Nhiều dự án sau thời gian dài ngừng thi công do vướng pháp lý đang được đẩy nhanh triển khai trở lại. Ảnh: Lê Toàn.

Nhiều dự án sau thời gian dài ngừng thi công do vướng pháp lý đang được đẩy nhanh triển khai trở lại. Ảnh: Lê Toàn.

Bất động sản vào “chặng nước rút” bán hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường địa ốc phía Nam xuất hiện ngày một nhiều hơn các đợt mở bán sản phẩm bất động sản từ các dự án hiện hữu hoặc dự án được tái khởi động sau khi được gỡ vướng pháp lý nhằm tranh thủ thời điểm mặt bằng giá tăng cao trước thềm năm mới.

Tăng tốc ra hàng

Sau giai đoạn tích cực mở bán các sản phẩm còn lại tại dự án Akari (TP.HCM) và Southgate (Long An) cũng như chào bán lần đầu dự án đất nền tại Cần Thơ, doanh số bán hàng tháng 10 và 11/2024 của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) dự kiến đạt 1.050 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án tại Cần Thơ (đóng góp 58%) và Long An (29%).

Trong đó, việc mở bán phân khu đất nền của dự án Cần Thơ được thực hiện vào giữa tháng 11/2204, sau khi hoàn thành thanh toán tiền sử dụng đất vào tháng 9/2024 và ghi nhận 528 tỷ đồng doanh số, theo Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcap.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Ban lãnh đạo Nam Long cho biết, doanh số bán hàng trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, thấp hơn mục tiêu 9.550 tỷ đồng đặt ra tại đại hội đồng cổ đông tổ chức hồi tháng 4/2024.

Trong khi đó, dự án Lavida Plus tại quận 7, TP.HCM do Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) làm chủ đầu tư đã được hoàn thiện để bán hàng trong quý vừa qua, sau khi phải dừng thi công nhiều năm do vướng pháp lý. Hồi mới triển khai vào năm 2018, giá bán của Lavida Plus khoảng 33 triệu đồng/m2, hiện tăng lên khoảng 55 triệu đồng/m2.

Cũng tại quận 7, dự án D-Homme của DHA Corporation với quy mô khoảng 500 căn hộ đã được mở bán trở lại. Khi mới công bố, giá bán dự kiến từ 55 triệu đồng/m2, nay tăng lên quanh mức 70 triệu đồng/m2.

Một dự án khác của chủ đầu tư này là D-Aqua tại quận 8 cũng tăng giá sơ cấp trong đợt chào bán mới đây. Dự án nằm trên đường Hồng Bàng, quy mô diện tích hơn 8.000 m2, dự kiến cung cấp khoảng 650 căn hộ ra thị trường.

Trong bản tin nhà đầu tư mới công bố, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt Phát Đạt (mã PDR) cho biết, dự án Quy Nhơn Iconic (Khu đô thị Bắc Hà Thanh) đến nay đã có đầy đủ pháp lý và sẵn sàng mở bán. Trước đó, Phát Đạt và Công ty cổ phần Kinh doanh và Dịch vụ bất động sản Realty Holdings đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược triển khai kinh doanh dự án này.

Đối với Khu phức hợp Thuận An 1 và 2 tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, Phát Đạt cho biết, tiến độ xây dựng dự án tiếp tục được đẩy nhanh trong tháng 11/2024 và dự kiến được mở bán trong quý I/2025.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phát Đạt tiết lộ, doanh thu từ 2 dự án nói trên dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận tương đối ổn. Ông Đạt kỳ vọng thị trường địa ốc sẽ diễn biến tích cực hơn trong quý IV/2024, giúp cho việc bán hàng trở nên thuận lợi hơn.

“Bước đệm” cho năm 2025

Thị trường bất động sản được đánh giá đã vượt qua điểm đảo chiều và bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2025.

Nhiều chủ đầu tư hồ hởi ra mắt dự án mới cũng như chào bán giai đoạn tiếp theo của dự án hiện hữu nhằm đón đầu cơ hội, đồng thời kỳ vọng hoạt động giao dịch bất động sản sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm mới nhờ một số yếu tố như nguồn cung mới gia tăng khi nhiều dự án được mở bán và thủ tục pháp lý thuận lợi hơn; niềm tin của người mua tiếp tục được củng cố trước triển vọng phục hồi của thị trường; ổn định lãi suất vay mua nhà, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng...

Khách hàng tham quan căn hộ mẫu tại một dự án ở TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

Khách hàng tham quan căn hộ mẫu tại một dự án ở TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra nhận định, sau giai đoạn hạn chế đầu tư mới để tập trung tái cấu trúc, xử lý nghĩa vụ tài chính và quan sát tình hình thị trường, các doanh nghiệp địa ốc đã đẩy nhanh tốc độ triển khai và ra mắt các dự án, phân khu mới từ nửa cuối năm 2024.

Theo đó, nhiều dự án đã được tháo gỡ vướng mắc pháp lý và đủ điều kiện triển khai trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành xử lý các nghĩa vụ trái phiếu, đưa trạng thái tài chính về mức an toàn và vượt qua giai đoạn thanh lọc của thị trường.

Các chủ đầu tư tranh thủ ra mắt dự án lúc mặt bằng giá thị trường đang được đẩy cao, nguồn cung thị trường chưa tăng mạnh.

Tuy nhiên, do thị trường chỉ mới bước sang giai đoạn hồi phục và chưa có tính lan tỏa mạnh, doanh nghiệp vẫn tương đối thận trọng trong hoạt động đầu tư dự án mới, chủ yếu tập trung triển khai và ra hàng tại các phân khu tiếp theo tại dự án hiện hữu, hoặc những dự án đã sẵn sàng về mặt bằng và tình trạng pháp lý, nằm tại khu vực đang có sức cầu tốt và diễn biến giá tích cực trong giai đoạn vừa qua.

Mặc dù vậy, nguồn vốn là một trong những thách thức lớn khi bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Theo VCBS, mặc dù đã có sự cải thiện từ mức nền thấp trước đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá trầm lắng, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Trong khi đó, dòng tiền từ bán hàng tại các dự án còn khá hạn chế do thị trường chỉ mới giao dịch sôi động trở lại tại một số khu vực và phân khúc nhất định. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 siết chặt việc đặt cọc, bán nhà hình thành trong tương lai, nên việc huy động từ người mua không còn dễ dàng như trước.

TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính nhận định rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thiếu vốn nghiêm trọng, khi dòng vốn mới từ ngân hàng chưa chảy mạnh vào thị trường. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy thanh khoản đang gặp vấn đề lớn.

Theo ông Hiển, sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản phải đi đôi với nhu cầu thực của người dân. Doanh nghiệp không thể mãi tập trung vào phân khúc cao cấp, mà cần đầu tư mạnh hơn vào phân khúc trung cấp và bình dân, phục vụ đối tượng khách hàng có nhu cầu ở thực. Đây sẽ là yếu tố then chốt để tạo nên một thị trường bền vững trong 10 năm tới.

Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với quá nhiều thách thức do những tác động từ nền kinh tế nội địa cũng như thế giới.

Tuy thị trường biến động khó lường, nhưng nhu cầu vẫn còn rất lớn, nhất là khi tâm lý người dân luôn mong muốn sở hữu một căn nhà để “an cư, lạc nghiệp”, nhất là nhóm người trẻ sau khi kết hôn có xu hướng sống riêng và rời khỏi đại gia đình nhiều thế hệ.

Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp giải quyết bài toán nguồn cung nhà ở như thế nào sẽ là yếu tố then chốt tạo bứt phá cho lĩnh vực bất động sản nhà ở nói riêng, thị trường bất động sản nói chung.

“Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc rốt ráo để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp cần nhìn lại và định vị chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường để nắm bắt cơ hội mới”, ông Hòa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan