Xu hướng này sẽ kéo dài trong thời gian tới, với mức giảm 1 - 3% trong giai đoạn 2015 - 2025, thay vì tăng trưởng 13% trong 13 năm qua, theo nghiên cứu của Công ty Gevekal Dragonomics. Nhu cầu thay đổi và dư thừa nguồn cung nhà ở buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đưa ra các giải pháp để giảm thiểu hiệu ứng tiêu cực của thị trường bất động sản, trong đó có chính sách cắt giảm lãi suất.
Ông Wang Tao, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, thuộc Tập đoàn UBS AG Hồng Kông cho rằng: "Đây là một bước ngoặt. Tăng trưởng xây dựng chậm lại, đồng nghĩa với nhu cầu thép, xi măng, năng lượng, sản xuất khai khoáng, thiết bị hay ô tô, tất cả đều suy giảm".
Theo dõi GDP hàng tháng của Bloomberg cho thấy, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong tháng 10 chỉ còn 6,91% so với 1 năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dưới 7% và là thời kỳ kéo dài nhất kể từ khi Bloomberg thực hiện việc theo dõi này từ năm 2009. Hầu hết 7 tiêu chí được sử dụng đều tăng chậm hoặc giảm, khiến Trung Quốc có mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.
Ông Jonathan Anderson, từng là nhà kinh tế học nghiên cứu về các thị trường mới nổi của UBS, tổ chức hiện giờ đang vận hành nhóm cố vấn cho các nền kinh tế mới nổi tại Bắc Kinh, đã từng lưu ý trong một nghiên cứu năm 2011 rằng, ảnh hưởng của lĩnh vực nhà ở đến nền kinh tế Trung Quốc là "quan trọng nhất trong vũ trụ".
Ngành bất động sản và xây dựng đóng góp trực tiếp 15% GDP của năm 2012, 1/4 đầu tư tài sản cố định, 14% số việc làm tại các đô thị và khoảng 20% các khoản vay ngân hàng. Trong khi đó, theo Nomura Holdings Inc, báo cáo tháng 7 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, khoảng 39% nguồn thu ngân sách của Trung Quốc năm ngoái có liên quan đến ngành công nghiệp bất động sản.
Dấu hiệu suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc còn thể hiện ở doanh số bán nhà trong 10 tháng đầu năm giảm 10%, do nhu cầu đầu tư và nâng cấp nhà ở suy yếu, trong khi đây là hai trụ cột của sự bùng nổ dài cả thập kỷ qua của thị trường địa ốc Trung Quốc.
Triển vọng phục hồi là rất khó khi nguồn cung đang dư thừa, hậu quả của thời kỳ bơm tiền kích thích kinh tế trước đây của Chính phủ Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bà Rosealea Yao, nhà phân tích thuộc Gavekal Dragonomics cho rằng, đóng góp của bất động sản và xây dựng vào GDP sẽ từ 28 - 29% vào cuối thập kỷ này, từ con số 33% năm nay và hơn 34% năm 2011. Bà Yao còn cho biết, không gian sống bình quân đầu người đã tăng từ 20 m2/người năm 2000 lên 30 m2, thậm chí chạm ngưỡng 35 m2 và 40 m2/người tại 1 số quốc gia.
"Không gian để tăng thêm nữa đã bị giới hạn, số người chuyển đến những căn nhà lớn hơn sẽ ít đi trong tương lai", Yao nói.
Trong khi đó, theo Công ty Nomura, sẽ mất khoảng tầm 6 năm mới có thể hấp thụ hết lượng cung bất động sản dư thừa ở các thành phố hạng 3 và hạng 4, 4 năm với các thành phố hạng 2 và 2 năm với các thành phố hạng nhất.
Theo bà Yao, việc cắt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng là một trong những nhân tố hỗ trợ hồi phục giá nhà và thép trong ngắn hạn, tuy nhiên, "sự hồi phục này sẽ có tính chu kỳ".