Dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa công bố cho thấy, trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước mở mới 167.659 tài khoản chứng khoán. Trong đó, cá nhân trong nước mở 167.189 tài khoản và tổ chức trong nước mở mới 203 tài khoản.
Ngược lại, nhà đầu tư trong nước đóng 545.386 tài khoản, trong đó cá nhân trong nước đóng 545.326 tài khoản chứng khoán và tổ chức đóng 39 tài khoản. Như vậy, số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư giảm từ 7,8 triệu tài khoản trong cuối tháng 9 xuống còn 7,45 triệu tài khoản tính đến cuối tháng 10.
Số lượng tài khoản tháng 10 giảm mạnh so với tháng 9 |
Chưa rõ chính xác nguyên nhân giảm số tài khoản chứng khoán, nhưng theo ghi nhận ở một số môi giới quản lý tệp khách hàng lớn, có ghi nhận hiện trạng đóng tài khoản nhiều hơn các năm trước. Có thể có các nguyên nhân như mở nhiều tài khoản ở công ty chứng khoán do dùng cả chứng minh nhân dân và căn cước công dân thì sẽ phải đóng lại tài khoản trùng; một số tài khoản đại diện cho nhóm nhà đầu tư cũng sẽ bị đóng lại bớt; cũng có cả những khách hàng sau thua lỗ thì đóng luôn tài khoản không đầu tư nữa…
Tuy nhiên, với con số đóng đột biến như trên, theo thông tin ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, khả năng cao do hiện tượng một số công ty chứng khoán đóng tài khoản cá nhân trước đây mở tự động (theo chương trình đi kèm với tài khoản ngân hàng) nhưng không có giao dịch.
Trước đó, nhân sự kiện ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06. Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán; hoàn thành trong tháng 11/2023.
Biến động tài khoản nhà đầu tư mở mới theo từng tháng trong năm 2023 |
Ngoài ra, trong thời gian từ ngày 12/9 đến 31/10, thị trường chứng khoán đảo chiều, chỉ số VN-Index giảm 17,4%, từ 1.245,44 điểm về 1.028,19 điểm và chỉ số VN30 giảm 17,2%, từ 1.255,83 điểm, về 1.039,38 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn giảm trong thời gian vừa qua với nhiều lý do, trong đó lý do được nhiều nhà đầu tư đưa ra là do định giá thị trường lên mức cao khi trải qua chuỗi tăng mạnh từ ngày 15/11/2022, nên áp lực chốt lời gia tăng, đồng thời các thị trường chứng khoán lớn và khu vực đều quay đầu giảm cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút tiền về để ổn định tỷ giá trước trước cũng gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư chứng khoán. Đặc biệt, áp lực dòng vốn ngoại rút ròng ở các nước cận biên, mới nổi khi lãi suất ở các nước phát triển duy trì ở mức cao và trong một thời gian dài hơn.