Tiềm năng từ thị trường mới nổi
Theo Cushman & Wakefield, hơn 90% số lượng giao dịch M&A (mua bán và sáp nhập) trong năm 2023 đến từ khối ngoại. Thậm chí, ngay cả khi nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản gặp phải nhiều thách thức, các giao dịch đầu tư và M&A địa ốc vẫn diễn ra.
Xếp loại giá trị giao dịch theo quốc gia bên mua trong 9 tháng đầu năm 2023. Ảnh: RCA, Cushman & Wakefield |
Trong đó, dẫn đầu các thương vụ là những nhà đầu tư gốc Á đến từ Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Các “cá mập” này đều sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa và am hiểu pháp luật địa phương.
Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát với các khách hàng rộng khắp Châu Á - Thái Bình Dương, đa số các phản hồi đều rất tích cực với tiềm năng đầu tư tại Việt Nam.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam.
“Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát với các khách hàng rộng khắp Châu Á - Thái Bình Dương, đa số các phản hồi đều rất tích cực với tiềm năng đầu tư tại Việt Nam”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết.
Hơn hết, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng khiến các nhà đầu tư nước ngoài quyết định xuống tiền. Xét dưới góc độ cụ thể, khẩu vị của các “thợ săn ngoại” vẫn tập trung vào các loại tài sản truyền thống tại Việt Nam, phục vụ chính cho nhu cầu “an cư, lạc nghiệp”.
Nhận định trên được xác thực thông qua những con số “biết nói”. Theo Cushman & Wakefield, xét trong các giao dịch giai đoạn năm 2018 – 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Trong đó, loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượt là 46% và 28%.
Không chỉ vậy, giới đầu tư quốc tế còn đánh giá cao Việt Nam bởi sự ổn định về chính trị cũng như những chính sách khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam trong thời gian qua cũng ghi nhận nhiều dấu ấn trong hợp tác và hội nhập thông qua việc ký kết thêm các hiệp định FTA mới, nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện với loạt quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ và mới đây là Nhật Bản.
Mặt khác, các doanh nghiệp nội vẫn chưa thể chiếm sóng M&A do vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. Ngoài các khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều đơn vị còn đang phải “vật lộn” với các vướng mắc về mặt pháp lý và khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Trong “nguy” có “cơ”
Theo bà Trang Bùi, về phía bên mua, trở ngại chủ yếu vẫn nằm ở việc tìm kiếm những cơ hội có chất lượng tốt và dòng thu nhập ổn định. Tuy nhiên, các cơ hội như vậy còn rất hạn chế tại Việt Nam.
“Nguyên nhân xuất phát từ tính pháp lý, độ chênh về kỳ vọng giá từ cả hai phía và quy trình bồi thường. Vấn đề về độ hoàn thiện của hồ sơ pháp lý dự án hiện là thách thức với cả bên bán và bên mua. Ngoài ra, với các nhà đầu tư muốn hợp tác phát triển, sự phù hợp về chiến lược và giá trị kỳ vọng cũng là một quá trình nghiên cứu đầy thử thách”, bà Trang Bùi chia sẻ.
Không chỉ vậy, hầu hết bất động sản chào bán trên thị trường thường không công bố rộng rãi và chính thức. Điều này dẫn đến khả năng tiếp cận các tài sản tốt của nhà đầu tư nước ngoài bị suy giảm.
Dẫu còn nhiều chướng ngại, Cushman & Wakefield vẫn tin rằng đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, nhiều nghị định và quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được Chính phủ ban hành. Những động thái mới này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.
“Một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn năm 2024 - 2026. Nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực”, phía Cushman & Wakefield tiết lộ.