Tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hóa” do Tạp chí TheLEADER tổ chức ngày 10/5, các chuyên gia cho biết, nếu như những năm trước đây, nguồn cung tại thị trường Thanh Hóa chủ yếu đến từ phân khúc đất nền, đất đấu giá thì chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương này đã bắt đầu đón nguồn cung dồi dào từ các dự án quy mô lớn, đa dạng loại hình sản phẩm ở phân khúc cao cấp, mang đến bộ mặt và tầm vóc mới cho thị trường.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, dù ngay trong thời điểm thị trường chung trầm lắng vì dịch bệnh, các dự án dự án được chào bán tại Thanh Hoá vẫn có tỷ lệ hấp thụ bình quân 40-60%. Giá bất động sản tại các khu vực ghi nhận thông tin tích cực về quy hoạch như Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa... tăng trưởng tốt. Thậm chí, một số địa phương đã tăng giá gấp 3 lần trong vài năm qua.
Cũng bởi vậy, bất động sản xứ Thanh trở thành "sân chơi" lớn cho giới đầu tư từ nhiều tỉnh, thành cả nước, đặc biệt khi địa phương này quy tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu với những dự án quy mô lớn, được đầu tư bài bản. Chẳng hạn, với ý tưởng mang cả “hệ sinh thái” về xứ Thanh, Vingroup đã mang đến Thanh Hóa các dự án Vincom, Vinpearl, đặc biệt là dự án Vinhomes starcity được định vị như một “châu Âu thu nhỏ".
Trong khi đó, Sun Group cũng đang dần hiện diện tại đây với hệ sinh thái đầy đủ lĩnh vực từ du lịch, giải trí, thương mại đến nghỉ dưỡng, với nhiều loại hình du lịch biển, sông, khoáng nóng... kết nối nhiều điểm du lịch nổi tiếng xứ Thanh như Sầm Sơn, Quảng Xương, Như Thanh...
Thêm vào đó, Eurowindow đã đầu tư xây dựng Khu đô thị Eurowindow Park City tại ngã tư vòng xuyến chim Hồng Hạc - vị trí đắc địa bậc nhất TP. Thanh Hoá với mặt tiền là hai đại lộ lớn Nguyễn Hoàng và Hùng Vương. Ngoài ra, còn có nhiều dự án, mô hình đẳng cấp khác của flamingo; TNG Holdings Việt Nam; Tập Đoàn Sao Mai An Giang; Tập đoàn BRG; Tập đoàn Sunshine Group; T&T Group….
Ông Nguyễn Văn Biên – Tổng giám đốc Công ty Coreland cho biết, sự phát triển vượt bậc về chất với sự xuất hiện của các đại đô thị tỷ đô nối nhau khai phá thị trường bất động sản Thanh Hoá kéo theo đà tăng giá trị bất động sản khu vực. Đơn cử, Khu đô thị Vinhome Star City đã kéo giá các mặt bằng kế cận như dự án mặt bằng 199 từ mức 12 triệu đồng/m2 năm 2017 lên đến khoảng 36 - 41 triệu đồng/m2 vào thời điểm hiện tại. Ngoài ra, thông tin Sun Onsen triển khai tại Quảng Xương đã khiến cho bất động sản thiết lập mặt bằng giá mới từ mức 6 - 8 triệu đồng/m2 lên 10 - 11 triệu đồng/m2.
“So sánh với trước đây, Thanh Hóa đang chuyển mình từ cô gái thôn quê thành cô gái sành điệu, đầy quyến rũ đối với các chàng trai si tình”, ông Biên ví von.
Theo Nghị quyết 58 Bộ Chính trị, định hướng Thanh Hóa sẽ là trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo. Chính vì thế, trong thời gian qua, Thanh Hóa đang chú trọng đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Với tốc độ đầu tư rất mạnh mẽ của tỉnh Thanh Hóa từ nay đến năm 2025, rất nhiều tuyến đường giao thông được chú trọng phát triển như tuyến đường Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam. Cảng Nghi Sơn cũng sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn 1A để có thể tiếp đón công suất lên 5.000 tấn và sân bay Thọ Xuân cũng được nâng công suất lên sân bay quốc tế để đón 5 triệu khách cho đến năm 2030.
Ông Lê Đình Trung, Phó tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, Thanh Hóa cũng có các cơ chế đặc thù để tăng ngân sách và thu hút vốn đầu tư. Dựa trên những định hướng đầu tư, định hướng đề xuất, Thanh Hoá được điều chỉnh và ban hành thêm một số loại phí, và ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ phí, lệ phí... cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, kéo theo việc Thanh Hóa chủ động với cơ chế kêu gọi vốn đầu tư vào địa phương này.
“Đặc biệt, nghị quyết tỉnh Thanh Hoá được đề xuất hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công để đầu tư hạ tầng, kinh tế của tỉnh. Đề xuất này tương tự chính sách đang áp dụng với TP.HCM. Đây là một trong những cơ chế giúp tỉnh có thêm nguồn ngân sách để đầu tư công”, ông Trung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Trung cũng lưu ý một số vấn đề mà Thanh Hóa đang gặp phải, trong đó là văn hóa làm việc cục bộ - chỉ người trong đó mới có thể giải quyết, đa cầu – tức là phải qua nhiều cầu nối, dẫn tới tình trạng đa chi phí, tốn thời gian, lại thiếu hiệu quả. Điều tiếp theo là về quy hoạch, đa dạng nên thiếu chiều sâu, đơn cử, khu công nghiệp rải rác, không có liên kết hỗ trợ, dịch vụ phụ trợ tốt như Bắc Ninh hay Bắc Giang. Chưa kể, mặc dù có tiềm năng nhưng về phát triển nghỉ dưỡng, thì Thanh Hóa lại kém xa Quảng Ninh trong vài năm trở lại đây khi mức độ khai thác mùa thấp, ít khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổng giám đốc RB Land, năm 2021 - 2022, thị trường Thanh Hóa gặp các vấn đề như việc tham gia đấu giá của các nhà đầu tư rất “fomo”. Năm 2018 - 2019, một dự án đầu giá chênh 10 - 20% so với giá khởi điểm là có thể trúng. Tuy nhiên, 2020 - 2021, giá khởi điểm 5 triệu thì giá trúng có thể tăng 50 - 70%, thậm chí gấp 2 – 3 lần. Các đội đầu tư đấu giá tăng cao rồi đua nhau bỏ cọc, có những huyện ở Thanh Hoá, số tiền bỏ cọc lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù các cuộc đấu giá được tổ chức rất nhiều, tốt cho ngân sách của tỉnh, nhưng nhiều người phải đặt nhiều câu hỏi về cơ hội dài hạn với các nhà đầu tư chuyên nghiệp khi thiếu hụt các sản phẩm đầu tư chất lượng cao so với nhiều tỉnh khác. Có nhiều dự án đấu giá xong, sang tay với nhà đầu tư khác rồi bỏ hoang, không san lập, không triển khai không mang tới giá trị dài hạn.
“Do đó, tôi nhìn nhận thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng còn nhiều hạn chế trong ngắn hạn, đặc biệt các nhà đầu tư lướt sóng 1 2 năm rất rủi ro” ông Ngọc nhấn mạnh.