Cát nhân tạo có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn chưa loay hoay tìm chỗ đứng

Cát nhân tạo có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn chưa loay hoay tìm chỗ đứng

Phổ biến cát nhân tạo, không chỉ trông chờ Nhà nước

(ĐTCK) Những chính sách hỗ trợ ban đầu cho cát nhân tạo hay còn gọi là cát nghiền đã có, nhưng để sản phẩm thân thiện với môi trường này đi vào cuộc sống, không thể chỉ chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà chính các doanh nghiệp phải có cách thức để quảng bá và mở rộng thị phần tiêu thụ.

Nhu cầu thị trường rất lớn

Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Quảng Ninh trong năm 2017 đối với 78 trạm trộn bê tông, có đến có 43 mẫu cát không đạt chỉ tiêu thành phần hạt, 3 mẫu cát không đạt về chỉ tiêu hàm lượng độ bùn sét, 1 mẫu cát bê tông không đạt chỉ tiêu về hàm lượng Cl (cát nhiễm mặn).

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, bê tông thương phẩm đòi hỏi chất lượng cát nguyên liệu khắt khe hơn hẳn cát xây dựng thông thường.

Còn theo anh Phạm Văn Đính, chủ một đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, giá của loại cát dành riêng cho bê tông thương phẩm thường cao hơn 100.000 đồng/m3 so với cát tự nhiên nước ngọt thông thường.

Trong khi đó, cát nhân tạo lại có rất nhiều ưu điểm, như hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau (như bê tông asphalt, bê tông macrosell, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt...). Hơn nữa, còn cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

“Việc sử dụng cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên để phục vụ các trạm trộn bê thông là một giải pháp rất tốt”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Xét ở phạm vi cả nước, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu sử dụng cát xây dựng khoảng 130 triệu m3/năm, nhu cầu cát san lấp giai đoạn 2016 - 2020 là 2,1 - 2,3 tỷ m3, trong khi trữ lượng cát xây dựng và cát san lấp được dự báo khoảng 2,1 tỷ m3. Dự báo, nguồn cung cát tự nhiên từ các khu vực khai thác hợp pháp chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu. Như vậy, đến năm 2020, sẽ không đủ nguồn cung cát xây tự nhiên phục vụ nhu cầu của các địa phương.

Giải pháp cho thực trạng này chính là nguồn vật liệu có thể thay thế cát tự nhiên như đá mạt, phế thải xây dựng và vật liệu thu hồi thải từ ngành công nghiệp khai thác mỏ, hay tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện. Những nguồn vật liệu này ở nước ta hiện rất dồi dào, trong đó cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên đã được sử dụng từ lâu tại công trình Thuỷ điện Sơn La.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bắc, việc phát triển, sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên chưa nhiều. Mới chỉ có khoảng gần chục cơ sở sản xuất cát nhân tạo tập trung tại Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, với tổng công suất đạt khoảng 3 triệu m3/năm. Sản phẩm cát sản xuất ra đã đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, nhưng chưa được thị trường ưa dùng.

Dây chuyền sản xuất cát nghiền (cát nhân tạo) của Công ty cổ phần Thiên Nam tại phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh 

Đơn cử, cát nhân tạo và đá cấp phối của Công ty cổ phần Thiên Nam (Quảng Ninh) đã được sử dụng cho một số công trình trọng điểm như Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh, Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 Hạ Long - Mông Dương…

“Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của Công ty vẫn rất thấp, chỉ đạt 10% sản phẩm làm ra”, ông Vũ Đình Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Nam cho biết.

Khác với Việt Nam, trên thế giới, cát nhân tạo đã là loại vật liệu phổ biến từ rất lâu. Theo Viện Nghiên cứu và Ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới (Trường đại học Xây dựng), ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, hay Trung Quốc, cát nhân tạo được sử dụng là chủ yếu.

Trong đó, ở Trung Quốc, cát nhân tạo đã chiếm 70% lượng cát sử dụng trong xây dựng. Còn tại Nhật Bản, từ năm 1990, quốc gia này đã ban hành lệnh hạn chế khai thác cát tự nhiên, thay vào đó là dùng cát nhân tạo. Tại Mỹ, theo số liệu thống kê của năm 2014, đã sản xuất được khoảng 1,26 tỷ tấn cát nhân tạo phục vụ cho xây dựng và xuất khẩu. Ở Bồ Đào Nha, hiện có 75 cơ sở sản xuất với tổng công suất khoảng 800.000 tấn/năm. Ở Anh sản xuất khoảng 700.000 tấn/năm…

Chậm vì thói quen tiêu dùng?

Theo chia sẻ của ông Kiên, sản phẩm của Công ty Thiên Nam đã được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) giám định chất lượng đạt TCVN 9025-2012, được Tổ chức chứng nhận Vinacontrol cấp Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm QRCM0546 ngày 4/7/2017 và Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 QSV0722 ngày 4/7/2017. Gần đây nhất, ngày 7/6/2017, sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty vẫn rất chậm.

Lý do được ông Kiên đưa ra là vì thói quen tiêu dùng của người dân, các đơn vị vẫn là cát tự nhiên, ngại thử nghiệm cái mới. Công ty cũng đã thử chào hàng đến các cửa hàng, đại lý vật liệu xây dựng, nhưng đều nhận được cái lắc đầu.

Ngoài ra, các dự án, công trình lớn đang được triển khai đều đã có thiết kế cơ sở, đã được phê duyệt nguồn nguyên liệu từ trước, nhất là các công trình sử dụng vốn nhà nước, trong khi sản phẩm của Thiên Nam mới xuất hiện trên thị trường từ quý I/2017, nên rất khó chen chân vào các công trình, dự án lớn.

“Đối với bán lẻ, Công ty không có đại lý, chỉ có bãi tập kết tại nhà máy của Công ty ở Mông Dương, ai muốn đặt mua thì có thể gọi điện đặt hàng và chúng tôi giao hàng tận nơi”, ông Kiên cho biết.

Ở một góc nhìn khác, anh Ngô Tùng Linh, một chủ thầu xây dựng tại Quảng Ninh cho hay, các chủ nhà khi xây dựng công trình thường vẫn thích dùng cát tự nhiên hơn, vì đã quen. Hơn nữa, việc mua cát phục vụ xây dựng thường phụ thuộc luôn vào đơn vị cho thuê xe chở vật liệu, họ thích lấy cát đâu thì tùy. Do vậy, họ sẽ chọn nơi có nguồn cát gần nhất để tiết giảm chi phí vận chuyển.

Hiện nay, nếu xét về chính sách hỗ trợ cho cát xây dựng, mới chỉ dừng ở việc khuyến khích là chủ yếu. Nếu so với Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, có hiệu lực thi hành từ 1/2/2018, thì các chính sách hỗ trợ hiện có đối với các nhân tạo là rất nhỏ.

Ngày 18/9/2017, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2214/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Quảng Ninh để đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo theo thẩm quyền đối với các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng cường sử dụng cát nhân tạo. Kiên quyết không nghiệm thu công trình đối với trường hợp cát không có nguồn gốc hợp pháp, hoặc sử dụng cát tự nhiên với giá cao hơn cát nhân tạo tại thời điểm theo thông báo giá của Sở Xây dựng Quảng Ninh. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên vào các công trình xây dựng ngay từ công tác thẩm định phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công tình và thanh quyết toán.

Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, vật liệu mới như cát nhân tạo có được người tiêu dùng đón nhận hay không, thì cơ chế chính sách hộ trợ của Chính phủ chỉ là tiền đề. Yếu tố quyết định vẫn là chất lượng sản phẩm và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng như tuyên truyền, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng. Song song với đó, phải có những chính sách bán hàng hấp dẫn để cạnh tranh với cát tự nhiên.

Thừa nhận điều này, ông Kiên khẳng định, về chính sách hỗ trợ phải từ Chính phủ, chính quyền địa phương chỉ có thể đồng hành, tháo gỡ cùng doanh nghiệp bằng cách khuyến khích các dự án đầu tư công sử dụng cát nhân tạo, chứ không thể ép buộc, vì liên quan đến yếu tố cạnh tranh. Việc tiêu thụ phải là do doanh nghiệp chịu trách nhiệm là chính.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan