Mẫu số chung: Hạ tầng tốt
Khoảng 10 năm gần đây, phía Tây luôn là tâm điểm của thị trường bất động sản Thủ đô. Hầu hết các phân khúc như, từ nhà ở (gồm căn hộ chung cư, nhà ở gắn liền với đất), văn phòng cho thuê, đến mặt bằng bán lẻ, shophouse, thậm chí cả bất động sản nghỉ dưỡng đều tụ hội về đây.
Quỹ đất lớn và hạ tầng hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông được cho là bước đệm cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường phía Tây trong 10 năm qua. Các tuyến đường trọng yếu như đường Tố Hữu nối khu vực quận Hà Đông với các quận nội thành; Đại Lộ Thăng Long kết nối với Hòa Bình; Quốc lộ 32 kết nối với các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì và tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, còn hàng loạt tuyến đường quan trọng cũng được hoàn thiện, nâng cấp, như đường Vành đai 3, đường Trung Văn, đường Trần Hữu Dực… Đặc biệt, đây cũng là khu vực sở hữu tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội đang dần hoàn thiện.
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong quý III/2018, có gần 5.000 căn hộ được chào bán từ 24 dự án trên toàn thị trường Hà Nội. Trong đó, các dự án nằm tại khu vực phía Tây và Nam chiếm hơn 70% nguồn cung mở bán mới trong quý.
Long Biên đang có tốc độ phát triển nhanh
Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, thị trường bất động sản TP.HCM đi trước thị trường bất động sản Hà Nội khoảng 3 - 5 năm. Do đó, nhìn vào cách thức ”khôn lớn” của thị trường phía Nam, cũng có thể dự đoán tương đối về câu chuyện phát triển của thị trường phía Bắc.
Có lẽ điều này cũng đang diễn ra tương tự, nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Dường như tại thị trường Thủ đô, khu Đông đang sắm vai Hà Nội, còn khu Tây đang tương tự TP.HCM, tức khu Tây có bước phát triển trước, sau đó chuyển hướng sang khu Tây.
Sau một thời gian dài khá trầm lắng, khu Đông Hà Nội, đặc biệt là Long Biên đang cho thấy những bước chuyển mình rõ rệt.
Tương tự như khu Tây, khu Đông đang sở hữu một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt. Đặc biệt, nếu trước đây, việc nằm bên kia của dòng sông Hồng khiến nhiều người nảy sinh tâm lý e ngại, thì nay, với việc không gian đô thị lan nhanh, mạnh ra các khu vực vùng ven, khu Đông Hà Nội cũng đang thụ hưởng nhiều điều, nhất là thị trường địa ốc.
Vinhomes Reverside, từ khu đất sình lầy trở thành nơi hội tụ của giới thượng lưu
Đã có nhiều hơn các cây cầu bắc qua sông Hồng, việc di chuyển cũng thuận lợi hơn nhiều. Nếu trước đây chỉ có hai cây cầu là Chương Dương, Thăng Long, thì nay, là hàng loạt cây cầu như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân... Các tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 5A, 5B, 1A, 1B, đường Vành đai 3 đều gắn chặt với khu vực này.
Đặc biệt, với việc khu Đông mới nổi lên với hàng loạt siêu dự án đô thị, trung tâm thương mại..., đã khiến khu vực này trở nên thực sự sôi động.
Cảm giác xa ngái trước đây cũng dần bị xóa bỏ. Nói như một môi giới lâu năm nhận xét: “Nếu trước đây người ta không mặn mà với khu vực phía Đông, gồm Long Biên, Gia Lâm và một phần Đông Anh, vì bị coi là rìa thành phố, thì nay, tâm lý này gần như không còn nữa. Thậm chí, nhiều người còn tán tụng rằng, Long Biên là mảnh đất quý, giúp người ở phát tài theo quan điểm về phong thủy...".
Sức nóng tăng dần
Khu Đông Hà Nội đang là nơi quy tụ hàng loạt dự án lớn. Đầu tiên, không thể phủ nhận vai trò tiên phong và hiệu ứng lan tỏa từ chủ đầu tư Vingroup khi đã biến một vùng sình lầy thành một khu đô thị đáng sống bậc nhất Thủ đô, đó là Khu đô thị Vinhomes Riverside.
Tiếp sau Vingroup, hàng loạt dự án nhà ở, trung tâm thương mại quy mô lớn khác cũng dồn về đây như Siêu thị Aon Mall (Nhật Bản), Big C-Savico Mega Mall, Eurowindow với Eurowindow Riverpark, Him Lam với Dự án Him Lam Thạch Bàn, Him Lam Vĩnh Tuy, hay MIK Group với Dự án Valencia Garden, chủ đầu tư Khai Sơn với dự án Khai Sơn Hill…
Không gian sống xanh tại Valencia Garden
Dự án gây thanh thế lớn nhất mới được chào sân gần đây, không thể không kể đến VinCity Ocean Park (Gia Lâm). Dự án có quy mô 420 ha với 4 phân khu cao tầng và hàng nghìn căn hộ, nhà phố, trường học, văn phòng… Đại đô thị này đã phả một sức nóng dữ dội vào thị trường bất động sản khu Đông và thậm chí cả thị trường Hà Nội.
Nhìn nhận về tiềm năng của thị trường bất động sản phía Đông, ông Chu Thanh Hiếu, Chủ tịch MIK Home, đơn vị từng rất thành công với Dự án Valencia Garden cho biết: “Tôi tin rằng, phía Đông Hà Nội còn nhiều dư địa tăng trưởng vì hạ tầng được phát triển nhiều, bài bản hơn, chứ không bị manh mún như nhiều khu vực khác. Hiện tại, khu Đông cũng được kết nối tốt với các khu vực còn lại bởi hệ thống các cây cầu. Phía Đông có thể sẽ phát triển mạnh do chưa có nhiều dự án, trong khi phía Tây đã quá quá nhiều dự án, hạ tầng đã không còn đáp ứng được”.
Coi Long Biên là mảnh đất rồng thiêng, chủ đầu tư Khai Sơn cũng đưa ra những quan điểm và lý lẽ riêng khi phát triển Dự án Khai Sơn Hill. Ông Trần Quang Khai, Chủ tịch Tập đoàn Khai Sơn chia sẻ, do từng sống trên đất Mỹ, nên ông muốn kiến tạo Khai Sơn Hill với phong cách sống Mỹ về Việt Nam.
Ngoài ra, có thể kể đến sự tề tựu của nhiều dự án bất động sản khác tại khu Đông Hà Nội như Miper Riverside, Berrive Long Biên, Hanoi Garden City và đặc biệt là hai dự án lớn là Việt Hưng và Đặng Xá…
Không chỉ sở hữu nhiều dự án lớn, khu vực này còn sở hữu một hệ thống trường quốc tế, công lập uy tín, góp phần hoàn thiện hạ tầng xã hội cho cả khu vực. Có thể kể đến Trường quốc tế Anh BIS, quốc tế Pháp Alexander Yersin và Wellspring, hệ thống trường công lập như Thạch Bàn, Việt Hưng, Đức Giang, Nguyễn Gia Thiều.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt cho Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) lập quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị tại phường Đức Giang và phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Khu chức năng đô thị này có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 13,42 ha, với quy mô dân số khoảng 1.300 người.
Với việc liên tục thu hút về mình sự chú ý của các tên tuổi lớn của ngành địa ốc, nhiều người đang tin về một tương lai gần, Long Biên sẽ không còn xa ngái…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com