Theo dữ liệu vừa công bố, bảng lương trong khu vực tư nhân (ADP) tăng 189.000 trong tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1/2014 và là con số thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của các nhà kinh tế là 225.000. Tăng việc làm chậm lại gần như trên tất cả các lĩnh vực, với biên chế sản xuất suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014.
Báo cáo việc làm ADP kém sẽ kéo theo báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ được phát hành vào thứ Sáu tuần này sẽ không mạnh như các nhà kinh tế dự báo. Một khảo sát của Reuters dự đoán, bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 tăng 245.000 sau khi tăng 295.000 trong tháng 2.
Trong một báo cáo khác, Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số hoạt động sản xuất trong nước đã giảm xuống 51,5 trong tháng 3 từ mức 52,9 trong tháng 2, đây cũng mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013.
Một con số trên 50 cho thấy sự mở rộng trong các lĩnh vực sản xuất. Đơn đặt hàng mới và việc làm nhà máy xuống mức thấp nhất trong 22 tháng. Báo cáo cũng cho thấy sự co lại trong đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, vẫn có những dữ liệu lạc quan, dù không quá lớn. Theo đó, doanh số bán xe trong tháng 3 tăng tăng lên 17,15 triệu xe từ mức 16,2 triệu chiếc trong tháng 2. Điều này cùng với việc niềm tin tiêu dùng tăng trong tháng qua cho thấy sự tốt hơn trong chi tiêu.
Những thông tin kinh tế trên khiến giới đầu tư lo ngại về mùa báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp và điều này khiến phố Wall có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp sau phiên khởi sắc đầu tuần. Tuy nhiên, mức giảm không quá mạnh khi giới đầu tư kỳ vọng thông tin kinh tế kém khả quan sẽ khiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoãn tăng lãi suất sớm.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Dow Jones giảm 77,94 điểm (-0,44%), xuống 17.698,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,20 điểm (-0,40%), xuống 2.059,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,66 điểm (-0,42%), xuống 4.880,23 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu nhanh chóng đảo chiều tăng nhẹ trở lại khi các thông tin kinh tế tích cực được công bố. Chỉ số PMI tháng 3 của khu vực đạt mức cao nhất 10 tháng, lên 52,2, cao hơn con số công bố sơ bộ trường đó là 51,9.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,46 điểm (+0,54%), lên 6.809,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 35,21 điểm (+0,29%), lên 12.001,38 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,58 điểm (+0,57%), lên 5.062,22 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư chốt lời trong phiên giao dịch đầu tiên năm tài chính của Nhật Bản sau khi chỉ số niềm tin kinh doanh của Nhật Bản thất vọng. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tăng mạnh sau khi chỉ số PMI tháng 2 của Trung Quốc do HSBC công bố tốt hơn dự kiến và là mức tăng trưởng đầu tiên sau 3 tháng. Bên cạnh đó, tác động từ thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm lãi suất trước đó đúng như kỳ vọng cũng có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 172,15 điểm (-0,09%), xuống 19.034,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 181,86 điểm (+0,73%), lên 22.082,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 62,4 điểm (+1,66%), lên 3.810,29 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi lình xình trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu, giá vàng đã nhảy vọt ngay khi bước vào phiên giao dịch Mỹ chính phục trở lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 USD/ounce nhờ thông tin về bảng lương ADP.
Như đã đề cập ở trên, việc tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực tư nhân thấp nhất trong hơn 1 năm và thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế khiến triển vọng của bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào cuối tuần cũng không như kỳ vọng. Đây là dữ liệu rất quan trọng, cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và có ảnh hưởng tới quyết định tăng lãi suất của Fed hay không. Bảng lương phi nông nghiệp khả quan sẽ làm gia tăng khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 tới, ngược lại, sẽ khiến cơ quan này sẽ tạm hoãn đến tháng 9.
Chính thông tin này khiến đồng USD giảm mạnh và khả năng Fed sẽ hoãn tăng lãi suất đã giúp vàng tăng vọt, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp bằng phiên tăng vọt, chính phục thành công ngưỡng cản 1.200 USD trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 1/4, giá vàng giao ngay 20,4 USD (+1,73%), lên 1.203,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 24,9 USD/ounce (+2,1%), lên 1.208,1 USD/ounce.
Tương tự vàng, đồng USD giảm trở lại cũng hỗ trợ tích cực cho giá dầu, bất chấp thị trường này đang đối mặt với nỗi lo dư cung. Trong phiên giao dịch thứ Tư, dầu thô theo chuẩn Mỹ đã tăng lên trên ngưỡng 50 USD/thùng, còn dầu thô Brent cũng lên trên 57 USD/thùng.
Kết thúc phiên 1/4, giá dầu thô Mỹ tăng 2,49 USD/thùng (+4,97%), lên 50,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,99 USD (+3,49%), lên 57,10 USD/thùng.