nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực nông sản, các cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) kỳ vọng tiêu thụ sầu riêng - sản phẩm mới của tập đoàn này - sẽ được đẩy mạnh khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Hiện nay, xuất khẩu chuối của HAG sang Trung Quốc không đủ đáp ứng nhu cầu và sẽ giảm được rủi ro do cấm biên và giãn cách xã hội.

Đánh giá tổng quan, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, các lệnh hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc sẽ được nới lỏng, giúp giảm bớt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Xu hướng hàn gắn của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì sau khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách Zero-Covid, chính thức mở cửa nền kinh tế.

Bà Hiền đánh giá, trong ngắn hạn, khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các hoạt động tiêu dùng, sản xuất, xây dựng sẽ được nối lại, đẩy nhu cầu thực phẩm, nguyên vật liệu tăng mạnh. Một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ hưởng lợi như nông sản (HNG, HAG), gạo (TAR); thủy sản (IDI, ANV); cao su (PHR, DPR); sợi (ADS); thép và xi măng (HPG, BCC). Hầu hết các doanh nghiệp hàng không (ACV, AST, HVN, VJC); doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống cũng sẽ hưởng lợi từ nguồn khách Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may. Tuy nhiên, theo lộ trình thì quốc gia này sẽ mở cửa hoàn toàn vào tháng 4 năm sau, do đó, đến đầu quý III/2023 thì mới thực sự đón được khách Trung Quốc.

Đầu tư công, không chỉ một vài ngành hưởng lợi

Sóng đầu tư công đã diễn ra nhiều lần, dù không ít lần chỉ là trên kỳ vọng, nhưng lần này đầu tư công đang được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi dư địa của chính sách tiền tệ hầu như không còn (lãi suất tăng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng).

Ông Tuấn Phạm, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng đánh giá, Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 5 - 6%, cùng với đó các tổ chức quốc tế cũng đưa ra mức tăng trưởng khoảng 6% cho Việt Nam. Giải pháp tích cực là Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nếu không rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, nguồn tiền giải ngân đầu tư công đã có, chỉ cần xử lý các vấn đề kỹ thuật để giải ngân dần. Sắp tới, có thể kỳ vọng có sự đột biến ở giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, xây dựng, vật liệu xây dựng… là nhóm ngành được hưởng lợi, bản thân các ngành này cũng đang ở “vùng đáy chu kỳ” trong 2 năm qua, giá cổ phiếu cũng đã giảm rất sâu. Dĩ nhiên, khi lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cần ưu tiên cổ phiếu đầu ngành, không nên đầu tư lan man, bởi nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa chắc được hưởng lợi gì từ đầu tư công.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 (mã C4G) cho biết, doanh nghiệp đã hưởng lợi từ các yếu tố đẩy mạnh đầu tư công khi nhiều doanh nghiệp trong ngành xây lắp đang làm việc với công suất cao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 60,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 69,19%). Tuy tốc độ giải ngân còn hạn chế, nhưng doanh nghiệp tin rằng sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới.

“Trong 9 tháng đầu năm 2022, Cienco 4 đạt hơn 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 96% so với cùng kỳ. Riêng trong quý III, lợi nhuận ước đạt 100 tỷ đồng”, ông Huỳnh nói.

Ông Huỳnh chia sẻ thêm, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế từ đầu quý II/2023 được xem là một thông tin tích cực vì nhiều nguyên liệu đầu vào cơ cấu sản phẩm đầu tư công được nhập khẩu từ nước này.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận đang có cơ hội đầu tư ở nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công và các ngành phụ trợ cho đầu tư công (vật liệu xây dựng).

Trong chia sẻ với nhà đầu tư chứng khoán mới đây, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính chia sẻ, thị trường con gấu có thể sẽ chấm dứt khi Chính phủ có động thái mới thúc đẩy tăng trưởng. Động thái cần theo dõi là các quyết định thúc đẩy đầu tư công. Nếu hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách đầu tư công được giải ngân sẽ giúp tăng cung tiền, tăng vòng quay vốn trên thị trường. Theo ông Tường, đầu tư công có tác động rất lớn đến xu thế thị trường chứng khoán nếu được thúc đẩy.

Bất động sản công nghiệp sẽ không... bất động

Việc ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa hoàn thành mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC và chuẩn bị thủ tục để Tập đoàn có thể mua cổ phiếu quỹ là động thái cho thấy sự tự tin của các nhà phát triển khu công nghiệp hiện nay. Nhóm bất động sản khu công nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ việc các nhà máy của tập đoàn lớn dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Ông Đạt Đỗ, chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành tiềm năng, các doanh nghiệp ghi nhận giá cho thuê tăng trưởng trung bình từ 7 - 10%/năm. Việt Nam có chi phí lao động và vận hành rẻ - thu hút các nhà máy của các tập đoàn lớn.

Theo ông Đạt, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA, qua đó các doanh nghiệp FDI sẽ được hưởng lợi bởi các hiệp định. Đặc biệt, Chính phủ luôn có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, hệ thống cảng biển thuận lợi cho giao thương giúp Việt Nam có thế mạnh thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn.

Trong cuộc khủng hoảng niềm tin với thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, trái phiếu của Becamex, tập đoàn bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam, nổi lên như một điểm trú ẩn an toàn, khi lãi suất chiết khấu tăng lên.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4% so với 10 tháng và tăng 10,3% so với 9 tháng. Song song với vốn đăng ký mới đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%, điểm đáng chú ý là vốn giải ngân tích cực, đạt 19,68 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu này hứa hẹn bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm hút dòng tiền trên thị trường thời gian tới.

Tin bài liên quan