Cảnh báo dự án “bánh vẽ”
Vừa qua, thị trường bất động sản TP.HCM xôn xao việc UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM phát đi thông báo cảnh báo hoạt động mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo tại tổ 5, khu phố 6, liên quan đến hai doanh nghiệp bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư Angle Lina và Công ty Bất động sản Hoàng Ân Group.
Cụ thể, theo thông báo của UBND phường Linh Trung, không có dự án nhà ở nào trong khu vực tổ 5, khu phố 6. Khu đất mà Công ty Angle Lina và Hoàng Ân Group rao bán nằm trong quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM, đang đợi thực hiện các chính sách giải tỏa đền bù.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung cho biết, khi phát hiện vụ việc, phường đã có công văn thông báo đến toàn thể cư dân được biết để tránh bị lừa. Bên cạnh đó, phường đã báo cáo vụ việc lên quận và hiện cơ quan an ninh của quận đang vào cuộc điều tra.
“Họ tự vẽ dự án khu dân cư rồi đem bán với giá rẻ, nhằm thu hút nhiều người vào mua. Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp, nhằm lấy tiền của những người dân thiếu thông tin về dự án”, ông Hưng nói và nhấn mạnh, người dân không nên mua dự án này, nếu ai đã mua thì đem hợp đồng đến phường để phối hợp làm việc cùng cơ quan chức năng, tránh bị lừa.
Tương tự, tại buổi họp báo liên quan đến việc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) quảng cáo phân lô, bán nền tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai chưa ban hành quy định liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất để Công ty Alibaba thực hiện dự án bất động sản.
Khách hàng có nhu cầu mua nên thông qua chính quyền để tìm hiểu nguồn gốc đất có phù hợp với quy hoạch khu dân cư không
Cũng tại buổi họp này, thượng tá Trần Hùng Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, hoạt động của công ty này trong thời gian vừa qua đã có dấu hiệu vi phạm luật đất đai và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào của người dân liên quan đến Công ty Alibaba.
Về việc xử lý vi phạm liên quan đến hành vi quảng cáo, phân lô, bán nền của Công ty Alibaba, ông Chánh cho biết, UBND huyện Long Thành đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp; UBND xã Long Phước đã lập biên bản đình chỉ thi công 1 trường hợp; UBND xã Phước Bình đã lập biên bản và ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp…
“Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Long Thành và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là đối với các khu đất nêu trên”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, sau khi UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo để thông tin đất đai liên quan đến việc Công ty Alibaba quảng cáo phân lô, bán nền, thì việc mua bán tại các dự án này đã không còn rầm rộ như trước. Tuy nhiên, các nhân viên môi giới của công ty này vẫn quảng cáo và chào mời khách hàng.
Làm gì để nhận biết
Đây không phải là những dự án bánh vẽ đầu tiên xuất hiện trên thị trường bất động sản phía Nam. Trước đó, đã có nhiều cái tên khiến giới đầu tư bất động sản tại khu vực phía Nam không khỏi ngao ngán như: Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thiên Phúc…
Tại các dự án này có một điểm chung là khi vụ việc đã vỡ lở, chủ đầu tư né tránh hay đã bỏ trốn, thì khách hàng chỉ biết khóc ròng kêu cứu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng…
Theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, để tránh mất tiền oan khi đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư phải đáp ứng một trong 3 tiêu chí là làm chủ phân khúc, làm chủ khu vực và làm chủ chiến lược.
Cụ thể, trên thị trường hiện nay có rất nhiều phân khúc khác nhau như đất nền, nhà phố, căn hộ, condotel..., nhà đầu tư chọn phân khúc nào cũng được, nhưng phải là phân khúc mình biết rõ.
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao thì phải làm chủ được thông tin tại khu vực mà mình biết, khi đó việc định giá sản phẩm sẽ dễ dàng và quyết định xuống tiền cũng nhất nhanh.
“Chúng ta phải xác định một điều rằng, khi đầu tư vào bất động sản là phải lời lúc mua chứ không phải lời lúc bán”, ông Chánh nhấn mạnh.
Còn theo bà Trần Thị Hương, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, thông qua ngân hàng là cách kiểm tra dự án tốt nhất, bởi dự án có “ok” thì ngân hàng mới đứng ra bảo lãnh và cho vay. Tuy nhiên, những dự án nhỏ lẻ ở tỉnh thì ít được ngân hàng bảo lãnh và cho vay, nên cần phải tìm đến những nơi đã có sổ.
“Khi xem xét mua đất nền dự án, khách hàng cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá khu vực, nếu giá rẻ hơn cần cảnh giác. Ngoài kiểm tra pháp lý dự án, người mua cũng nên đến xem đất trực tiếp, sau khi xác định vị trí lô đất thì đến cơ quan hành chính địa phương xem bản đồ quy hoạch có khớp với thông tin dự án như môi giới quảng cáo hay không”, bà Hương nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, có nhiều cách để nhận diện những dự án bất động sản đang có vấn đề mà nhà đầu tư cần tránh, như chủ đầu tư không thực hiện việc công bố thông tin về dự án.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, nội dung thông tin về bất động sản mà chủ đầu tư phải công bố bao gồm: Loại bất động sản; vị trí bất động sản; thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản; quy mô dự án; đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của dự án; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư; hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản.
Vấn đề thứ hai mà các nhà đầu tư cần lưu ý trước khi quyết định xuống tiền là yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ của chủ đầu tư, cũng như của dự án bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định ủy quyền ký hợp đồng mua bán nhà...; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy hoạch 1/500 và bản sao hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng thương mại cho bên mua nếu có…
“Khi nhận thấy chủ đầu tư không cung cấp được những tài liệu trên, người mua nhà nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ lưỡng và có thể hỏi ý kiến tư vấn các chuyên gia bất động sản, các luật sư về bất động sản trước khi quyết định ký kết hợp đồng và thanh toán tiền”, luật sư Trần Văn Duẩn nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com