Tây Nguyên đã và đang là điểm đến thu hút vốn đầu tư bất động sản mới. Trong ảnh: TP. Pleiku (Gia Lai)

Tây Nguyên đã và đang là điểm đến thu hút vốn đầu tư bất động sản mới. Trong ảnh: TP. Pleiku (Gia Lai)

Bất động sản Tây Nguyên vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Bất động sản đại ngàn Tây Nguyên dần được đánh thức, khi nhiều “ông lớn” quyết định rót vốn vào vùng đất này.

Tăng nóng

Những tháng đầu năm 2022, cơn sốt đất trỗi dậy khắp địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, từ thủ phủ Buôn Ma Thuột, đến TP. Pleiku, qua Gia Nghĩa, rồi đến Lâm Đồng, những câu chuyện về mua bán, chuyển nhượng đất trở thành chủ đề nóng của nhiều người. Chưa bao giờ bất động sản Tây Nguyên tăng giá bất thường như thời gian qua. Các địa phương buộc phải ban hành văn bản yêu cầu kiểm soát thị trường bất động sản.

Thực tế, bất động sản ở Tây Nguyên rục rịch tăng giá khi các dự án giao thông trọng điểm bắt đầu được xúc tiến. Chẳng hạn, Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I (có chiều dài gần 118 km, tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng) dù đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, nhưng giá đất nhiều khu vực tại Đắk Lắk đã tăng lên gấp nhiều lần. Nếu năm 2021, hệ thống văn phòng đăng ký đất đai của tỉnh này tiếp nhận và xử lý 298.176 hồ sơ giao dịch về quyền sử dụng đất, thì riêng 3 tháng đầu năm 2022 đã tiếp nhận 102.697 hồ sơ giao dịch, bằng 174% so với cùng kỳ năm 2021.

Hay tại Đắk Nông, Dự án đường cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) chỉ mới được đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021-2025. Dẫu vậy, giới đầu cơ đất đã lợi dụng thông tin này để quảng cáo rầm rộ về khả năng sinh lợi cao của bất động sản khi có tuyến cao tốc, khiến giá đất tại nhiều địa phương tăng cao.

Ngoài ăn theo dự án, một lý do khác khiến bất động sản các tỉnh Tây Nguyên tăng trưởng nóng chính là sự đổ về của những “con sếu lớn”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau nhiều năm, dư địa phát triển bất động sản ở các đô thị lớn gần như cạn kiệt do quỹ đất không còn nhiều. Trong khi đó, với nhiều tiềm năng, Tây Nguyên trở thành vùng đất mới nổi để phát triển các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp. Vì vậy, vùng đất đại ngàn đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều “sếu đầu đàn” về đầu tư bất động sản.

Với nhiều tiềm năng, Tây Nguyên trở thành vùng đất mới nổi để phát triển các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp. Vì vậy, vùng đất đại ngàn đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều ”sếu đầu đàn” về đầu tư bất động sản.

Tại Đắk Lắk, Tập đoàn T&T đã đề xuất thực hiện 5 dự án trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, gồm Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam với quy mô 51,67 ha; Tổ hợp Khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại và Nhà ở thương mại (42.645 m2); Khu biệt thự Ea Kao (46,14 ha); Khu sân golf hồ Ea Kao (76,7 ha); Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.

Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã lấn sân vào lĩnh vực bất động sản khi đầu tư Dự án Thành phố Cà phê quy mô 45,45 ha tại TP. Buôn Ma Thuột. Dự án tạo được ấn tượng khi có không gian kiến trúc độc đáo, với công trình Bảo tàng Thế giới Cà phê thu hút trên một triệu lượt khách tham quan trong thời gian qua.

Bên cạnh dự án trên, Trung Nguyên Legend còn sở hữu một số dự án bất động sản du lịch đang được triển khai tại Đắk Lắk như Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng (huyện Krông Na), Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H’Lâm, hay Dự án du lịch ở khu thác Draynur cách trung tâm Buôn Ma Thuột khoảng 30 km.

Loạt “ông lớn” bất động sản cũng đến Đắk Nông khảo sát đầu tư dự án. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương đã đề xuất khảo sát, xin chủ trương đầu tư 4 dự án, gồm: tổ hợp Boxit - Alumin - Nhôm Đắk Glong; Dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2; tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP. Gia Nghĩa.

Trong khi đó, Novaland cũng báo cáo ý tưởng quy hoạch khu vực huyện Đắk Glong và Vườn quốc gia Tà Đùng, với dự án khu du lịch quy mô 23.500 ha. Tập đoàn T&T đề xuất ý tưởng đầu tư Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R’tíh (TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông) có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD…

Đô thị bản sắc

Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 5, TS. Trần Du Lịch nhận định, Gia Lai nói riêng và các địa phương Tây Nguyên còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là trong phát triển các khu đô thị. Gia Lai vẫn còn quỹ đất lớn, có nhiều danh lam thắng cảnh và những giá trị văn hoá đặc sắc. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối Tây Nguyên về hướng biển và ba nước Đông Dương.

Việc các địa phương Tây Nguyên quan tâm đầu tư vào hạ tầng giao thông sẽ tạo đột phá rất lớn phát triển các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là thu hút được dòng vốn đầu tư vào bất động sản. Trong hội nghị nêu trên, Gia Lai trao quyết định chủ trương đầu tư cho nhiều dự án bất động sản như Dự án Suối HP FBS, tổng vốn đầu tư 336 tỷ đồng của Công ty cổ phần tài chính và Phát triển doanh nghiệp; Dự án đường Lý Tự Trọng, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng của Công ty TNHH Tây Bắc Gia Lai…

“Với dư địa còn nhiều, việc phát triển các khu đô thị ở Gia Lai sẽ tạo động lực lớn cho phát triển. Tuy nhiên, phải hình thành được những khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng bản sắc, để nhắc đến Gia Lai là nhắc đến thương hiệu Gia Lai xanh”, TS. Trần Du Lịch đề xuất.

Hướng đến phát triển đô thị có bản sắc đang là ưu tiên của nhiều địa phương Tây Nguyên. Tại Hội thảo Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” mới đây, các chuyên gia cho rằng, trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị.

Theo PGS-TS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), TP. Buôn Ma Thuột cần tránh chạy theo việc mở rộng địa giới mà phá vỡ quy hoạch vốn có. Phát triển đô thị một cách mạnh mẽ nếu không được kiểm soát tốt thì sẽ gây ra tác hại ngược.

PGS-TS. Lưu Đức Cường cho rằng, việc lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành đô thị có thương hiệu với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch..., có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế là rất cần thiết và cấp bách. Vì vậy, với lợi thế riêng có, định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa bản địa đặc sắc… sẽ mang lại nhiều giá trị cho thủ phủ Tây Nguyên.

Các địa phương Tây Nguyên cũng dành nhiều quỹ đất trong kế hoạch phát triển nhà ở, mở ra nhiều dư địa cho đầu tư, phát triển đô thị. Tại Đắk Lắk, trong giai đoạn mới, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%; xây dựng 21 đô thị, gồm một đô thị loại I là TP. Buôn Ma Thuột, một đô thị loại III là thị xã Buôn Hồ; 5 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V.

Còn Đắk Nông đã ban hành danh mục 22 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn năm 2022, với tổng mức đầu tư 67.804 tỷ đồng. Chỉ riêng 10 dự án bất động sản và thương mại trong danh sách này đã có quy mô gần 67.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Đáng chú ý nhất có Dự án Khu đô thị Lửa và Nước Đắk Rtik tại TP. Gia Nghĩa, diện tích hơn 752 ha, có tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng. Tại TP. Gia Nghĩa còn có Khu đô thị Thung lũng xanh Nghĩa Phú có tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng; Khu đô thị cửa ngõ Nghĩa Phú với hơn 8.662 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung với tổng vốn dự kiến 500 - 700 tỷ đồng…

Trong khi đó, quỹ đất phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 1.416 ha. Trong đó, quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 995,62 ha; quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 53,5 ha; quỹ đất phát triển nhà ở cho các hộ thuộc diện tái định cư khoảng 75,4 ha và quỹ đất phát triển nhà ở riêng lẻ dân tự xây khoảng 292 ha.

Với quỹ đất dồi dào, nhiều tiềm năng và được định hướng phát triển một cách bài bản, các địa phương Tây Nguyên đang trở thành thị trường mới nổi của bất động sản.

Tin bài liên quan