Hàng tỷ USD vốn ngoại rót vào địa ốc TP.HCM
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2019, Việt Nam thu hút 38,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài ở cả 3 hình thức là cấp mới, tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần, tăng 7,2% so với năm 2018. Trong đó, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong số các ngành, lĩnh vực hút vốn ngoại năm 2019, đạt 3,88 tỷ USD, chiếm 10,7% vốn đầu tư đăng ký.
Còn theo báo cáo của UBND TP.HCM đưa ra tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội Thành phố năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020 diễn ra sáng ngày 6/1, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào TP.HCM dưới cả 3 hình thức đạt 8,3 tỷ USD, tăng 39,45% so với năm 2018.
Phân theo ngành nghề/lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm 40,14%, tương đương hơn 3,33 tỷ USD; tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 24,9%, tương đương hơn 2 tỷ USD…
Tính riêng về góp vốn, mua cổ phần, trong năm 2019, TP.HCM đã chấp thuận cho 5.720 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 5,59 tỷ USD. Trong đó, vốn ngoại chảy vào bất động sản mạnh nhất qua hình thức này.
Chẳng hạn, cuối tháng 5/2019, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn bất động sản Samty Corporation (Nhật Bản). Theo đó, Samty sẽ đầu tư 22,5 triệu USD và hỗ trợ vốn đầu tư để Phát Đạt triển khai các dự án bất động sản.
Ngày 8/11/2019, Tập đoàn Keppel (Singapore) đã tổ chức lễ động thổ dự án Saigon Sports City với quy mô 4.300 căn hộ. Đây là dự án khu đô thị sáng tạo đầu tiên tại TP.HCM với quy hoạch phước hợp và thông minh trên diện tích 64 ha tại quận 2. Dự án có mức đầu tư xây dựng lên tới 300 triệu USD.
Được biết, Tập đoàn Keppel hiện là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với hơn 20 dự án được cấp phép với tổng số vốn lên tới hơn 3 tỷ USD, trong đó 3/4 dự án được triển khai tại TP.HCM...
Tiềm năng phát triển của bất động sản TP.HCM được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Ảnh: Lê Toàn
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group mới đây cũng cho biết, vừa bắt tay với một doanh nghiệp Nhật Bản để lập một liên doanh phát triển dự án bất động sản năm 2020.
Ngoài ra, một số thương vụ đáng chú ý khác có thể kể đến như SK Group (Hàn Quốc) chi 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup, SonKim Land tiếp tục huy động thành công 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suisse AG…
Lý giải cho sức hút của bất động sản Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Yamaguchi Masakazu, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cho rằng, nhu cầu mua bất động sản để ở tại Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt là phân khúc nhà ở tầm trung.
Ngoài ra, đại diện Creed Group cũng rất lạc quan về kinh tế Việt Nam và tin tưởng, trong 30 năm tới, đi cùng sự phát triển kinh tế, nhu cầu nhà ở, du lịch… của người dân sẽ tăng lên mạnh mẽ.
Sẽ còn tăng mạnh
Theo giới phân thích, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn là thỏi nam châm hút vốn ngoại trong năm 2020 và hình thức được ưa thích vẫn là hợp tác, góp vốn, mua cổ phần. Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho biết, vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản TP.HCM sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
“Bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực được ưa chuộng của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bất động sản luôn đứng thứ 2 hoặc 3 trong các lĩnh vưc thu hút vốn ngoại. Tôi cho rằng, trong năm 2020, bất động sản tiếp tục là một trong những lĩnh vực thu hút vốn ngoại lớn nhất”, ông Hoàng đánh giá.
Cũng theo ông Hoàng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp cơ cấu vốn phát triển bất động sản đa dạng, linh hoạt hơn, giảm sức ép về nguồn vốn cho các chủ đầu tư khi chính sách tín dụng cho bất động sản bị siết dần. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam cũng luôn kèm theo các yêu cầu, tiêu chuẩn rõ ràng, từ đó các doanh nghiệp Việt, cũng như những dự án sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, chất lượng cao hơn, minh bạch và pháp lý đầy đủ hơn.
Về các phân khúc, ông Hoàng cho biết, với xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến được nhiều tập đoàn lựa chọn, bất động sản công nghiệp là một trong số ít phân khúc tích cực nhất của thị trường năm 2019 và có sức hút lớn với nhà đầu tư. Minh chứng là trong năm 2019, giá thuê đất/nhà xưởng tại một số khu công nghiệp đã bắt đầu tăng.
Cùng với bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở, đặc biệt là phân khúc cao cấp và hạng sang cũng là ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này đã bắt đầu từ giai đoạn 2016 - 2017 và sẽ tiếp tục trong năm 2020, dù có thể sẽ giảm nhiệt hơn so với trước do gặp khó khăn trong công tác phê duyệt dự án mới và quỹ đất sạch nội đô không còn nhiều.
Ông Hoàng cho rằng, việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam sẽ gây ra áp lực cạnh tranh cho các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có nhiều tác động tích cực, giúp cho các chủ đầu tư trong nước ngày càng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, sự minh bạch.
Một số doanh nghiệp Việt hiện nay hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh với các chủ đầu tư nước ngoài ở phân khúc nhà ở cao cấp, hạng sang điển hình như Novaland, Vinhomes, SonKim Land, Refico..., nhưng số lượng các đơn vị này chưa nhiều. Những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, hạng sang phải chấp nhận phân khúc phù hợp riêng.
Theo ông Hoàng, điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt là quỹ đất, am hiểu quy trình thủ tục pháp lý và linh hoạt trong tổ chức kinh doanh bán hàng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt là vốn, tính chuyên nghiệp và sự minh bạch.
Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có dòng vốn lớn, họ chuẩn bị rất đầy đủ, chu đáo, nên việc triển khai dự án nhanh hơn. Vì vậy, khi công bố mở bán, các dự án do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư luôn thu hút sự quan tâm của người mua, dù mức giá cao.
Một khía cạnh khác là về mặt quản lý, có thể thấy, các dự án của chủ đầu tư nước ngoài như Keppel Land, Capitaland, Phú Mỹ Hưng… luôn được quản lý với chất lượng dịch vụ cao và hầu như rất hiếm tranh chấp, xung đột quyền lợi (giữa chủ đầu tư - ban quản lý - cư dân).
Tuy nhiên, xu hướng chính khi các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam là tìm cách hợp tác với các nhà đầu tư nội, thay vì cạnh tranh. Xu hướng này càng thể hiện rõ nét trong thời gian gần đây.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com