Thị trường bất động sản TP.HCM đang nhận được sự quan tâm cao của nhà đầu tư nước ngoài

Thị trường bất động sản TP.HCM đang nhận được sự quan tâm cao của nhà đầu tư nước ngoài

Bất động sản TP.HCM, lợi thế từ quỹ đất rộng lớn

(ĐTCK) Với hàng loạt nhà đầu tư bất động sản quốc tế đến với APEC 2017, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn trong việc phát triển thị trường bất động sản.

TP.HCM nhiều lợi thế

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, hơn 20% số doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế APEC tham dự có liên quan tới thị trường bất động sản. Giới phân tích cho rằng, một trong số các lý do là các doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội từ sự phát triển kinh doanh bất động sản của một thị trường gần 100 triệu dân tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội hút nguồn vốn ngoại không đồng nhất với các phân khúc bất động sản và các địa phương, bởi hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam đang có sự bão hòa nhất định ở một số phân khúc và tỉnh, thành phố.

Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, với sự quan tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tại kỳ APEC 2017 vừa diễn ra, thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ được đón làn gió đầu tư mới, đặc biệt ở phân khúc bất động sản khu công nghiệp và bất động sản căn hộ. Tuy nhiên, thị trường miền Nam sẽ đón nhận nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn thị trường phía Bắc.

Bất động sản TP.HCM, lợi thế từ quỹ đất rộng lớn ảnh 1

Phân tích kỹ hơn, lãnh đạo Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, giai đoạn 2000 - 2015, thị trường bất động sản khu công nghiệp phía Bắc phát triển khá mạnh, các khu công nghiệp mọc ra nhiều, doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ về khu vực này khá rầm rộ. Nhưng từ năm 2015 tới nay, “khẩu vị” thị trường có nhiều sự thay đổi, doanh nghiệp nước ngoài đã tập trung nhiều hơn vào thị trường phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và Đồng Nai.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường này là thế mạnh của các tỉnh ven biển miền Trung. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là bên cạnh sức hấp dẫn từ cơ chế mới đối với 3 đặc khu kinh tế trong tương lai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thì những dải đất đẹp ven biển hầu như cũng đã có chủ hoặc khá chật chội. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiềm lực thường lựa chọn những diện tích đất đủ rộng và có điều kiện tự nhiên rất ưu đãi làm nơi “trú chân” cho các dự án nghỉ dưỡng của mình.

Đối với thị trường bất động sản căn hộ, nhà phố, hiện các chủ đầu tư lớn tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, thị trường Hà Nội đang bão hòa bởi có nhiều dự án mới, quỹ đất cũng không còn nhiều và đa phần doanh nghiệp trong nước chiếm thị phần chính.

Ông Alex cho biết, Cushman & Wakefield Việt Nam đang nhận được nhiều đơn đặt hàng nghiên cứu và giới thiệu dự án bất động sản tại Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là nhà đầu tư tới từ Mỹ.

“Chỉ từ đầu năm 2017 tới nay, số liệu của chúng tôi cho thấy, có 27 giao dịch tài sản/đất dự án thành công với giá trị gần 900 triệu USD tại thị trường Việt Nam”, ông Alex Crane cho biết.

Đại diện một doanh nghiệp đến từ Mỹ tham dự APEC và có mặt tại cuộc gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM vừa qua cho biết, ông rất quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam. Trước khi quyết định cùng đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam tham dự APEC, ông cũng đã từng qua Việt Nam để nghiên cứu thị trường bất động sản thông qua Công ty CBRE.

Trong chuyến đi đó, ông khá ấn tượng với thị trường bất động sản Việt Nam, bởi sau khi thị trường đi xuống những năm 2007 và 2010, thì vài năm qua đã hồi phục với tốc độ khá nhanh. Đặc biệt là Luật Nhà ở năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015 có những điều khoản thông thoáng cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

“Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tỏ ra hứng thú với thị trường Việt Nam, mà bắt đầu có những động thái nhập cuộc cụ thể. Đặc biệt, chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư của Chính phủ Việt Nam đã tạo ra sức hấp dẫn dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản”, vị doanh nghiệp Mỹ nói.

Đón nhận cơ hội

Theo giới phân tích, thị trường bất động sản TP.HCM đang có dư địa lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Khẳng định điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường TP.HCM đang sở hữu nhiều lợi thế, trong đó quỹ đất lớn là yếu tố rất hấp dẫn.

Theo ông Châu, TP.HCM hiện đang có quỹ đất rất rộng chưa được đưa vào sử dụng có hiệu quả. Đơn cử như Nông trường Phạm Văn Hai tại huyện Bình Chánh TP.HCM với diện tích 10.158 ha, trong đó hầu hết đều đang bị bỏ hoang.

Thứ hai, hiện Thành phố đang có chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất nông nghiệp chất lượng thấp. Như vậy, sẽ có một diện tích đất nông nghiệp hàng trăm ngàn héc-ta tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Quận 2, Quận 9… không thể canh tác trồng lúa hay nuôi trồng thủy sản và hiện đang bỏ hoang.

Ngoài ra, TP.HCM hiện còn khoảng 500 dự án bất động sản “đắp chiếu”. Đây được coi là một kênh đầu tư tốt cho doanh nghiệp nước ngoài, bởi những dự án này hầu như đã có pháp lý đầy đủ… Nếu đầu tư, doanh nghiệp ngước ngoài chỉ cần hoàn thiện thủ tục pháp lý mà không cần phải trải qua những công đoạn phức tạp như đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bất động sản TP.HCM, lợi thế từ quỹ đất rộng lớn ảnh 2

Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, một kênh đầu tư nữa cho doanh nghiệp địa ốc ngoại đầu tư vào TP.HCM để có quỹ đất phát triển dự án bất động sản đó là việc tháng 10 vừa qua, UBND Thành phố tiếp tục thông báo mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào hơn 130 dự án, trong đó 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia và 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc đầu tư này sẽ thực hiện theo các hình thức như BT, PPP…, các nhà đầu tư sẽ xây dựng hạ tầng và Thành phố sẽ trả bằng quỹ đất.

Một quỹ đất rộng lớn khác đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm theo lời mời của TP.HCM, đó là 6 dự án bao gồm 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tín hiệu nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản TP.HCM đang khá tích cực. Đơn cử như chỉ trong vòng 10 tháng năm 2017, TP.HCM cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 681 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt 1,89 tỷ USD; có 184 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 703,4 triệu USD.

Trong đó, ngành bất động sản tiếp tục dẫn đầu các dự án FDI cấp mới khi có vốn đầu tư nhiều nhất (53,3%) với 1,01 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ). Số vốn này đến chủ yếu từ nhà đầu tư Hàn Quốc, Hoa Kỳ; Singapore; Nhật Bản...

Còn ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam thì chỉ ra rằng, các nhà đầu tư Singapore đã cho thấy mình là một trong những nhà đầu tư đầu tiên nhận thấy tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam. Chẳng hạn, CapitaLand, nhà phát triển bất động sản đã có mặt tại Việt Nam từ hơn 20 năm nay với nhiều dự án nhà ở.

Tuy nhiên, Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM đã thu hút sự quan tâm của đa dạng hơn các nhà đầu tư. Chẳng hạn như các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự hiện diện lâu năm tại thị trường Việt Nam nhưng trước đó khá thận trọng, hiện đã hoạt động rất tích cực trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, năm 2016, Tập đoàn Creed, Nhật Bản cùng với các đối tác trong nước là Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia hợp tác phát triển dự án khu dân cư quy mô lớn The River City (quận 7, TP.HCM) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Trong khi đó, AEON Mall, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản đã mở trung tâm thương mại thứ 5 tại Việt Nam và trong số đó đa phần hiện diện tại TP.HCM. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang rót vốn mạnh vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM…

“Hơn bao giờ hết, lúc này TP.HCM cần xác định rõ mọi cơ hội cần được nắm bắt và hành động có chiến lược cụ thể để thu hút nhà đầu tư ngoại vào phát triển thị trường bất động sản Thành phố. Lợi thế có được từ sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong Năm APEC 2017 là cơ hội tốt để TP.HCM hiện thực hóa tiềm năng của mình thành cơ hội phát triển thị trường. Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư hơn nữa, không chỉ từ các nền kinh tế thành viên APEC, mà cả các nhà đầu tư từ các nền kinh tế khác trên thế giới”, ông Neil MacGregor nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan