Phiên bản số 2, Bảo vật Quốc gia Trống đồng Cổ Loa đang được trưng bày trong không gian triển lãm chuyên đề "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau" và Trưng bày "Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam" tại Bảo tàng TP.HCM (quận 1, TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 31/8 phục vụ công chúng TP.HCM và du khách.
Bảo vật Quốc gia Trống đồng Cổ Loa là hiện vật độc bản có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ. Đây là trống đồng duy nhất được phát hiện tại khu di tích thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III trước Công nguyên) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X).
Hiện vật gốc Trống đồng Cổ Loa. |
Trống đồng Cổ Loa được phát hiện năm 1982 tại khu Mả Tre, thuộc xóm Chợ, nằm về phía Tây Nam Cửa Nam Thành Cổ Loa, lọt giữa 2 vòng Thành Trung và Thành Nội.
Trống được chôn ngửa, bên trong chứa gần 200 hiện vật bằng đồng gồm: một phần mặt trống nhỏ, lưỡi cày, xẻng, cuốc, rìu, giáo, dao găm, mũi tên, thố, mảnh thạp, tiền, mảnh vụn đồng… có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm.
Trống đồng Cổ Loa cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà là những trống có hình dáng, hoa văn đẹp nhất và cổ nhất ở Việt Nam.
Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng được phát hiện năm 1982 ở Cổ Loa có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc thời dựng nước.
Ngày 14/7/1982, UBND xã Cổ Loa đã bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ và trưng bày hiện vật gốc Trống đồng Cổ Loa.
Hiện vật gốc Trống đồng Cổ Loa đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. |
Trống còn nguyên vẹn, kích thước: dài 58,5 cm; rộng 74 cm và cao 89,5 cm; nặng 72 kg. Mặt trống không chờm khỏi tang, tang phình, thân thẳng hình trụ, chân choãi.
Giữa mặt trống có ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa các cánh là họa tiết lông công. Lấy ngôi sao làm trung tâm, từ trong ra ngoài có 13 vòng hoa văn. Đặc biệt, vành hoa văn số 6 (tính từ trong ra ngoài) chia thành hai nửa giống nhau, mỗi nửa đều có khắc họa hình người hóa trang, hình một ngôi nhà có mái cong, có chim đậu trên nóc, có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau bên trong, ở một đầu nhà có hình trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có người ngồi co gối, mô tả lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp.
Hoa văn trên mặt trống. |
Tang trống cũng trang trí hoa văn hình học như mặt trống gồm: Vạch ngắn song song, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, chấm nổi. Vành hoa văn chủ đạo trên tang trống là hình 6 chiếc thuyền, một mái chèo, bố trí theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Thân trống chia làm 8 ô hình chữ nhật, trong mỗi ô trang trí 1 người hóa trang tay cầm giáo, trên thân trống trang trí hình thuyền, người cầm vũ khí và hoa văn hình học (2 ô nơi giáp khuôn không trang trí).
Chân trống không trang trí hoa văn. Mặt trong của trống, cách mép chân trống 6cm có khắc 1 hàng chữ Hán. Giữa tang và thân trống có 4 đôi quai kép trang trí văn thừng bện. Trống có 9 hàng con kê ở mặt và thân trống.
Hiện vật gốc Trống đồng Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2382 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2015.
Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng được phát hiện năm 1982 ở Cổ Loa có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc thời dựng nước. |
Ngoài phiên bản số 2, Bảo vật Quốc gia Trống đồng Cổ Loa, trong không gian trưng bày chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau”, công chúng và du khách còn có cơ hội thưởng lãm, tìm hiểu hơn 150 hiện vật, hình ảnh, tài liệu xoay quanh các chủ đề về di sản Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm và định hướng bảo tồn, phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa ấy trong tương lai.
Trong đó, bát in nổi hình rồng làm từ gốm men trắng cũng là một bảo vật quốc gia được nhiều người quan tâm. Các họa tiết phần nào thể hiện các ý nghĩa văn hóa từ ngàn đời của người Việt Nam.
Ngoài ra, người tham dự còn có thể nhìn ngắm các hiện vật, hình ảnh, tài liệu như ngói ống tạo hình rồng bằng men thời Lê Sơ, tượng đầu rồng trang trí góc mái thời Lê Sơ, ngói ống lợp diềm mái trang trí hình rồng…
Triển lãm còn giới thiệu hệ thống các di tích và di vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long qua hơn 1.000 năm lịch sử như: Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu…
Ý nghĩa và giá trị của hình tượng rồng, phượng cũng được thể hiện rõ qua các hiện vật khảo cổ học, vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt hoàng cung qua các triều đại.
Đại biểu lãnh đạo TP. Hà Nội và TP.HCM tham quan khu trưng bày chuyên đề "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau". |
Trưng bày "Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam" giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một Nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa từ khi chập chững học những con chữ đầu tiên đến khi đỗ đạt thành tài, đem tài năng phụng sự đất nước.
Tại đây, ban tổ chức còn ứng dụng trình chiếu 3D, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… tạo điều kiện cho người tham dự tiếp cận quá trình hình thành và triết lý Nho giáo một cách sinh động, mới lạ, hấp dẫn.
Qua đó, ban tổ chức mong muốn nêu cao những giá trị truyền thống như tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, tư tưởng trọng dụng hiền tài của dân tộc… đồng thời xây dựng các giá trị văn hóa trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Những hoạt động trong khuôn khổ "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM" nhằm gìn giữ và thúc đẩy tình yêu văn hóa của cộng đồng, tạo ra sân chơi trải nghiệm văn hóa sáng tạo, giúp nhân dân TP.HCM và du khách có thêm hiểu biết về Thủ đô Hà Nội hơn ngàn năm văn hiến.
Đồng thời, góp phần tôn vinh các biểu tượng văn hóa lâu đời của người Việt, khích lệ thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy văn hóa bằng cách kế thừa và sáng tạo các hoạt động văn hóa đương đại từ chất liệu truyền thống.