Mạch cảm hứng từ du lịch
Một trong những lý do khiến nhiều người tin rằng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có sự chuyển mình rõ rệt vào năm 2019 là bởi du lịch Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ. Việc Việt Nam ngày càng được nhiều du khách quốc tế lựa chọn là điểm đến, nhu cầu du lịch nội địa tăng mạnh đã khiến cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đứng trước nhiều cơ hội.
Cụ thể, sau khi lần đầu vượt qua mốc 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2017, năm 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng gần 20%, đạt 15,5 triệu lượt, theo số liệu của Tổng cục Du lịch.
Ông Lê Minh Dũng, Phó giám đốc điều hành BIM Group cho biết, Tổ chức Du lịch Thế giới đã xếp Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất trên thế giới và du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về lượng và chất.
“Chúng tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực về thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và các điểm đến mới như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt, Quảng Bình, Sapa, Ninh Thuận, Hải Phòng”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng còn rất nhiều tiềm năng cho năm 2019. Việt Nam có lợi thế về cảnh quan, khí hậu, ẩm thực, trong khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới phát triển, nên đầu tư sẽ có hiệu quả.
Trên thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự đổ bộ của nhiều thương hiệu vận hành quản lý khách cao cấp trên thế giới như Marriott, InterContinental Hotels Group Melia, Movenpick, Accor Hotels, Novotel... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với lợi thế lớn, sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Ảnh: Thanh Huyền
Vì vậy, theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MIK Group, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch tại Việt Nam sẽ còn phát triển đột phá trong tương lai.
“Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam luôn có mức tăng trưởng rất ấn tượng, là một trong những nước có tốc tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đã và đang là điểm đến ưa thích của du khách trên thế giới. Chính vì vậy, tôi cho rằng, tiềm năng phát triển của thị trường khách sạn và resort Việt Nam là rất lớn", ông Trân đánh giá.
Cảm hứng lớn từ du lịch đã mang theo những kế hoạch mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp lớn. Không khó để nhận thấy hàng loạt “tay to” của ngành bất động sản đang tiếp tục lên kế hoạch táo bạo cho mình ở phân khúc này. Tập đoàn FLC, SunGroup, VinGroup, MIK Group và nhiều doanh nghiệp khác đang xúc tiến mạnh mẽ để nhanh chóng đưa các dự án tại Quảng Bình, Hạ Long, Phú Quốc… vào vận hành hoặc triển khai các dự án mới.
Ông Trân cho rằng, về xu hướng phát triển của thị trường khách sạn, resort, trong thời gian tới, những dự án thuộc phân khúc cao cấp đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế sẽ được du khách ưu tiên lựa chọn, thay vì các dự án nhỏ lẻ, tự phát trước đây. Đây cũng sẽ là kênh đầu tư sinh lời cao, bền vững nên sẽ không khó để thu hút nguồn lực đầu tư trong xã hội.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, chỉ với khoảng 1 tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, các khách hàng cũng có thể đầu tư condotel vì có sự hỗ trợ vay vốn của ngân hàng và không phải quản lý. Tuy nhiên, vẫn cần sự tìm hiểu kỹ lưỡng về dự án, chủ đầu tư.
“Condotel đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Các dự án của chúng tôi hầu như ra hàng là được quan tâm và đặt mua hết. Với dự án sắp tới ở Quy Nhơn, chúng tôi đã đưa ra thị trường một phần và hiện đang được giữ lại. Chúng tôi sẽ đợi khi khai trương mới tiếp tục bung hàng”, bà Dung hào hứng.
"Cởi trói" chính sách
Ngoài sự phát triển của du lịch, một trong những lý do khiến nhiều người tin rằng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ nóng trở lại là do những tín hiệu tích cực về mặt pháp lý.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, năm 2019, bộ này sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để làm rõ hơn, hướng dẫn kỹ hơn về thủ tục pháp lý cho các dự án nghỉ dưỡng, đặc biệt là với sản phẩm condotel.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và các địa phương để có những hướng dẫn chi tiết hơn. Cụ thể, việc quản lý, vận hành các dự án condotel phải xem như việc quản lý vận hành các khách sạn, tức là hoạt động kinh doanh có điều kiện, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Chế độ sử dụng đất, hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho dự án theo hướng đất thương mại, dịch vụ có thời hạn, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương…”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, khi được hỏi về những vấn đề cần lưu ý khi phát triển các dự án nghỉ dưỡng, ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, một lượng lớn các sản phẩm sẽ sớm được bàn giao sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn với các nhà đầu tư cho thuê.
Vì vậy, các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng chiến lược marketing và chính sách bán hàng phù hợp nhằm tăng sức hút của sản phẩm đối với khách hàng, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo tính bền vững trong mô hình kinh doanh của họ. Mặc dù các chương trình cam kết lợi nhuận gần đây được xem là một trong những công cụ bán hàng hiệu quả để thu hút giới người mua, các chủ đầu tư đang thể hiện sự cẩn trọng trong việc áp dụng các chương trình này.
“Việc có một số tranh chấp đã xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư về hiệu quả lợi nhuận của các chương trình tương tự ở các thị trường phát triển hơn như ở Thái Lan và Úc ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án có chất lượng tốt, được xây tại vị trí phù hợp, có tiềm năng hút khách du lịch khi đi vào hoạt động, thì khả năng thu hút khách sẽ vẫn cao.
Song song đó, các yếu tố kích cầu vĩ mô vẫn khả quan, kết hợp với chiến lược marketing phù hợp của các chủ đầu tư và sự đa dạng hóa trong sản phẩm của các dự án, sẽ giúp duy trì được sự tăng trưởng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam”, ông Robert McIntosh cho biết thêm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com