Sau một buổi lắng nghe các ý kiến bức xúc của DN trong việc nộp tiền sử dụng đất, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính đề nghị các DN có vướng mắc về tiền sử dụng đất gửi hồ sơ đến Sở Tài chính TP.HCM để “thảo luận gỡ vướng”. Đó là kết quả đạt được từ hội thảo “Chính sách về tiền sử dụng đất các dự án phát triển bất động sản tại TP.HCM” do Hiệp hội Bất động sản TP. HCM phối hợp với Cục quản lý Công sản, Bộ Tài chính tổ chức tuần trước.
Theo các DN, cách tính giá đất thu tiền sử dụng đất (giá đầu ra) và cách tính giá đền bù để khấu trừ chi phí (giá đầu vào) theo quy định hiện hành đều không hợp lý và là nguyên nhân chính dẫn đến giá đất tăng cao, khiến cho giá thành sản phẩm bất động sản tăng lên, vượt quá sức mua của người dân.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức cho biết, trong cơ cấu dự án, giá đất chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ở Mỹ, người dân đóng tiền thuê đất từ 1,2 đến 3%/năm tùy từng bang, còn ở Việt Nam, lại thu tiền một lần theo giá thị trường. DN phải chịu “giá thị trường đúp”, tức một lần đền bù cho người dân để có mặt bằng, sau đó lại phải đóng tiền chuyển quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Ở các quận vùng ven TP. HCM như Thủ Đức, Củ Chi, đất nông nghiệp không trồng cây, người dân vẫn đòi DN bồi thường với giá vài triệu đồng/m2. Trong khi đo, Nhà nước không cho phép khấu trừ khoản đền bù này mà các DN chỉ được khấu trừ theo khung giá đất nông nghiệp do Nhà nước ban hành.
Ông Nguyễn Quang Dục, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển Hoa Lâm dẫn chứng, Hoa Lâm thực hiện một dự án, đền bù cho người dân với giá từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng/m2, nhưng khi khấu trừ, cơ quan thuế chỉ tính theo khung giá 300.000 đồng/m2.
Ông Trương Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng nhận xét, chỉ DN nhà nước đầu tư mới có phương án đền bù được duyệt, còn các DN tư nhân thì không, nên các DN này không thể ước tính được khoản tiền sử dụng đất là bao nhiêu để hạch toán chi phí cho dự án. Ông Trần Minh Châu, TGĐ CTCP Phát triển Nam Sài Gòn khẳng định: “Khấu trừ tiền sử dụng đất theo phương án được duyệt luôn thấp hơn thực tế”.
Trong khi đó, khi tính giá đầu ra, chính sách lại yêu cầu theo giá thị trường bằng cách lấy giá của công ty thẩm định giá xác định dựa trên giá đất của các công trình đã hoàn thành ở xung quanh khu vực dự án. Trong khi đó, phải mất vài ba năm sau khi đầu tư, dự án mới phát triển bằng các khu vực xung quanh. Có dự án nằm ở khu vực chưa phát triển, công ty thẩm định giá bối rối không biết lấy mức giá nào. Theo luật sư Trương Thị Hòa, các khoản chi giải phóng mặt bằng phải được khấu trừ nếu có hóa đơn hay chuyển qua ngân hàng… Nếu không, lãi của DN là lãi giả khi đầu ra là giá thị trường, còn đầu vào là giá theo phương án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tại TP.HCM phản ánh, TP.HCM không chỉ hàng trăm DN mà cả các hộ gia đình cùng vướng quy định về tiền sử dụng đất. “Nhiều DN sau khi phát triển dự án, không phát triển được quỹ đất mới vì chi phí đền bù, thuế quá cao. Điều này chứng tỏ DN đang ăn vào vốn của mình”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng cho biết, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét thu tiền sử dụng đất trên cơ sở ấn định tỷ lệ phần trăm (có thể là 10%, 15% hoặc 20%) để tránh cơ chế xin - cho và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đại diện Sở Tài chính TP.HCM thừa nhận, vướng mắc liên quan đến thuế sử dụng đất rất phức tạp, nhiều dạng khác nhau nhưng chủ yếu là vướng ở các dự án trước đây DN đã thương lượng đền bù với người dân nhưng giờ mới nộp tiền sử dụng đất.
Để gỡ rối cho các DN, luật sư Hòa khuyến cáo: “Luật hồi tố đã quy định, cái gì có lợi hơn thì làm. Vì vậy, nên cho phép các DN đã đầu tư dự án trước khi có Nghị định 69 được đóng tiền sử dụng đất theo tiến độ như các dự án hiện nay”.
Liên quan đến việc sửa đổi thu tiền sử dụng đất theo cách thức hợp lý hơn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Phạm Đình Cường cho biết sẽ gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đề nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM về việc gặp gỡ, đối thoại với Bộ trưởng để kiến nghị thay đổi chính sách này.