Trước đây, nhiều người mua nhà ngại ra ở xa trung tâm bởi sự bất tiện về giao thông, nên định hướng tìm những dự án gần trung tâm, dù phải giá cao hơn rất nhiều. Nếu không đủ tiềm lực tài chính, khách hàng cũng hướng tới việc thuê nhà để ở vì tiện cho việc đi làm hoặc sinh hoạt của con cái hơn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng giao thông đã làm thay đổi xu hướng của người mua nhà.
Dẫn đường cho sự phát triển của các dự án bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội là tuyến đường cao tốc đô thị dài và thuộc diện hiện đại bậc nhất Việt Nam - Đại lộ Thăng Long. Trong vòng 2 năm trở lại đây, khu vực này liên tục nổi sóng với sự hiện diện của nhiều dự án lớn như Vinhomes Thăng Long của Vingroup, D'Capitale của Tân Hoàng Minh, Mỹ Đình Pearl của Tập đoàn SSG, dự án Nam An Khánh, Bắc An Khánh…
Quanh Đại lộ Thăng Long, khu vực Mễ Trĩ (Nam Từ Liêm) đang được quy hoạch mở rộng lên khoảng 55 ha để tiếp nhận trụ sở hàng loạt cơ quan bộ, ngành di dời về đây để hình thành lên trung tâm hành chính ở khu vực này.
Song song với Đại lộ Thăng Long về phía Tây Nam là dọc trục đường Tố Hữu. Không tạo sốt như sự thay đổi về quy hoạch, nhưng 2 tuyến giao thông quan trọng này lại mang lại hiệu ứng tốt cho nhiều dự án bất động sản khi xóa nhòa cảm giác "ở gần, ở xa" của người mua nhà.
Ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều dự án tại khu vực này được mở bán trong thời gian vừa qua với mức giá khá cao, nhưng có thanh khoản tốt như Anland Complex thuộc Khu đô thị Dương Nội, nằm trên đường Tố Hữu (Hà Đông) của Nam Cường, dự án VOV Mễ Trì… Ngoài ra, sắp tới đây, khu vực này cũng xuất hiện thêm hàng chục dự án lớn nhỏ khác nhau.
Còn tại phía Nam Hà Nội, sau khoảng 2 - 3 năm chững lại vì những lo ngại áp lực hạ tầng giao thông, gần đây, nhiều dự tại khu vực này cũng bắt đầu nổi sóng nhờ sự cải thiện về hạ tầng.
Chẳng hạn, đầu tháng 7/2016, tuyến đường hiện đại bậc nhất phía Nam Thủ đô, nối trung tâm hành chính quận Hoàng Mai với điểm đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã chính thức được thông xe. Trước đó, khu vực phía Nam cũng đón thêm nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm hoàn thành như mở rộng đường Tân Mai, Kim Đồng (vành đai 2,5), tiếp tục mở rộng đường Tam Trinh, Lĩnh Nam…
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để UBND TP. Hà Nội thực hiện dự án đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai (vành đai 2) đến đường vành đai 2,5 dài khoảng 1,65 km. Ngoài ra, sau khi đoạn đường còn lại nối đường vành đai 2,5 với đường Lĩnh Nam đã được UBND quận Hoàng Mai triển khai hoàn thành trong cuối năm nay, kết hợp với tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, sẽ góp phần rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ khu phố cổ với khu vực phía Nam.
Trao đổi Báo Đầu tư Bất động sản, anh Tuấn, một môi giới có tiếng ở khu vực này cho biết, sự thay đổi về hạ tầng gần đây giúp nhiều người tìm đến các dự án phía Nam hơn, lượng khách hỏi mua tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2015 - 2016 và lượng giao dịch thành công cũng cao hơn hẳn.
Dạo một vòng quanh khu vực phía Nam có thể thấy, hàng loạt dự án như Gelexia Riverside do Geleximco làm chủ đầu tư, Khu đô thị mới Tân Hoàng Mai của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, hay Sunshine Garden và Sunshine Palace của Tập đoàn Sunshine Group, Tứ Hiệp Plaza của Vinh Hạnh… đều có kết quả bản hàng khá tốt.
Theo ông Dương Đức Hiển, Phó giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savill Hà Nội, xu hướng hiện nay của khách hàng là lựa chọn một chỗ ở tốt, thuận tiện cho việc đi lại và việc học hành của con cái. Nhiều khu vực trước đây hạ tầng không theo kịp tốc độ "chung cư hóa" nên khiến lượng giao dịch bị giảm hẳn, đặc biệt là khu Tây Nam và Nam Hà Nội. Tuy nhiên, nhờ có sự cải thiện về hạ tầng giao thông, nên bất động sản các khu vực này sôi động trở lại cũng là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, theo ông Hiển, không hẳn dự án nào ăn theo hạ tầng là cũng tốt, mà phải là những dự án có tiến độ tốt, pháp lý đầy đủ, cùng chính sách chiết khấu hợp lý và chất lượng được đảm bảo mới được người mua nha thực sự quan tâm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com