Các chuyên gia nhận định, thị trường khu vực Điện Bàn khó có thể xuất hiện sốt đất dồn dập như trước đây khi mà giới đầu tư cá mập đã tháo chạy

Các chuyên gia nhận định, thị trường khu vực Điện Bàn khó có thể xuất hiện sốt đất dồn dập như trước đây khi mà giới đầu tư cá mập đã tháo chạy

Bất động sản Quảng Nam khó kỳ vọng vào sóng cuối năm

(ĐTCK) Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản Quảng Nam liên tục xuất hiện các dự án mới mở bán. Cùng với đó, giới đầu tư kỳ vọng sẽ có đợt sóng mới xuất hiện sau một năm tương đối ảm đạm.

Dự án cũ và mới đều ra hàng

Nổi bật trong số các dự án được mở bán vào thời điểm cuối năm tại Quảng Nam - Đà Nẵng là dự án One World Regency. Dự án này được Đất Xanh Miền Trung giới thiệu ra thị trường vào ngày 3/11 nhân buổi tọa đàm về đầu tư thị trường bất động sản “Dịch chuyển đầu tư, đón đầu xu thế bất động sản mới 2020”.

Dự án trước đây có tên Đất Quảng Riverside, do Tập đoàn Đất Quảng làm chủ đầu tư và Đất Xanh Miền Trung là đơn vị hợp tác phát triển dự án, với quy mô hơn 20 ha, bao gồm các sản phẩm biệt thự và đất nền phân lô. Điểm đáng chú ý của dự án đó là vị trí view sông Cổ Cò đoạn có nước chảy qua, đối diện Cocobay và sát lưng Khu đô thị số 6 (quy hoạch Đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc).

Hiện nay, hạ tầng dự án tương đối đồng bộ và hoàn thiện ở các phân khu biệt thự ven sông, còn các phân khu bên trong (sát khu đô thị số 6 và 7B mở rộng), công tác triển khai hạ tầng vẫn chưa được thực hiện (một số phân khu vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng). Tuy vậy, với những lợi thế về hạ tầng, vị trí, cũng như uy tín của đơn vị phát triển, dự án đã nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và khách hàng từ trước buổi giới thiệu.

Bất động sản Quảng Nam khó kỳ vọng vào sóng cuối năm ảnh 1

Khu đô thị số 6 là một trong số ít dự án hiếm hoi đã hoàn thiện về hạ tầng, pháp lý tại quy hoạch Khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc

Trước đó, vào ngày 13/10, Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư bất động sản An Quốc (An Quoc Realty) cùng 2 đơn vị đối tác là Thịnh Khang Land và MSH miền Trung đã tổ chức lễ ra mắt và giới thiệu dự án Apollo Center. Dự án này còn có tên gọi khác là Khu đô thị Ánh Dương (phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ An Dương làm chủ đầu tư. Dự án có vị trí sát Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, với quy mô 7 ha. Dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ đầu năm 2019 và đang trong quá trình thi công hạ tầng…

Cũng trong tháng 10, Tập đoàn Hoàng Gia Hội An đã tổ chức lễ giới thiệu dự án Shantira Beach Resort & Spa (hay còn gọi là Shantira Hội An, thuộc thôn 1, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và ký kết hợp tác chiến lược với RealPlus làm tổng đại lý phân phối chính thức các sản phẩm dự án Shantira Hội An. Với vai trò là tổng đại lý, RealPlus cũng tiến hành ký kết hợp tác phân phối chiến lược với các đại lý thành viên như Savills, Mland, Hồng Đức Land, Thu Thiem Real, VinaPlace, Lalaland… Dự án này được chủ đầu tư giao cho một số sàn bất động sản nhỏ tại Đà Nẵng phân phối. Dự án bao gồm 2 sản phẩm chính là condotel và biệt thự ven biển.

Ký gửi nhiều, mua vào lẻ tẻ

Trong những ngày giữa tháng 11, tại khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc xuất hiện nhiều khách hàng và nhà đầu tư ra vào tham quan các dự án. Các kios bất động sản tại đây từ lâu đóng cửa im lìm cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại. Số lượng nhân viên môi giới xuất hiện tại các dự án cũng nhiều hơn. Điều này khiến nhiều người kỳ vọng vào một “đợt sóng” mới xuất hiện trở lại tại thị trường Quảng Nam.

Anh Nguyễn Hải Nam, chủ một kios nhà đất tại khu vực dự án Khu đô thị 7B cho biết, phần lớn nhà đầu tư và khách hàng xuất hiện ở Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc trong thời gian này là do tâm lý kỳ vọng vào đợt sốt đất cuối năm như mọi khi. Thực tế, họ không có nhu cầu mua mới sản phẩm bất động sản, mà chỉ hy vọng có “sóng” để ra hàng những sản phẩm đang bị “mắc kẹt” vì mua ở những dự án bị vướng về mặt pháp lý, hoặc mua ở những dự án đã có sổ đỏ cho từng lô nhưng khi “ôm vào” với giá quá cao nên hy vọng bán cắt lỗ thu tiền về.

Cũng theo anh Nam, hiện nay khách đang ký gửi lại kios của anh rất nhiều sản phẩm tại các dự án ở đây như Khu đô thị 7B, 7B mở rộng, Khu đô thị số 11, Khu đô thị số 6, Hera Complex… với giá khoảng 15 - 18 triệu đồng/m2. Đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với thời gian đầu năm, thời điểm giá đất tại Điện Nam - Điện Ngọc bị đẩy lên đến 22 - 25 triệu đồng/m2.

“Người hỏi mua thì ít mà người ký gửi để bán lại thì nhiều. Khách hỏi mua thì chỉ tập trung những dự án đã ra được sổ đỏ hay pháp lý đã ổn như 7B, Khu đô thị số 6. Còn những dự án hạ tầng dang dở, pháp lý bị vướng, không ra được sổ như Khu đô thị số 11, Hera Complex thì toàn là khách ký gửi nhờ bán giúp. Ký gửi thì nhiều nhưng kỳ thực giao dịch rất ít”, anh Nam cho biết.

Bất động sản Quảng Nam khó kỳ vọng vào sóng cuối năm ảnh 2

Các sản phẩm bất động sản được ký gửi tại Điện Bàn tập trung ở những dự án đã được đẩy giá lên quá cao nhưng chưa ra được sổ đỏ

Ông Lê Minh Kha, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ariyana nhận định, mặc dù có nhiều sự kiện ra mắt, giới thiệu các dự án liên tục, nhưng thị trường khu vực thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cũng như một số khu vực vùng ven Tây Bắc Đà Nẵng sẽ còn trầm lắng trong thời gian dài và chưa thể “hồi sinh” sớm lại. Nguyên nhân là vì trước đó giá bán đã bị đẩy lên quá cao, vượt giá trị thực. Trong khi phần lớn các dự án này đều được chủ đầu tư thực hiện bằng kênh huy động vốn lách luật (bằng phương thức đặt cọc, giữ chỗ) ngay khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán, hạ tầng thi công chưa hoàn chỉnh. Thậm chí, có dự án chưa hoàn thành xong thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để được giao đất và thi công hạ tầng.

Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam tại văn bản 473/SXD-QLHT ngày 27/4/2018 quy định về việc huy động vốn cho các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn nêu rõ, chủ đầu tư các dự án không được áp dụng hình thức huy động vốn để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn.

Một nguyên nhân nữa khiến thị trường tại đây sẽ khó có thể “nổi sóng” lần hai là do nhóm các nhà đầu tư “cá mập” đã “ra hết hàng” và tháo chạy ngay khi họ nhận thấy giá đất đã đạt đến mức trần và khó lên cao hơn nữa trong trung hạn.

“Những nhà đầu tư này sẽ không tắm hai lần trên một dòng sông, nên chắc chắn họ không quay lại nữa. Đầu tư đất nền nên chọn những khu vực hạ tầng dân cư đảm bảo, có thể đáp ứng việc hình thành khu dân cư và tính toán giá trị lợi nhuận trong dài hạn chứ nếu khách hàng mua chỉ để kỳ vọng lướt sóng thì không nên”, ông Kha đưa ra lời khuyên.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan