Giá đất nhảy múa
Ngay từ khi chủ trương thành lập TP. Thủ Đức trên cơ sở gộp quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 (thuộc khu Đông TP.HCM) còn trong thời kỳ “thai nghén”, những người thạo tin đã nhanh chân tỏa khắp “hang cùng ngõ hẻm” của khu vực này để tìm mối gom đất. Nhưng việc TP. Thủ Đức chính thức được thành lập vẫn như làn gió mới phả thêm hơi nóng vào khu vực này.
Địa chỉ nóng nhất trong làn sóng săn tìm nhà đất tại thị trường khu Đông được các môi giới cho là phường Trường Thọ. Nơi đây sở hữu vị trí khá chiến lược, thuận lợi cho cả 3 loại hình giao thông thủy, bộ và đường sắt đô thị. Đặc biệt, việc phường này được chọn làm khu đô thị trung tâm của TP. Thủ Đức càng khiến giá đất tại đây “nhảy múa”.
Tại Khu dân cư Centerhome Riverside (sản phẩm chủ yếu là nhà phố và biệt thự), giá bán ban đầu chỉ khoảng 4,8 - 8 tỷ đồng/nền tùy vị trí, nhưng hiện được rao bán với giá 5,1 - 9 tỷ đồng và hầu hết sản phẩm đã được khách hàng đặt mua. Ông Cao Văn Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Centerhome (đơn vị phát triển và độc quyền phân phối Dự án) cho biết, khoảng một tuần trở lại đây, lượng khách đến tìm hiểu thông tin về Dự án đã tăng từ 5 - 7 lần so với tháng trước.
Theo ông Trung, nếu trước đây, khách quan tâm tới Dự án chủ yếu đến từ các quận xung quanh như quận 9, quận 2, quận Bình Thạnh, Thủ Đức…, thì nay, lượng khách từ những khu vực xa hơn như quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh đã tăng lên đáng kể. Điều đáng nói là, mức giá hiện đã cao hơn khoảng 7%/sản phẩm so với tháng trước.
Ở các khu vực khác của TP. Thủ Đức, giá bán tại các dự án cũng không ngừng tăng. Cụ thể, tại Dự án Khu đô thị Đông Tăng Long (quận 9), cách đây khoảng 3 tháng, một căn nhà phố có diện tích khoảng 160 m2 được rao bán với giá 45 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên 50-55 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế, phí). Với những căn nằm ở mặt tiền đường lớn, giá giao dịch trên thị trường lên tới 20 tỷ đồng/căn (khoảng 120 - 130 triệu đồng/m2, tăng từ 7 - 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm 2019).
Không chỉ tại phân khúc đất nền, mà thị trường căn hộ tại TP. Thủ Đức cũng ghi nhận những đợt sóng tăng giá. Ví dụ, căn hộ tại Dự án City Grand (quận 2) đang được rao bán với giá 41 - 45 triệu đồng/m2, Dự án D’lusso (cũng ở quận 2) là 55 - 60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái. Các căn hộ tại Dự án Vinhome Grand Park (quận 9) hồi cuối năm 2019 có giá 30 - 38 triệu đồng/m2, hiện tăng lên 40 - 48 triệu đồng/m2.
Tương tự, căn hộ tại Dự án Centum Wealth (quận 9) có giá bán trên thị trường thứ cấp là 43 - 45 triệu đồng/m2, tăng 7 - 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm 2019. Một căn hộ có diện tích khoảng 70 m2 tại Dự án Lavita Garden (quận Thủ Đức) đang được chủ nhà rao bán với giá 2,3 - 2,5 tỷ đồng, tăng khoảng 700 triệu đồng so với thời điểm mở bán. Các dự án Safira Khang Điền, Saigon Gateway, Hausneo, Him Lam Phú An… có giá 30 - 35 triệu đồng/m2 vào thời điểm năm 2019, hiện đều giao dịch ở mức 40 - 48 triệu đồng/m2…
Liệu có xảy ra cơn sốt?
Trước thực trạng giá nhà đất tại khu Đông TP.HCM liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này là liệu có xảy ra sơn sốt như giữa năm 2019?
Theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam, về lâu dài, việc thành lập TP. Thủ Đức trực thuộc TP.HCM mang đến những tác động về phát triển kinh tế. Thời điểm hiện tại, có thể tạm thời chưa nhìn thấy rõ điều đó, nhưng tác động đến thị trường bất động sản luôn dẫn đầu.
“Đây sẽ là thông tin tích cực để các chủ đầu tư tận dụng làm lợi thế gia tăng quảng cáo, thu hút người mua… cho các dự án thuộc khu vực, từ đó đẩy mặt bằng giá lên một mức mới. Vì vậy, việc tăng giá là điều tất nhiên”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, việc tăng giá bất động sản thời gian qua xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó việc thành lập TP. Thủ Đức chỉ là một lý do và việc tăng giá cụ thể thế nào phải xem xét từng dự án.
Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, mỗi khi xuất hiện các thông tin về thay đổi quy hoạch đều kéo theo sự thay đổi trong tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân. Việc thành lập TP. Thủ Đức cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, làn sóng này kéo dài hay không, sóng cao hay thấp, tính lan rộng đến đâu… còn phụ thuộc vào tình hình chung của thị trường.
Hơn nữa, đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nguồn tiền của các nhà đầu tư không còn nhiều như trước, nên việc trữ tiền mặt sẽ được ưu tiên hơn. Vậy nên, việc thị trường khu Đông nổi sóng chỉ tập trung ở một số khu vực, một số phân khúc và ở nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.
“Sẽ không có chuyện nhà đầu tư đổ xô đi mua bất động sản như trước đây. Lý do là, mức giá nhà đất tại khu vực này đang neo ở ngưỡng khá cao, trong khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều khi quyết định vào thị trường, chưa kể tài chính cũng khó khăn hơn trước”, ông Kiệt nhận định.
Cần tỉnh táo khi quyết định đầu tư
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ, việc thành lập TP. Thủ Đức là một điểm sáng cho thị trường khu Đông TP.HCM. Nhà đầu tư kỳ vọng, sự thay đổi mang đến cơ hội phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn cho khu vực này. Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo khi cân nhắc quyết định đầu tư, vì sẽ không tránh khỏi hiện tượng thổi giá cục bộ.