Bất động sản toàn cầu năm 2024 chưa thực sự lạc quan

Bất động sản toàn cầu năm 2024 chưa thực sự lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng đầu tiên năm 2024 chứng kiến thị trường nhà ở nhiều nước cố gắng thoát khỏi tác động xấu của lạm phát và vấn đề nguồn cung.

Hoa Kỳ

Một báo cáo của Chính phủ cho biết trong tháng 12/2023, số lượng giấy phép đăng ký xây dựng nhà ở của hộ gia đình trong đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2022 và số lượng nhà được hoàn thiện ở mức cao nhất trong 13 tháng trước đó. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện nguồn cung.

Các dự báo về lạm phát khiến lãi suất trái phiếu kho bạc giảm vào nửa đầu tháng 1 và lãi suất vay nợ của nhiều loại hình cho vay giảm theo. Số đơn xin thế chấp mua nhà tăng 9% trong tuần thứ 3 của năm 2024 và thêm 8% nữa khi sang đến tuần này.

Hiện tại, thời tiết khắc nghiệt đang cản trở giao dịch nhà đất trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, công ty bất động sản Redfin đánh giá thị trường sẽ nhộn nhịp hơn khi mùa xuân đến bất chấp lãi suất cho vay thế chấp ở mức cao quanh 6%.

Trung Quốc

Sự yếu kém trong quản lý tài chính, trì hoãn trong quá trình xây dựng và lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng sẽ tiếp tục là rào cản cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, rủi ro xảy ra vỡ nợ vẫn hiện hữu trong năm 2024.

Thời gian chờ lâu trước khi nhận được nhà mới đã khiến nhiều khách hàng tiềm năng quay đầu với việc mua tài sản và vay thế chấp.

Chính quyền một số địa phương tại nước này đã phải cắt giảm khoản tiền trả trước cho những người mua nhà lần đầu, đồng thời nỗ lực hạ lãi suất thế chấp. Tại Bắc Kinh, khoản tiền trả trước được giảm từ 35% xuống 30% cho người mua nhà lần đầu và từ 60% xuống từ 40-50% cho người mua nhà lần hai. Thời hạn vay thế chấp tối đa được kéo dài từ 25 lên 30 năm.

Giải pháp này được kỳ vọng sẽ khuyến khích người dân quan tâm hơn tới các dự án mới, tuy nhiên với các nhà phát triển bất động sản, nỗ lực kích cầu chưa giải quyết được khó khăn thanh khoản. Mới đây, tập đoàn bất động sản lớn nhất đại lục là Evergrande đã bị một tòa án tại Hồng Kông yêu cầu thanh lý tài sản sau khi không thể hoàn trả khoản nợ hơn 300 tỉ USD.

Nhật Bản

Theo Viện Kinh tế Bất động sản (Real Estate Economic Institute), giữa tuần trước, giá trung bình của một căn hộ mới ở Tokyo và các khu vực lân cận đã tăng 29% lên mức cao mới là 81 triệu yên (548.000 USD). Các nhà phân tích dự báo đà tăng sẽ tiếp tục trong năm 2024, bất chấp sự chững lại của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhật Bản có thể phải cân nhắc bãi bỏ chính sách lãi suất âm để giảm lạm phát. Tuy nhiên, ông Tetsuya Kaneko, trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty bất động sản Savills Nhật Bản thì chính sách này khả năng không tác động nhiều đến các chi phí vay thế chấp và nhu cầu mua căn hộ khi lãi suất đã ở mức rất thấp và nhiều ngân hàng đang cạnh tranh thu hút khách vay.

Năm ngoái, nguồn cung đơn vị nhà ở mới được rao bán ở Vùng thủ đô Tokyo giảm 9,1%. Con số này được dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2024.

Châu Âu

Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch Ratings kỳ vọng lãi suất thế chấp năm 2024 sẽ ổn định ở mức thấp hơn so với 2023. Mức tăng nhỏ có thể xuất hiện ở các quốc gia với nhiều khoản thế chấp lãi suất thay đổi (Đan Mạch, Ý và Tây Ban Nha) hoặc nhiều khoản thế chấp lãi suất cố định ngắn hạn (Anh).

Tại Liên hiệp Anh, tuần đầu tiên của năm mới ghi nhận số lượng bất động sản chào bán trên thị trường cao hơn 15% và nhu cầu mua cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù còn nhiều yếu tố khó lường, thống kê của Rightmove, cổng thông tin bất động sản lớn tại Anh, dự báo một năm ổn định hơn cho thị trường thế chấp.

Ngược lại tại nền kinh tế lớn nhất châu lục, Cục Giám sát tài chính Liên bang của Đức (Federal Financial Supervisory Authority - BaFin) kêu gọi thận trọng trước lãi suất cao, việc mất khả năng thanh toán và tốc độ giao dịch chậm lại.

Tin bài liên quan