Khách hàng trải nghiệm ứng dụng bản đồ số Meey Map

Khách hàng trải nghiệm ứng dụng bản đồ số Meey Map

Bất động sản và cuộc chơi công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công nghệ bất động sản (Proptech) đang được xem là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp khai phá khi dịch bệnh tạo ra giãn cách xã hội và nhu cầu số hóa hoạt động đầu tư tăng mạnh.

Ứng dụng Proptech bùng nổ

Trên thế giới, những nền tảng tiên phong như Amazon, Alibaba, Airbnb… đã làm thay đổi cơ chế hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực và tại Việt Nam, các nền tảng số này cũng không còn xa lạ, với ngành du lịch có Airbnb, TripAvisor…, vận tải có Uber, Grab…, bán lẻ có Amazon, Alibaba...

Với lĩnh vực bất động sản, trong những năm qua, các nền tảng số cũng hiện diện nhiều hơn với sự góp mặt của cả các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) công nghệ lẫn các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của các ứng dụng Proptech đa tiện tích như “tìm kiếm và mua bán nhà online”, “tra cứu thông tin quy hoạch, pháp lý dự án trực tuyến”, “Kiểm nghiệm nhà qua thực tế ảo”… của các đơn vị phát triển như Meeyland, Sunshine, Cenhomes, PropertyX… đang mang tới diện mạo mới cho thị trường bất động sản.

Nói như ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group rằng, “công nghệ số đang là lời giải của nhiều sự thay đổi”. Theo ông Hiển, với các doanh nghiệp địa ốc, chuyển đổi số mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, trực quan hơn, dễ dàng thực hiện các chiến dịch digital marketing hấp dẫn, nhanh chóng và hiệu quả cùng một lúc.

Hiện nay, khi muốn mua một sản phẩm bất động sản, bên cạnh việc tìm hiểu từ bạn bè, người thân, người có nhu cầu chỉ cần chọn từ khóa trên công cụ tìm kiếm Google, chẳng hạn như “mua nhà chung cư”, thì ngay lập tức cho ra hàng chục triệu kết quả liên quan.

Ở góc độ chi tiết hơn, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phát triển các ứng dụng, tiện ích cho phép người mua nhà có thể giới hạn phạm vi tìm kiếm ngôi nhà, từ khu vực, vị trí, loại hình, giá cả… tới các thông tin xung quanh.

Chẳng hạn, với ứng dụng bản đồ số Meey Map, ngoài tra cứu dự án hay bản đồ quy hoạch trực tuyến, phần mềm này còn hỗ trợ người dùng tìm kiếm vị trí, thông tin giao dịch, thông tin quy hoạch của bất động sản đang được mua bán, sang nhượng, cho thuê.

“Với những phần mềm như Meey Map, người dùng có thể tra cứu quy hoạch sử dụng đất mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị di động thông minh, đồng thời có thể tiếp cận các thông tin về thị trường bất động sản từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ bằng vài thao tác đơn giản”, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Meey Land - nhà phát triển ứng dụng Meey Map cho biết.

Không những vậy, không ít nhà phát triển bất động sản còn áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR) để gia tăng trải nghiệm người dùng.

“Đó là các chuyến tham quan 3D ‘thực hơn cả thực’, bạn có thể đi lại, ngó nghiêng, chạm vào từng vật dụng trong căn hộ ảo… như một bối cảnh thật mà mình hiện diện. Thậm chí, khách hàng có thể tự thay đổi thiết kế nội thất, cách bài trí các vật dụng… trong không gian ảo đó nếu muốn”, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cengroup nói, đồng thời nhấn mạnh, với công nghệ VR/AR, việc trực quan hóa kiến trúc đã trở nên rẻ hơn và phong phú hơn rất nhiều.

Các ứng dụng Proptech đang mang tới diện mạo mới cho thị trường địa ốc

Các ứng dụng Proptech đang mang tới diện mạo mới cho thị trường địa ốc

Nút thắt pháp lý

Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người thường xuyên sử dụng công nghệ ở mức cao (64 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 66% dân số), quy mô thị trường bất động sản dự kiến lên tới 21 tỷ USD…, đây là điều kiện lý tưởng để Proptech phát triển.

Số liệu của FinREI Investment JSC cho thấy, tại Việt Nam, lĩnh vực Proptech đang “nở rộ” với gần 60 công ty và dự báo sẽ có thêm nhiều start-up Proptech “chào sân” trong thời gian tới. Tuy nhiên, điểm đáng chú là, 80% nền tảng Proptech hiện hữu thuộc quyền quản lý của các công ty nước ngoài hoặc được rót vốn từ nhà đầu tư ngoại (theo báo cáo của JLL), thực tế này đòi hỏi cần có một cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ hơn cho chuyển đối số, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Hoàng Mai Chung, “đấu trường” nền tảng số tuy cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng chính sự cạnh tranh đó cũng thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp.

“Khởi nghiệp có thể thành công hay thất bại, nhưng sau mỗi nỗ lực thì sức chiến đấu của doanh nghiệp sẽ tốt dần lên, các nền tảng sau sẽ tốt hơn các nền tảng trước và quan trọng hơn, câu chuyện ở đây không đơn thuần là việc tạo ra các ứng dụng để bán thông tin cho người sử dụng, mà là việc nắm trong tay dữ liệu người dùng Việt Nam”, ông Chung nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, chất lượng kỹ sư công nghệ của Việt Nam luôn được đánh giá cao, song thói quen làm gia công quá lâu đã khiến sự sáng tạo bị bào mòn. Ngoài ra, nền giáo dục áp đặt, khuôn mẫu cũng không khuyến khích sự sáng tạo. Vì vậy, việc dịch chuyển từ nền kinh tế gia công sang kinh tế số, kinh tế sáng tạo sẽ mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, môi trường chính sách ở Việt Nam cũng được cho là chưa đủ hỗ trợ doanh nghiệp nền tảng số phát triển.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ cho rằng, các chính sách phát triển kinh tế nền tảng cần thực chất hơn, nếu không, về lâu dài, người Việt sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng ngoại. Khi đó, kho tài nguyên lớn nhất của kinh tế số - dữ liệu người dùng - cũng nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Bởi vậy, việc ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nền tảng không thể chậm trễ hơn, nhất là trong hỗ trợ phát triển hệ sinh thái số.

“Trên thực tế, đa phần các nền tảng số đều lỗ trong thời kỳ phát triển đầu tiên (tối thiểu 10 năm), song vẫn được rót vốn rất mạnh, lý do bởi nguyên tắc kinh tế nền tảng là trả trước cho những thay đổi hành vi, mà hành vi muốn thay đổi phải mất rất nhiều thời gian. Khi hành vi thay đổi, chúng ta sẽ có một nền kinh tế rất khác. Nhà nước muốn khuyến khích kinh tế nền tảng thì phải có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, bởi việc hỗ trợ thuế là không có ý nghĩa, khi đa phần doanh nghiệp nền tảng số thường lỗ trong giai đoạn đầu phát triển”, ông Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch sáng lập Upgen phân tích.

Một vấn đề nữa, công nghệ vốn là cuộc chơi “đốt tiền”, nhưng việc tiếp cận vốn của các start-up công nghệ nói chung, start-up Proptech nói riêng, hiện rất hạn chế. Theo TS. Đinh Thị Thu Hồng, Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, hiện tại, Việt Nam chưa có quy định pháp lý cho hoạt động gọi vốn các dự án bất động sản thông qua các ứng dụng công nghệ như công nghệ chuỗi khối (blockchain) hay gọi vốn cộng đồng (crowd-funding), trong khi nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này ngày một lớn.

“Việc gọi vốn cho các dự án bất động sản thông qua công nghệ số là mô hình kinh doanh sáng tạo rất cần được khuyến khích”, bà Hồng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan