Ngày 9/11, Tổng công ty đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố thông tin bổ sung về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex khiến thị trường bất ngờ.
Cụ thể, căn cứ Công văn số 7251/UBCKNN-PTTT ngày 8/11/2018 của UBCKNN về việc thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Vinaconex, Công văn số 1947/2018/CV-PC ngày 9/11/2018 của Vinaconex về việc công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex, Nghị quyết số 263/NQ-ĐTKDV.HĐTV ngày 7/11/2018 của Hội đồng thành viên SCIC, SCIC công bố tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex theo quy định pháp luật là 0%.
Trong trường hợp có mâu thuẫn về nội dung tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex tại Bản công bố thông tin và Quy chế đấu giá với nội dung mới công bố thì nội dung mới sẽ được ưu tiên áp dụng.
Trước đó, trong bản công bố thông tin của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tổng Công ty cổ phần viễn thông quân đội (Viettel) về đợt đấu giá bán cổ phần tại Vinaconex, việc tham gia đấu giá cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều được ghi rằng: "Vinaconex là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề nên SCIC khuyến cáo các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu kỹ quy định pháp luật Việt Nam về giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp".
Cùng ngày 9/11, Tổng CTCP Vinaconex (VCG) đã có văn bản gửi Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex về 0%.
Theo công văn của Vinaconex gửi Ủy ban Chứng khoán, chiểu theo đăng ký kinh doanh của Vinaconex, có tới 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, theo qui định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6 2015 của Chính phủ, Phụ lục 4 trong Luật đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành (nghĩa là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 0%).
5 ngành nghề đó bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu.
Hiện tại, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 11% cổ phần Vinaconex, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu. Trong đó, Pyn Elite Fund là cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu VCG (7,1%), ngoài ra, VNM ETF cũng nắm giữ khoảng 7,5 triệu cổ phiếu VCG.
Động thái khóa room của Vinaconex đang đặt ra hàng loạt câu hỏi. Liệu với việc giảm tỷ lệ sở hữu về 0%, khối ngoại có phải bán ra toàn bộ cổ phiếu VCG đang nắm giữ để đáp ứng tiêu chí room ngoại. Việc này phải được thực hiện trong khoảng thời gian bao lâu? Nếu khối ngoại ồ ạt bán ra cổ phiếu, thị giá VCG bị ảnh hưởng, có tác động đến đợt thoái vốn nhà nước tại Vinaconex khi quy mô lô cổ phần lên tới gần 75% vốn tại Vinaconex, gián tiếp gây thiệt hại cho Nhà nước?