Giá bán ngoại tệ và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Sáng 7/9, sau khi Ngân hàng Nhà nước gửi thông cáo báo chí về việc đã thực hiện điều chỉnh room tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các đơn vị này, lãi suất chào bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đối với VND tăng 0,64 - 1,04%/năm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.
Cụ thể, lãi suất qua đêm được đẩy lên 6,48%/năm, 1 tuần là 6,52%/năm, 2 tuần là 6,45%/năm và 1 tháng là 6,21%/năm, cao hơn nhiều so với trần lãi suất huy động 4%/năm đối với các kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, trần lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm và mặt bằng lãi suất huy động phổ biến các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống là 5,6%/năm.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước chào thầu trên kênh cầm cố với 2 kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết quả, có 13.720 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,5%/năm và 14.999,99 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 4,65%/năm. Trái lại, có 9.999,99 tỷ đồng đáo hạn. Trong khi đó, cơ quan này không chào thầu tín phiếu và không có tín phiếu đáo hạn.
“Như vậy, phiên 7/9, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 18.720 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 60.719,99 tỷ đồng, tín phiếu giữ ở mức 60.925 tỷ đồng”, một chuyên gia phân tích cho biết.
Chiều 7/9, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay từ 23.400 VND lên 23.700 VND. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước ngừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay, trong khi tỷ giá bán giao ngay được niêm yết tăng 300 đồng, lên 23.700 VND/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 7/9 tại 23.592 VND/USD, tăng 47 VND so với phiên 6/9. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra là 24.120 - 24.220 VND/USD.
Nhận định về diễn biến trên, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, với việc được nới room tín dụng, hoạt động giải ngân tín dụng vốn chậm lại lâu nay được khơi thông trở lại và tiền chảy ra thị trường.
Trong khi đó, thanh khoản hệ ngân hàng vốn đang ở trạng thái khá căng thẳng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2022 đạt 9,35%, trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Tình trạng căng thẳng thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng dựng đứng. Chỉ trong hơn 10 phiên giao dịch, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ mức 1,99%/năm ngày 16/8 đã vọt lên 6,48%/năm vào ngày 7/9.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính việc ghìm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước dẫn đến chênh lệch về tăng trưởng huy động và tín dụng rất cao. Điều đáng nói, thanh khoản hệ thống “căng” do một lượng lớn VND bị hút về thông qua hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Trong tháng 8/2022, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng xấp xỉ 0,5%, lên 23.451 (ngày 31/8), cao hơn so với mức đỉnh thiết lập vào ngày 20/7. Diễn biến này gắn liền với việc chỉ số đồng USD tăng thêm 2,6% và đồng Nhân dân tệ mất giá 2,2% trong tháng 8.
Quyết sách đủ tốt để “sống sót”
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất được đẩy lên cao hơn nhiều trần lãi suất huy động. Giá USD cũng tăng cao.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất tăng, ông John Andre, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho biết, tại Mỹ, lãi suất tăng nhanh và mạnh nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, tương quan giữa lãi suất và lạm phát cho thấy, lãi suất tăng chưa cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu dừng việc tăng lãi suất.
“Khi lãi suất tăng thêm, ngoại tệ sẽ tiếp tục “đổ” về USD. Bởi lẽ, lãi suất tại thị trường nào cao thì sẽ tiền chảy vào thị trường đó để hưởng chênh lệch. Vậy Việt Nam quản lý thị trường ngoại hối như thế nào?”, ông John Andre đặt vấn đề.
Thực tế, trong tháng 8/2022, việc điều tiết cung tiền qua thị trường mở tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Đến cuối tháng 8, lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng đã được kéo lên trên 4%/năm và chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng giảm xuống còn 0,02%/năm, nhưng chi phí ổn định tỷ giá gia tăng, lãi suất phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 14 ngày từ mức 2,6%/năm tăng lên 4%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã bán một lượng ngoại tệ tương đối lớn trong tháng 8, cho thấy nhu cầu USD trong hệ thống vẫn cao, dù xuất siêu tăng.
“Sức bền của các yếu tố bên trong giúp hỗ trợ ổn định tỷ giá sẽ bị thử thách trong những tháng cuối năm 2022”, ông Nghĩa nhận định.
Đáng chú ý, từ nay đến ngày 21/9, số liệu lạm phát tháng 8 tại Mỹ dự kiến công bố ngày 13/9 sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nâng lãi suất của Fed. Lạm phát tháng 8 nhiều khả năng sẽ diễn biến phù hợp với kỳ vọng, tức giảm nhẹ so với mức tăng 8,5% của tháng 7. Nếu nhìn xa hơn việc đoán định sự kiện trong ngắn hạn, các chuyên gia phân tích cho rằng, kịch bản Fed nâng lãi suất từ nay đến cuối năm khoảng 1,25% là phù hợp, biến động nằm ở trong tốc độ các bước tăng mỗi lần, hoặc là 0,75% - 0,25% - 0,25%, hoặc là 0,50% - 0,50% - 0,25%.
“Kỳ vọng áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt sau kỳ họp tháng 9 nếu không có yếu tố bất ngờ từ lạm phát, nhưng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ sắp tới sẽ tạo áp lực buộc Việt Nam phải nâng lãi suất thị trường liên ngân hàng, đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán USD để can thiệp vào thị trường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Quay trở lại với câu chuyện room tín dụng, liệu Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục điều chỉnh trong định mức 14% năm 2022 vào những tháng cuối năm? Ông John Andre cho rằng, công việc của các ngân hàng trung ương không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng rất phức tạp và áp lực. Có nhiều biến số để những cơ quan quản lý này có thể quyết định một việc gì, bao gồm trần tín dụng.
Theo ông John Andre, để có thể đưa ra một chính sách tiền tệ của ngày hôm nay và cố gắng dự đoán 6 tháng sau đem lại kết quả như thế nào, sự tương tác giữa chính sách tiền tệ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách tài khóa của hiện tại và tương lai, hay các loại bệnh dịch diễn biến như thế nào… là những biến số mà các ngân hàng trung ương phải cân nhắc để đưa ra các quyết định.
“Để nói là quyết sách đưa ra là hoàn hảo hay không, tôi chưa thấy bất kỳ một ngân hàng trung ương trên thế giới nào nói rằng quyết sách được đưa ra là hoàn hảo. Nhưng liệu có đủ tốt để chúng ta sống sót qua giai đoạn này hay không thì nhìn vào lịch sử điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua, tôi có thể nói rằng là khá tốt”, ông John Andre nói.