Bắt lỗi sai sót trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Bắt lỗi sai sót trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp

(ĐTCK) Cơ quan quản lý tổng kết lại thành 6 nhóm “sai sót thường gặp” trên BCTC của các DN công bố năm 2012.

Báo cáo tài chính (BCTC) là bức tranh phản ánh “sức khoẻ” của DN. Tuy nhiên, vô tình hay hữu ý, nhiều DN vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định trong chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày BCTC, dẫn đến BCTC cung cấp cái nhìn sai lệch hoặc không đầy đủ cho người đọc.

Tình trạng này phổ biến đến mức cơ quan quản lý phải tổng kết lại thành 6 nhóm “sai sót thường gặp” trên BCTC của các DN công bố năm 2012.

1. Sai sót về hình thức

Luật Kế toán quy định, BCTC của đơn vị kế toán phải được tính bằng đồng Việt Nam (VND), nhưng nhiều BCTC sử dụng đơn vị tính là nghìn đồng, vừa không phù hợp với quy định tại Luật, vừa gây khó theo dõi cho người đọc. Thậm chí, nhiều BCTC khi công bố vẫn thiếu chữ ký của giám đốc, kế toán trưởng, người lập biểu, thiếu thời gian lập. Một số BCTC có bút toán điều chỉnh của kiểm toán, nhưng điều lạ là DN vẫn đề ngày lập là ngày kết thúc năm tài chính. 

 

2. Sai sót liên quan đến bảng cân đối kế toán 

Trên chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền”, nhiều DN đã “gom” vào cả những khoản đầu tư có thời hạn trên 3 tháng. Điều này giúp số liệu tiền và các khoản tương đương tiền của DN tăng vọt. 

Nhiều DN có các khoản đầu tư chứng khoán, nhưng lại không theo dõi chi tiết từng loại chứng khoán đầu tư ngắn/dài hạn đang nắm giữ, dẫn đến việc hạch toán không đúng lãi, lỗ khi bán chứng khoán.

Bắt lỗi sai sót trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp ảnh 1

Thủ tục thành lập hội đồng thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng cũng không được nhiều DN thực hiện nghiêm, từ đó không trích lập hoặc trích lập không đúng quy định đối với các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng giảm giá hàng tồn kho...

Nhiều DN cũng không dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán, nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể hoặc không thu thập thông tin tài chính trước/sau kiểm toán của các đơn vị, tổ chức nhận đầu tư tài chính dài hạn khác để xem xét sự cần thiết phải trích lập dự phòng.

Với hàng tồn kho, khoản mục có giá trị rất lớn trong tổng tài sản của nhiều DN, đặc biệt là DN ngành xây lắp, nhưng công tác kiểm kê chưa được thực hiện tốt ở thời điểm khóa sổ kế toán lập BCTC, khiến con số này không đảm bảo độ tin cậy. Nhiều DN áp dụng phương pháp tính giá hàng tồn kho không nhất quán, không phù hợp với chính sách kế toán công bố.

Với khoản chênh lệch tỷ giá, năm qua, dù đã có khuyến cáo của cơ quan quản lý, nhưng nhiều DN vẫn không áp dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10, mà áp dụng Thông tư 201/2009/TT-BTC, vì Thông tư có những  quy định mâu thuẫn với chuẩn mực kế toán, làm tăng con số lợi nhuận của DN.

 

3. Sai sót liên quan đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Kết quả kinh doanh của DN là yếu tố chi phối quyết định của nhà đầu tư. Vậy nhưng, vẫn có DN bất động sản áp dụng chuẩn mực về hợp đồng xây dựng (ghi nhận doanh thu theo tiến độ, tương tự nhà thầu xây dựng). Hay có DN ghi doanh thu từ cổ phiếu được nhận không phải trả tiền do công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần, trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Với chi phí, nhiều DN thay đổi phương pháp khấu hao khi không có bằng chứng cho thấy có sự thay đổi về cách thức sử dụng và thu hồi tài sản nhằm giảm con số chi phí phải khấu hao trong năm, nhờ vậy, làm tăng lãi/giảm lỗ trên BCTC. Thậm chí, chi phí lãi vay không được hạch toán đúng, đủ; chi phí quản lý DN cũng không được kết chuyển toàn bộ vào báo cáo kết quả kinh doanh, mà “treo” lại một phần trên bảng cân đối kế toán.

 

4. Sai sót liên quan đến báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Mặc dù TTCK suy giảm kéo dài, nhiều khoản đầu tư tài chính đã bị giảm sâu, nhưng trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của nhiều DN đã không trình bày luồng tiền liên quan đến chứng khoán nắm giữ vì mục đích thương mại; không bóc tách chênh lệch giữa số dư đầu kỳ và cuối kỳ của các khoản phải thu, phải trả và tồn kho liên quan đến hoạt động đầu tư và tài chính. Thậm chí, trên BCTC của không ít DN, số liệu giữa báo cáo này không khớp với số liệu trên báo cáo kết quả kinh doanh.

 

5. Sai sót liên quan đến thuyết minh BCTC

Thuyết minh BCTC là một thành tố của BCTC, cung cấp cho người đọc báo cáo căn cứ của các số liệu được hạch toán trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh. Thế nhưng, nhiều bản thuyết minh lại theo kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”. Ví dụ, thuyết minh chính sách kế toán chênh lệch tỷ giá công bố theo VAS10, nhưng thực tế lại kế toán theo Thông tư 201/2009.

Bản thuyết minh BCTC trong nhiều trường hợp không thuyết minh các chỉ tiêu có tính chất trọng yếu theo quy định của chuẩn mực kế toán như khoản đi vay, cho vay có giá trị lớn, phương pháp xác định doanh thu, giá vốn gắn với từng loại hình lĩnh vực kinh doanh cụ thể của DN, khiến người đọc không có được cái nhìn rõ ràng, chân thực về DN. Thông tin về các bên liên quan không được trình bày, hoặc trình bày không đủ các nội dung theo quy định của chuẩn mực kế toán.

 

6. Sai sót liên quan đến BCTC hợp nhất

Không loại trừ đầy đủ các khoản phải thu, phải trả, đi vay, cho vay, quan hệ giao vốn, doanh thu, giá vốn, lãi lỗ chưa thực hiện liên quan đến các giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định của các giao dịch nội bộ giữa DN và chi nhánh trên BCTC tổng hợp/hoặc giữa công ty mẹ và các công ty con, giữa các đơn vị thành viên trong cùng tập đoàn.

Nhiều DN dựa vào lý do không tập hợp được BCTC của công ty liên kết vào thời điểm lập BCTC hợp nhất để hạch toán khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp giá gốc, thay vì sử dụng phương pháp vốn chủ sở hữu, có thể dẫn tới ghi nhận khoản lỗ khi công ty liên kết có tình trạng kinh doanh bết bát, thua lỗ.