Biển Lăng Cô có nhiều tiềm năng trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: Ngọc Tân

Biển Lăng Cô có nhiều tiềm năng trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: Ngọc Tân

Bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên - Huế, cần cú huých cơ chế

(ĐTCK) Thời gian gần đây, dòng vốn lớn liên tục đổ về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên - Huế, nhưng để bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên - Huế phát triển, cần một cú huých từ chính sách du lịch của địa phương này.

Tiềm năng lớn

Ông Đinh Tiến Sử, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (Bavico), đơn vị vừa khai trương Dự án Khu nghỉ dưỡng Bavico Resort & Spa Tam Giang - Huế tại cửa biển Thuận An đánh giá, Thừa Thiên - Huế có nhiều lợi thế tương đồng với Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Vũng Tàu về du lịch khi có bãi biển dài, đẹp, nên sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng như các địa phương trên.

“Khi tiến hành đầu tư dự án tại Thừa Thiên - Huế, chúng tôi đã khảo sát và tính toán rất kỹ lợi thế và thị trường”, ông Sử cho biết.

Đồng quan điểm, theo ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Kinh doanh CTCP Đô thị FPT Đà Nẵng, căn cứ vào bối cảnh hiện nay, phát triển sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là định hướng phù hợp nhất đối với Thừa Thiên - Huế. Sản phẩm này rất phù hợp cho những người đến cố đô để du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá Huế.

Thực tế, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên - Huế cũng đang rất hút các nhà đầu tư. Tại vịnh biển Lăng Cô - Chân Mây (huyện Phú Lộc), đầu năm 2016, Vincoland đã khởi công Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort (tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng); Tập đoàn Lu’s World Shine cũng gấp rút triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô với tổng mức đầu tư 8.096 tỷ đồng. Một dự án khác được xem là động lực kích hoạt phân khúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Thừa Thiên - Huế là Laguna Lăng Cô Resort, tổng vốn đầu tư 875 triệu USD của Tập đoàn Banyan Tree cũng đang tiến hành thực hiện giai đoạn 2.

Không chỉ tại vịnh Lăng Cô, khu vực biển Thuận An (huyện Phú Vang) sau nhiều năm vắng lặng, cũng đã có dấu hiệu khởi sắc khi Bavico khai trương Khu nghỉ dưỡng Bavico Resort & Spa Tam Giang - Huế. Ngoài ra, Tập đoàn Bitexco và một số đối tác cũng đang xem xét nghiên cứu đầu tư tại đây. 

Phải tìm cách giữ chân du khách

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Furama Resort Đà Nẵng cho rằng, các khu nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên - Huế hiện có chất lượng rất tốt, nhưng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại đây phát triển một cách bền vững, địa phương cần phải có sự đột phá về lĩnh vực du lịch, nhằm kéo du khách đông hơn, lưu trú dài ngày hơn.

“Có thể nói, hiện nay sản phẩm du lịch Thừa Thiên - Huế quá đơn điệu, không có gì mới mẻ, quá phụ thuộc vào các di sản, di tích, các thắng cảnh, mà thiếu đi một sản phẩm mang tính đột phá, đủ sức giữ du khách lưu trú lâu. Nếu có những chính sách cởi mở hơn, chắc chắn Thừa Thiên - Huế sẽ kéo được khách đến với các khu nghỉ dưỡng”, ông Quỳnh chia sẻ.

Tại hội nghị hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Huế do UBND tỉnh Thừa Tiên - Huế tổ chức vừa qua, ông Vũ Đình Quân, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành cũng chỉ ra thực tế này khi cho rằng, đêm Huế hiện nay rất buồn và chỉ phù hợp với số ít du khách, còn số đông vẫn muốn tìm đến với các trò vui chơi, giải trí. Vì vậy, rất nhiều du khách tham quan Huế xong thì vào nghỉ đêm ở Đà Nẵng.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao - Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, để tăng lượt khách đến Huế và lưu trú dài ngày hơn, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ thực hiện giải pháp đồng bộ, như chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu vực phát triển du lịch trọng điểm; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng, xây dựng hệ thống các cơ sở vui chơi, giải trí, hệ thống nhà hàng và các dịch vụ bổ trợ khác…, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan. Tỉnh cũng sẽ khuyến khích các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, phù hợp thị hiếu của du lịch quốc tế.

Bổ sung thêm, ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế cho biết, đối với khu vực vịnh biển Lăng Cô, tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển nhanh chóng hơn cho đô thị Lăng Cô, từ đó kết nối với Bạch Mã - Cảng Chân Mây, tạo thành tam giác phát triển về du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.

“Đồng thời với việc này, ngành du lịch cũng sẽ chú trọng việc đào tạo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm dịch vụ du lịch và đối với cả người dân Lăng Cô. Chắc chắn điều này sẽ góp phần làm tăng giá trị thương hiệu Lăng Cô, từ đó thu hút du khách đến nghỉ dưỡng”, ông Khánh nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan