Cụ thể, tổng giá trị bất động sản trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2017 có giá trị 280,6 ngàn tỷ USD, với khoảng 78% giá trị đến từ bất động sản nhà ở. Năm 2017, tổng sản lượng GDP toàn cầu khoảng 78,3 ngàn tỷ USD, tức, chỉ bằng 30% giá trị bất động sản.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, mặc dù chứng khoán và vàng tăng giá trị nhanh hơn bất động sản nhưng bất động sản vẫn được coi là một kênh đầu tư dự trữ vốn an toàn.
“Động lực thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản bao gồm dự trữ tài sản, tăng giá trị vốn và lợi nhuận đến từ thu nhập. Trong bối cảnh lợi suất của các tài sản thu nhập cố định đã và đang giảm, nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến thu nhập và tiềm năng tăng giá thuê của các dự án bất động sản”, ông ông Matthew Powell cho biết.
Tương quan giá trị bất động sản trên thế giới. Nguồn: Savills.
Với thị trường bất động sản, theo đại diện Savills, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng bất động sản trong khu vực năm 2019. Với tiềm năng khổng lồ, triển vọng kinh tế vĩ mô và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng, thị trường này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phân khúc bất động sản khác nhau.
“Thị trường nhà ở, được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, và lợi suất cho thuê cao nhất trong khu vực. Mặt khác, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM vẫn giữ vị trí là một trong những phân khúc bất động sản thu hút nhất trong khu vực.
Với công suất cho thuế cao mức kỷ lục, nguồn cung mới hạn chế và nhu cầu thuê lớn đã góp phần làm nên mức tăng trưởng hấp dẫn của giá thuê. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu đầu tư trong phân khúc văn phòng duy trì ở mức cao khi thị trường tiếp tục trưởng thành”, ông Matthew Powell chia sẻ.
Ngoài ra, theo Savills, các phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp của Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.