Gần gũi với thiên nhiên
Ở bản Lao Chải, nhìn ra dãy Hoàng Liên Sơn (Sa Pa, Lào Cai), có một khu du lịch sinh thái khá độc đáo. Các nhà sàn dân tộc được xây dựng trực tiếp ngay trên ruộng lúa. Sáng sáng, du khách có thể ngồi uống cà phê nhìn người nông dân canh tác bình thường.
Ở đây hoàn toàn không có bê tông cốt thép, mọi sinh hoạt của du khách đều gắn chặt với thiên nhiên. Khách tới đây được hít hà không khí trong lành, ăn các món địa phương, rau cỏ organic, thậm chí có thể tham gia lao động với người địa phương như gặt lúa, trỉa ngô, bẻ bắp…
Đây không phải mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái duy nhất của Việt Nam được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Ở Thanh Hóa, có một hệ thống bungalow xinh xắn xây dựng ngay sát mép ruộng bậc thang.
Tất cả các bungalow đều sở hữu tầm nhìn đẹp xuống thung lũng phía dưới. Mỗi sáng thức dậy, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì cảnh sương mờ, mây phủ ngay trước mắt và ánh bình minh rực rỡ từ những dãy núi phía xa.
Không chỉ có đầy đủ tiện nghi và gần gũi với thiên nhiên, ở resort này còn có cả các dịch vụ cho khách trải nghiệm như kayaking trên suối, đi bè tre trên sông, trekking qua các bản làng truyền thống và những ruộng bậc thang, tham quan khu guồng nước khổng lồ, thác nước tự nhiên, hang động kỳ vĩ…
Các khu nghỉ dưỡng này cũng xuất hiện tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng có những khu resort như thế. Những khu resort giữa đồng, giữa núi rừng này tuy đường sá đi lại khó khăn, giá cả không hề rẻ, nhưng khách du lịch cả trong nước và nước ngoài vẫn kéo tới ầm ầm.
Trải nghiệm hơn ăn, nghỉ
Với áp lực công việc ngày càng lớn, ô nhiễm môi trường và tiếng ồn tại các thành phố lớn ngày càng tăng, nhiều người muốn đi càng xa thành thị càng tốt, càng gần gũi thiên nhiên càng tốt. Đường sá xa xôi cỡ nào cũng đi, thậm chí còn thấy thích thú khi phải trèo đèo lội suối mới tới. Đó là xu hướng du lịch nghỉ dưỡng ngày nay của du khách.
Trước đây, hầu hết các dự án bất động sản nghỉ dưỡng chỉ tập trung vào phần "nghỉ" và "ăn", chứ chưa chú trọng vào yếu tố hưởng thụ, trải nghiệm. Vì vậy, rất nhiều khu resort khách chỉ đến một lần mà không quay lại.
Các vị khách như tôi mỗi khi chi tiền mua sắm đều gì phải cân đo đong đếm về giá trị vật chất, nhưng nếu khu resort ngoài phần nghỉ dưỡng, có thêm phần trải nhiệm thì mọi chuyện sẽ khác. Bởi trải nghiệm không đo được bằng tiền, mà thiên về tính cảm xúc nhiều hơn.
Còn nhớ, mùa Hè năm 2016, khi vào Đà Nẵng tham dự một hội nghị về môi trường, tôi được sắp xếp nghỉ ngơi tại một khách sạn 5 sao view hướng ra biển. Vài ngày rong ruổi ở đây, tôi từ chỗ người lạ hóa thành quen.
Tôi có thể đi về khách sạn bằng nhiều lối, đã biết nhà hàng nào cá tươi hơn, ngon hơn, tôm cua chỗ nào ngậy hơn, hương vị nhà nào hợp với mình nhất và thoải mái tám chuyện với mấy bà bán hàng vui tính. Cũng bởi ngay sau khách sạn là một làng chài nhỏ. Thay vì bịt kín lối ra vào như ở nhiều nơi khác, khách sạn này cho xây một con đường xi măng để du khách dễ dàng ra vào làng chài tham quan và hòa mình vào cuộc sống của ngư dân.
Ngày cuối cùng ở đây, tôi đã quyết định tự thưởng cho mình một sự lãng mạn nho nhỏ. Buổi chiều, leo lên tầng 6 khách sạn, nơi có một nhà hàng sang trọng, cốt tìm cho ra một nơi vừa có cảnh đẹp để ngắm, có hải sản tươi ngon để thưởng thức và làm cho tâm trí hoàn toàn tập trung vào việc tận hưởng.
Cũng là một món ăn đắt đỏ có giá lên tới cả triệu đồng, nhưng từ trên tầm cao này nhìn ra xa, một cảm giác sung sướng trào lên trong lòng khiến tôi không còn thấy tiếc vì vừa bỏ ra cả tháng lương của mình cho một bữa ăn.
Thậm chí, sau này có đôi lần vào Đà Nẵng, dù không ở tại khách sạn đó, tôi đã trở lại nhà hàng này và giới thiệu bạn bè đến đây.
Tại Việt Nam bây giờ, tôi biết có không ít khu nghỉ dưỡng cao cấp đã dần thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng gần gũi với tự nhiên hơn. Họ không chỉ xây dựng các gói dịch vụ nghỉ dưỡng tiện lợi cho du khách, mà còn kết hợp vui chơi, giải trí, trải nghiệm văn hóa và tiêu được rất nhiều tiền của khách ghé thăm.
Chẳng hạn, tại The Imperial Vũng Tàu có gói du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho cha mẹ già. Khu nghỉ dưỡng Nam Nghi Resort ở mũi Móng Tay - Phú Quốc với 6 chiếc du thuyền giúp du khách có thể thoải mái nhâm nhi ly champagne, thưởng thức tiệc nhẹ lãng mạn tại quầy bar trong khi lượn vòng quanh vịnh Vũng Bàu, hay khám phá các đảo hoang sơ, ra ngoài khơi xa thật xa câu cá đại dương…
Trong bối cảnh du lịch trải nghiệm đang dần thay thế cho du lịch vật chất, thì việc tạo nên sự thỏa mãn tinh thần cho du khách quả là cách làm đúng đắn để tạo ra sự khác biệt cạnh tranh trên thị trường.
Một dự án nghỉ dưỡng bây giờ muốn thành công, cần phải tạo thêm nhiều chỗ để khách tiêu tiền, hoặc ít ra cũng phải tạo cho họ những trải nghiệm không thể đo đếm được bằng tiền. Một trong số chúng là các loại hình trải nghiệm sinh thái, trải nghiệm văn hóa, vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa độc đáo, mới lạ.
Quan trọng là thiết kế các chương trình nghỉ dưỡng làm sao để khai thác triệt để bản năng khám phá thiên nhiên vốn có của con người. Nếu được như vậy, du lịch Việt Nam sẽ càng ngày càng phát triển, con số 30, 50 triệu khách quốc tế không còn là mục tiêu xa vời.
Đó cũng là hướng đi mà các nhà phát triển du lịch cần suy nghĩ để giữ lại hơn 6 tỷ USD mà người Việt chi tiêu cho nhu cầu du lịch nước ngoài mỗi năm và hàng chục tỷ USD cho nghỉ dưỡng sinh thái của khách nước ngoài đang dần bị rơi rớt.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com