Chiến tranh thương mại tỏa hơi nóng
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng khi cuộc đàm phán giữa 2 quốc gia vào tháng 5/2019 không có kết quả khả quan. Mỹ duy trì mức thuế từ 10% - 20% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay lập tức, ở chiều ngược lại, Đại lục công bố áp thuế 8% - 25% với 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/6.
Diễn biến trên khiến thị trường chứng khoán toàn cầu nhanh chóng đỏ lửa. Trong tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tâm lý 25.000 điểm. Theo giới chuyên gia, nếu đà đi xuống tiếp tục, Dow Jones và các chỉ số chứng khoán khác sẽ tạo mô hình 3 đỉnh. Hai mốc hỗ trợ tiếp theo của chỉ số là 23.500 điểm và 22.400 điểm trong trung hạn, nếu hai mốc này bị phá vỡ, rất có thể thị trường sẽ rơi vào xu hướng giảm điểm (downtrend) trung và dài hạn.
Biểu đồ chỉ số công nghiệp Dow Jones theo tuần.
Mỹ và Trung Quốc lần lượt là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới. Cuộc chiến giữa 2 ông lớn này có ảnh hưởng sâu rộng đến thương mại toàn cầu, đồng thời làm dấy lên lo ngại về xu hướng bảo hộ thương mại sẽ nhanh chóng lan rộng, tạo hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới vốn chưa thực sự phục hồi kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Diễn biến giá cổ phiếu Alibaba, công ty thương mại điện tử số 1 Trung Quốc.
Song song với việc áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ cũng bắt đầu phát động cuộc tấn công vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và mục tiêu đầu tiên là Huawei. Sự vươn lên mạnh mẽ của Huawei trong khoảng 10 năm trở lại đây làm cho vị thế của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Cisco, Juniper Networks… giảm sút, góp phần khiến các công ty viễn thông của Canada và Pháp như Nortel, Alcatel... biến mất khỏi thị trường.
Vì thế, việc cấm vận hay ngừng hợp tác với Huawei được các quốc gia phát triển đồng thuận, trong đó có Anh, Canada… Các tập đoàn lớn của Mỹ như Google, Mircosoft... cũng nhanh chóng tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei. Điều này khiến cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại thị trường Mỹ chịu chung số phận, giữ xu hướng đi xuống trong vài tuần gần đây.
Diễn biến tỷ giá USD/CNY theo tuần.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không ngừng tỏa sức nóng, giới đầu tư có thêm nỗi lo cuộc chiến tiền tệ quay trở lại, khi nhân dân tệ (CNY) đang ở mức thấp nhất so với USD trong những năm gần đây. Tính tới đầu tháng 6/2019, tỷ giá USD/CNY đang ở mức 1 USD đổi 6,93 nhân dân tệ. Theo giới quan sát, nếu mốc tâm lý 1 USD đổi 7 CNY bị phá vỡ trong thời gian tới thì sẽ tạo mối nguy hiểm đối với kinh tế toàn cầu, nhất là khi mốc này chưa từng bị phá vỡ trong 11 năm qua.
Tìm cơ hội khi thị trường bất ổn
Khi thị trường khó đoán và bất ổn, việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán vốn đã khó sẽ lại càng thêm thách thức với các nhà đầu tư. Nhìn lại diễn biến trong nước tháng 5/2019, dễ nhận thấy thị trường chứng khoán có sự giảm nhẹ (giảm 2,02% so với tháng 4/2019). Trong đó, nhóm có tỷ suất lợi nhuận cao và rõ nét nhất là bất động sản khu công nghiệp với đầu tàu là NTC (Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) và D2D (Công ty cổ phần Khu công nghiệp số 2).
Một số thông tin vĩ mô tương đối ấn tượng như xuất khẩu vào Mỹ quý I/2019 tăng mạnh và chỉ số CPI tháng 5 tăng 0,49% đã phản ánh vào giá của một số nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản (VHC, ANV) và dệt may (TCM, TNG)…
Đáng chú ý, nhóm dầu khí đã tăng trưởng khá mạnh với các mã GAS, PLX, PVS, PVD… trước khi điều chỉnh cùng chiều với diễn biến đi xuống của giá dầu thô trên thế giới. Điều này gây tâm lý lo lắng bởi nhóm dầu khí luôn được coi là tín hiệu của thị trường trong ngắn hạn.
Diễn biến chỉ số VN-Index.
Nhìn vào biểu đồ diễn biến VN-Index có thể thấy, chỉ số có 2 tuần giảm từ khi tạo đỉnh ngắn hạn tại 990 điểm và có 4 phiên gần đây giảm liên tiếp. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 31/5/2019, VN-Index giảm mạnh, xác định xu hướng điều chỉnh sắp tới và có thể sớm quay lại khu vực hỗ trợ dài hạn 880 - 900 điểm.
Xem xét diễn biến trong và ngoài nước, dễ thấy thị trường chứng khoán trong tháng 6 thiếu động lực tăng và rất khó để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn mà nghiêng về xu hướng phòng thủ. Một số cơ hội để đầu tư hay giữ tiền trong tháng 6 nhà đầu tư có thể tham khảo như sau.
Thứ nhất, nhà đầu tư thận trọng có thể giữ tiền mặt hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp. Với xu hướng lãi suất có chiều hướng tăng lên, các doanh nghiệp đã dần chấp nhận mức lãi suất trái phiếu được nâng lên đáng kể so với năm ngoái (lưu ý rằng năm 2018, các quỹ đầu tư cổ phiếu đều giảm, chỉ có một vài quỹ đầu tư trái phiếu thắng được thị trường).
Nếu năm 2018, mặt bằng lãi suất trái phiếu từ 7 - 9%/năm thì năm nay, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã phổ biến ở mức 10% - 10,5%/năm, thậm chí không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất 14% - 15%/năm. Mức này cao hơn 2% - 3%/năm so với lãi suất ngân hàng cùng kỳ hạn và không quá rủi ro như lướt sóng chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, khá nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán đứng ra làm trung gian phân phối trái phiếu doanh nghiệp và có cam kết mua lại một khối lượng nhất định bất cứ khi nào nếu nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn, lãi suất được tính đúng theo thời điểm thoái vốn. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư khá an toàn và đem lại lợi nhuận tốt trong thời điểm thị trường được đánh giá không mấy thuận lợi.
Thứ hai, nhóm cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao, tiền gửi ngân hàng lớn, nợ vay ít. Đây là nhóm cổ phiếu an toàn trong thời điểm thị trường điều chỉnh và thanh khoản hạn chế. Tuy nhiên, một số cổ phiếu thuộc nhóm này như RAL, NTC, PHR, D2D, WCS, VCF, VHC… hiện tại đang có mức giá khá cao, tạo rủi ro trong ngắn hạn nếu tiếp tục giải ngân. Nhà đầu tư nên theo dõi diễn biến kết quả kinh doanh quý II và chờ đợi thị trường điều chỉnh ở mức hợp lý, P/E khoảng 6 - 7 lần để bắt đầu rót tiền.
Thứ ba, nhà đầu tư có thể chờ thị trường điều chỉnh về sát ngưỡng hỗ trợ trung hạn 880 - 900 điểm và xem xét các cổ phiếu trong danh sách được phát hành chứng quyền đảm bảo (Coverd Warrant) để giải ngân. Với những ưu điểm như vốn đầu tư thấp hơn so với chứng khoán cơ sở và tỷ suất sinh lời cao hơn, CW được kỳ vọng sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, qua đó tạo thanh khoản tốt cho các chứng khoán cơ sở đủ điều kiện phát hành CW. Dự kiến ngày 28/6, CW sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE)
Cuối cùng, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu tốt hoặc cổ phiếu nằm trong danh mục VN30 có thể dùng công cụ phái sinh (vị thế short) để tự bảo vệ danh mục của mình theo đúng vai trò của công cụ phái sinh. Như vậy, nếu thị trường giảm cũng có phần bù chênh lệch từ phái sinh cho phần chứng khoán cơ sở.
Hiện tại, thị trường đang ở chu kỳ giảm điểm và không có nhiều thông tin hỗ trợ, việc giữ được tiền trong hoàn cảnh này cũng nên được coi là một thành công lớn của nhà đầu tư.