Ông Võ Tuấn Hoàng Văn.

Ông Võ Tuấn Hoàng Văn.

“Bắt mạch” quản trị ngân hàng

(ĐTCK) Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến và trải qua những thời điểm khó khăn và đầy thử thách trong năm 2008 do chịu ảnh hưởng từ những biến động lớn của thị trường tài chính quốc tế. Những tác động ấy lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á cách đây 11 năm do nền kinh tế và hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính khu vực và quốc tế, trong khi cuộc khủng khoảng tài chính đang diễn ra có quy mô rộng và phức tạp hơn.

Mặc dù chưa có công bố chính thức, nhưng nhiều dự đoán rằng, kết quả kinh doanh năm 2008 của các TCTD sẽ sụt giảm nhiều so với năm 2007. Quý I và II/2009 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn của Việt Nam có dấu hiệu chững lại và suy giảm mạnh. Khi đó, các TCTD chịu nhiều áp lực hơn về suy giảm chất lượng tài sản đang nắm giữ, về tình hình phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Những khó khăn trên tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động kinh doanh của các TCTD Việt Nam. Một số TCTD tỏ ra thích nghi với tình hình mới, còn lại hầu hết các TCTD phản ứng một cách bị động theo kiểu tự vệ, bị cuốn theo xu hướng chung của thị trường hay theo sự dẫn dắt của các TCTD hàng đầu khác. Các TCTD này đã bắt đầu bộc lộ một số nhược điểm mà vì nhiều lý do khác nhau chưa được các TCTD quan tâm xử lý một cách quyết liệt và có hệ thống trong thời gian vừa qua. Dưới đây là một số quan sát của chúng tôi về vấn đề này:

- Hệ thống quản lý thanh khoản chưa hiệu quả: Thực tế cho thấy, một số TCTD thụ động trong việc điều hành và quản lý thanh khoản. Những công cụ quản lý thanh khoản cơ bản như phân tích thang đáo hạn của tài sản và công nợ theo thời gian đáo hạn còn lại chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Hệ thống thông tin quản lý (MIS) về thanh khoản bị phân tán cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng quản lý thanh khoản. Rất ít TCTD sử dụng các công cụ phân tích tự động nhằm điều hành và quản lý rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống. Một số TCTD chỉ có thể phân tích và dự báo về thanh khoản của bản thân TCTD đó trong 3 - 5 ngày làm việc tiếp theo và nếu như bị thiếu vốn, họ sẽ trông cậy vào thị trường liên ngân hàng.

Trong khi đó, thị trường liên ngân hàng rất nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế. Ví dụ, trong thời gian vừa qua, khi có những dấu hiệu xáo động của nền kinh tế, thị trường liên ngân hàng lập tức phản ứng thể hiện qua việc các TCTD có xu hướng nâng cao tỷ lệ tài sản thanh khoản trên tổng tài sản, hạn chế hạn mức giao dịch trên thị trường liên ngân hàng nhằm duy trì sự an toàn cho chính TCTD đó. Chính vì lý do này, một số TCTD đã phải chấp nhận chịu lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động để có được các khoản vay khẩn cấp từ các TCTD khác và điều này đã thực sự đẩy một số TCTD gặp khó khăn. Ngoài ra, đặc trưng của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam là hầu hết các nguồn vốn huy động có thời hạn dưới 1 năm; việc cạnh tranh giữa các ngân hàng chủ yếu dựa trên lãi suất hơn là mức độ tín nhiệm và ổn định của TCTD. Những điều đó làm TCTD khó khăn hơn do luôn phải duy trì một lượng tiền mặt nhiều hơn để đề phòng khả năng khách hàng rút tiền chuyển sang gửi tại TCTD khác có lãi suất hấp dẫn hơn.

- Hoạt động của mạng lưới chi nhánh tại một số TCTD chưa thực sự hiệu quả hoặc TCTD chưa xây dựng hệ thống ngân hàng lõi: Một điều có thể dễ nhận thấy là những TCTD đã triển khai thành công hệ thống ngân hàng lõi (core banking) sẽ ít gặp khó khăn hơn các TCTD chưa hoặc đang trong quá trình triển khai hệ thống này. Không có hệ thống core banking, các TCTD sẽ phải chấp nhận phân quyền quản lý nhiều hơn cho các chi nhánh, nhưng lại không đảm bảo phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Điều này gây cho TCTD những bất lợi trong cạnh tranh cũng như không thể hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu hoạt động theo hướng tập trung các chức năng quản lý và quản trị rủi ro về hội sở chính nhiều hơn, đồng thời sử dụng các chi nhánh và mạng lưới phòng giao dịch như là các cơ sở để giao dịch với khách hàng bằng bộ máy quản lý tinh giản, gọn nhẹ hơn.

Mặt khác, khi chưa có hệ thống core banking và hệ thống quản lý mạng lưới chi nhánh hiệu quả, TCTD sẽ phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ máy quản lý ở chi nhánh nhiều hơn. Việc đầu tư này sẽ càng trở nên lãng phí hơn nếu như TCTD có nhiều chi nhánh hoạt động trên cùng địa bàn, ví dụ như tại các thành phố lớn. Vì thế, việc xem xét đầu tư vào hệ thống core banking và mạng lưới quản lý chi nhánh hiệu quả sẽ giúp TCTD giảm thiểu đáng kể chi phí hoạt động của các chi nhánh. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

- Sự thiếu hụt đội ngũ chuyên viên có kinh nghiệm: Những khó khăn trong thời gian vừa qua đã làm lộ rõ hơn nhược điểm lâu nay mà các cơ quan quản lý và báo chí nhiều lần nhắc đến, đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng chuyên gia ngân hàng có kinh nghiệm trong các TCTD cổ phần có quy mô nhỏ và vừa. Sự thiếu hụt đó khiến một số TCTD khó khăn hơn khi phải đương đầu với các tình huống bất ngờ và không theo quy luật trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu suy thoái.

- Sự đơn điệu trong các sản phẩm ngân hàng: Các sản phẩm ngân hàng nói chung hiện nay rất đơn giản và giống nhau. Điều này làm cho các TCTD phải sử dụng công cụ truyền thống và cổ điển là lãi suất để cạnh tranh trên thị trường. Cuộc "chạy đua lãi suất" đã làm cho bản thân các TCTD và khách hàng mệt mỏi và khó khăn hơn.

- Quản lý và cho vay thế chấp bằng tài sản đảm bảo: Những khó khăn thanh khoản tạm thời tại một số TCTD trong những tháng đầu năm 2008 khẳng định một lần nữa là trong điều kiện nền kinh tế đi xuống, việc TCTD nắm giữ nhiều tài sản đảm bảo từ khách hàng vay không làm cho TCTD an toàn hơn. Tình hình kinh tế khó khăn làm cho tính thanh khoản của các tài sản đảm bảo giảm theo và TCTD sẽ khó tìm kiếm được các nhà đầu tư để mua lại các tài sản đảm bảo thu hồi từ người vay, kể cả khi TCTD sẵn sàng chấp nhận giảm giá tài sản đảm bảo. Vì thế, việc các TCTD, nhất là TCTD có quy mô nhỏ, cho khách hàng vay mà chỉ tập trung vào đánh giá tài sản đảm bảo sẽ chứa đựng những yếu tố rủi ro rất lớn. Tài sản đảm bảo nên được coi là phương tiện cuối cùng và mang tính ràng buộc để người vay gia tăng trách nhiệm trả nợ của mình đối với TCTD, còn bản thân TCTD vẫn cần phải thực hiện các quy trình đánh giá phương án kinh doanh, đánh giá nguồn trả nợ từ phương án kinh doanh một cách chặt chẽ trước khi quyết định cho vay.

“Bắt mạch” quản trị ngân hàng  ảnh 1

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến và trải qua những thời điểm khó khăn và đầy thử thách

- Quản lý luồng tiền có khả năng thu hồi từ khoản cho vay trong hoạt động tín dụng: Áp lực của suy thoái kinh tế trong thời gian vừa qua và dự báo những diễn biến không mấy thuận lợi trong thời gian sắp tới sẽ làm cho khách hàng của các TCTD gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đảm bảo đúng lịch trình trả nợ đã cam kết. Có thể nói, hiện nay các TCTD đều quản lý và đánh giá khách hàng dựa nhiều vào các thông tin quá khứ và hiện tại, ví dụ như dựa theo lịch sử trả nợ của khách hàng hoặc dựa vào phương án trả nợ ban đầu mà khách hàng gửi cho TCTD trước khi khoản vay được giải ngân. Rất ít TCTD có khả năng thực hiện phân tích khả năng trả nợ thực tế của khách hàng trong tương lai theo tình hình kinh doanh thực tế của khách hàng. Đây là một vấn đề rất quan trọng, liên quan đến khả năng dự báo và quản lý rủi ro tín dụng của các TCTD Việt Nam. Việc chưa phân tích, đánh giá và định lượng định kỳ các nguồn tiền có thể thu hồi được trong tương lai từ các khoản cho vay làm cho danh mục tín dụng của các TCTD chứa đựng yếu tố không chắn chắn về khả năng thu hồi vốn cho vay. Điều này là không có lợi cho TCTD nói riêng cũng như cho hệ thống tài chính - ngân hàng nói chung.

Trên đây là một số quan sát của chúng tôi về những tồn tại phổ biến của các TCTD trong thời gian vừa qua. Theo dự báo, năm 2009 tiếp tục là một năm khó khăn đối với các TCTD Việt Nam, do đó, cần có sự chuẩn bị cần thiết để thích nghi. Các TCTD, đặc biệt là  TCTD có quy mô nhỏ và vừa có thể xem xét và cân nhắc một số đề xuất tổng thể như sau:

- Thứ nhất, nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý thanh khoản: Ưu tiên đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý thanh khoản hiệu quả; sử dụng các thang phân tích đáo hạn của tài sản và công nợ một cách thường xuyên và liên tục; thành lập ủy ban khẩn cấp để giải quyết các tình huống khó khăn về thanh khoản của TCTD; xây dựng và kiểm tra các tình huống, kịch bản giả định trong điều kiện TCTD bị khủng hoảng.

- Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của TCTD thông qua việc triển khai áp dụng hệ thống core banking phù hợp và mạng lưới chi nhánh hiệu quả. Xem xét thay đổi cơ cấu hoạt động và vận hành theo hướng tập trung về hội sở chính các chức năng điều hành, quản trị rủi ro và sử dụng mạng lưới chi nhánh chủ yếu cho các chức năng giao dịch với khách hàng và bán hàng.

- Thứ ba, triển khai áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, áp dụng việc phân tích đánh giá khách hàng theo các yếu tố định tính và định lượng nhằm hỗ trợ cho các quyết định cho vay, đồng thời thực hiện phân tích định kỳ các dòng tiền có thể thu hồi từ các khoản cho vay như một phần của quản lý rủi ro tín dụng.

- Thứ tư, hoàn thiện và nâng cao công tác kiểm tra kiểm soát, xây dựng cẩm nang kiểm toán nội bộ và hoàn thiện cơ cấu quản trị doanh nghiệp tại TCTD theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả.     

Ông Võ Tấn Hoàng Văn hiện là Phó tổng giám đốc tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Ông Văn phụ trách Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Công ty. Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Văn đã làm việc với nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Ông Văn còn là thành viên của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA), đồng thời là thành viên của Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).