Bất ngờ lớn: Thu hút FDI tăng trưởng ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 không phải chỉ là 31,15 tỷ USD, mà lên tới 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc Intel tăng vốn đầu tư vào Việt Nam thêm 3,07 tỷ USD là một yếu tố bất ngờ trong thu hút FDI năm 2021.

Việc Intel tăng vốn đầu tư vào Việt Nam thêm 3,07 tỷ USD là một yếu tố bất ngờ trong thu hút FDI năm 2021.

Bất ngờ các dự án tỷ USD

Có một điểm đặc biệt trong Dự thảo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình triển khai Kế hoạch năm 2022, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, đó là sự tăng trưởng vượt bậc của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cụ thể, tháng 10 năm ngoái, khi báo cáo Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu hút FDI cả năm có thể giảm 0,2-3,4%. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, thu hút FDI đã đạt kết quả ấn tượng, với mức tăng trưởng lên tới 25,2%.

Trên thực tế, cuối năm ngoái, kết quả báo cáo nhanh của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, con số “chốt sổ” của năm 2021 đã lên tới 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020. Và bất ngờ nằm ở 2 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư vào ngày cuối cùng của năm cũ - ngày 31/12/2021.

Đó là Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn I (1.500 MW), vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, là dự án liên doanh của Tập đoàn T&T với nhà đầu tư Hàn Quốc. Mục tiêu của Dự án là sản xuất điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối. Dự án thứ hai là Dự án Công ty TNHH Intel Products tại TP.HCM điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 3,07 tỷ USD.

Trong 2 dự án trên, Dự án Điện khí LNG Hải Lăng được trao chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công hợp phần kỹ thuật vào giữa tháng 1/2022, nên bị “lầm tưởng” sẽ được tính vào thành tích của năm 2022. Còn Dự án tăng vốn của Intel khá lặng lẽ, không được đề cập, dù trên thực tế, thông tin về việc Intel tăng vốn đầu tư vào Việt Nam đã được nhắc đến cách đây ít lâu. Tuy vậy, vào thời điểm đó, số vốn tăng thêm được đồn đoán chỉ là hơn 2 tỷ USD.

Việc Intel tăng vốn đầu tư vào Việt Nam là một bằng chứng chắc chắn cho thấy, Việt Nam đang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ toàn cầu.

Với việc có thêm 2 dự án tỷ USD, số liệu về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 của Việt Nam đã có sự thay đổi lớn. Ngoại trừ vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 7,11 tỷ USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ, thì vốn đầu tư mới đạt 18,9 tỷ USD, tăng 24,3%; còn vốn điều chỉnh đạt 12,84%, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020. Một mức tăng trưởng ngoạn mục, cho thấy xu hướng hồi phục tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Điều này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, sự kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Lấy lại đà tăng trưởng

“Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc cho những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và tình hình dịch bệnh”, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam, do Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố, đã đưa ra nhận định như vậy.

Standard Chartered vẫn duy trì sự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6,7% trong năm nay, khi các chỉ số kinh tế có sự phục hồi trên diện rộng. Dragon Capital thậm chí còn có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 7% trong năm nay và cao hơn, nếu biến chủng Omicron không lan mạnh và triển khai sớm, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Standard Chartered, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất của khu vực trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nói.

Không phải là một chỉ tiêu trực tiếp trong hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, song việc vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 đã có tác động tích cực đến một chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế, đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Hơn thế nữa, đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao cũng có tác động tích cực đến nền kinh tế. Khu vực này đang ngày càng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, cũng như tăng trưởng kinh tế... Một phần quan trọng nhờ những đóng góp của khu vực FDI, cả hai năm Covid-19 2020-2021, kinh tế Việt Nam đều có mức tăng trưởng dương.

Tuy vậy, mức tăng trưởng 2,58% của năm 2021 đã cho thấy, nền kinh tế gặp khó khăn hơn dự báo. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm ngoái, Chính phủ báo cáo, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 3-3,5%. Cũng vì tăng trưởng không đạt dự báo, mà bây giờ, khi đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 5/12, chứ không phải 4/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra.

Ngoài tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong GDP, mức giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đã có thêm Chỉ tiêu Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra. Và nguyên nhân xuất phát từ mức tăng trưởng thấp 2,58%.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng đang dần trở lại quỹ đạo cũ, khi quý I/2022, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ; còn vốn FDI thực hiện tăng 7,8% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. “Điều này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.

Các chuyên gia của Tổng cục Thống kê đưa ra nhận định, vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022 sẽ “khởi sắc trở lại” nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau 2 năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ vốn FDI, nền kinh tế cũng đang lấy lại đà tăng trưởng, khi quý I/2022, tăng trưởng GDP đạt 5,03%. Theo dự báo của Standard Chartered, trong quý II/2022, quá trình phục hồi của nền kinh tế có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi nhu cầu nội địa và lĩnh vực du lịch phục hồi.

Kinh tế phục hồi sẽ là nền tảng để Việt Nam có thể làm được nhiều điều bất ngờ hơn nữa trong thu hút FDI.

Tin bài liên quan