Du lịch phục hồi
Sau khi mở cửa trở lại các chuyến bay nội địa cũng như quốc tế, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Thống kê của IATA cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Dự kiến cả năm 2022, tổng lượng hành khách đạt 87,8 triệu khách (tăng 190% so với năm 2021), trong đó khách quốc tế đạt 5 triệu khách (tăng 844%) và khách nội địa đạt 82,8 triệu khách (tăng 178,4%).
Trao đổi với phóng viên, đại diện Bamboo Airways cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hãng hàng không này khai thác gần 20.000 chuyến bay, vận chuyển gần 3 triệu hành khách. Tính riêng hệ số lấp đầy trên mạng bay nội địa trong tháng 4 và 5 đạt trên 85%, còn tháng 6 đạt khoảng 90%. Trong đó, một số đường bay ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao như TP. HCM/Hà Nội - Côn Đảo, TP. HCM/Đà Nẵng - Hải Phòng, TP. HCM - Đồng Hới, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Quy Nhơn…
Với giai đoạn cao điểm hè 2022, Bamboo Airways sẽ tăng tải 15% để phục vụ hành khách. Bên cạnh việc tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại trên mạng bay nội địa, hãng đồng thời khai trương thêm đường bay quốc tế mới.
Với lĩnh vực du lịch, ngành công nghiệp không khói này của Việt Nam cũng đang cho thấy sự phục hồi đáng kinh ngạc. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức mới đây xếp hạng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019 và nằm trong số 3 quốc gia có mức tăng cao nhất thế giới.
Để đón đầu mùa cao điểm du lịch năm nay, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch chia sẻ các kế hoạch tăng trưởng về lượng khách. Đơn cử, Vietravel ghi nhận sự tăng trưởng của dòng tour cao cấp, với khoảng 220.000 lượt khách trong dịp hè 2022. Tương tự, Saigontourist dự kiến phục vụ hơn 280.000 lượt khách mùa hè này.
Theo tìm hiểu thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán tại một số thị trường du lịch lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết…, nhiều cơ sở lưu trú cơ bản đã kín phòng cho đến hết tháng 7, trong đó khách đoàn, khách gia đình chiếm số lượng lớn.
Chị Hiếu từ Pacific Resort Mũi Né cho biết, hiện tại, lượng khách du lịch đến Mũi Né còn đông hơn trước dịch, nếu trước kia chỉ đông vào những ngày cuối tuần thì nay lượng khách đông kín các ngày trong tuần.
Còn theo ghi nhận của phóng viên, nhiều khách sạn, khu nghỉ ở đây cơ bản đang khai thác tối đa công suất, nhất là các khách sạn từ 3-5 sao. Không ít du khách còn phải đặt phòng nghỉ ở các cơ sở lưu trú khác nhau cho những ngày ở lại Mũi Né, vì đây là giải pháp tốt nhất để có thể lấy được phòng trống riêng lẻ, ngắn ngày.
Công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng 50-75%, cao thứ 4 thế giới. Các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế và Hội An.
Lượng khách từ Hàn Quốc và Mỹ du lịch đến Việt Nam nhiều nhất, tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Trong lúc khách Trung Quốc còn hạn chế do các quy định giãn cách của nước này, du khách từ các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Singapore đều tăng mạnh.
Tính đến cuối tháng 4/2022, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không tới Việt Nam chạm mốc 1.114% và tiếp tục tăng trong tháng 5, thời điểm cao nhất tăng tới 2.000% so với cùng kỳ năm 2021. Về lượng tìm kiếm cơ sở lưu trú tại Việt Nam, mức tăng từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 đạt hơn 4 lần. Cụ thể, ngày 1/4, lượng tìm kiếm tăng 103% so với cùng kỳ năm 2021, đến giữa tháng 5 đạt mức tăng 450% và tiếp tục duy trì ở mức cao tới nay.
Ảnh: Thành Nguyễn |
Bất động sản nghỉ dưỡng “bung lụa”
Du lịch phục hồi mạnh mẽ cũng mang đến nhiều kỳ vọng hơn cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, kinh doanh bất động sản, Đại học Luật Hà Nội, du lịch biển đảo là phân khúc tiềm năng không thể không nhắc đến trong mỗi mùa du lịch. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: Du lịch biển, đảo là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế biển, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung.
“Bất động sản du lịch là phân khúc duy nhất có khả năng và cơ hội để tối ưu hóa tiềm năng, thế mạnh của cả lĩnh vực bất động sản và du lịch mà không một phân khúc động sản nào khác có được”, bà Nga nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, sự bùng nổ của các “siêu” dự án nghỉ dưỡng được xem là nằm trong kịch bản đã được dự báo trước do Việt Nam có lợi thế về khí hậu, vùng biển ấm, bãi biển đẹp và có nhiều tiềm năng cho phát triển khu sinh thái, rừng, khu bảo tồn còn hoang sơ, thu hút sự quan tâm của khách du lịch nội địa và quốc tế. Các dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển của địa phương, tạo sức hút cho ngành du lịch, giúp cộng hưởng cho sự phát triển kinh tế.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group - doanh nghiệp đang phân phối nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Ninh... cho hay, với bất động sản nghỉ dưỡng, pháp lý đầy đủ là yếu tố nền tảng cho sự phát triển và tiềm năng tăng giá. Tuy nhiên, với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến khách hàng thượng lưu, ở vị trí lõi và việc tìm kiếm sản phẩm thấp tầng có pháp lý đầy đủ, sở hữu lâu dài và có hình thành đơn vị ở là không dễ, bởi hiện nay, quỹ đất lớn để phát triển dự án ngày càng hiếm, chưa kể hành lang pháp lý cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới như condotel còn chưa hoàn thiện, sản phẩm sở hữu hữu hạn…
“Bên cạnh sự khan hiếm, yếu tố dài hạn còn mang đến nơi định cư, phát triển sự nghiệp bền vững cho chủ nhân. Tâm lý an cư lạc nghiệp, có ngôi nhà đủ rộng, đủ lớn để xây dựng tương lai sẽ là nền tảng để sự nghiệp thăng hoa, phồn thịnh qua nhiều thế hệ”, đại diện BHS Group chia sẻ về sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng phân khúc này.
Cũng theo đại diện BHS Group, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng khi các kênh đầu tư khác biến động và nhiều người có xu hướng “bỏ phố về rừng” để sống an toàn. Theo đó, một loại hình bất động sản mới xuất hiện là các khu đất sinh thái với “sóng đầu tư” ngày càng lan rộng ra các vùng xa trung tâm. Đồng thời, xu hướng second home (ngôi nhà thứ hai) cũng xuất hiện với các biệt thự nghỉ dưỡng. Do đó, thời gian tới, các sản phẩm pháp lý hoàn thiện, đáp ứng tiêu chí sở hữu lâu dài sẽ rất được quan tâm.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Phát triển dự án THM Land, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cho thấy sức hấp dẫn ngay cả trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh nhất và hiện tại, nhiều dự án đã mang lại “quả ngọt” cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, tại dự án Khu đô thị Hùng Thắng ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh) của Bim Group, sản phẩm nhà thấp tầng 100 m2 đã tăng giá từ 8 tỷ đồng/căn lên 12 tỷ đồng/căn, thậm chí căn đẹp còn lên tới 15 tỷ đồng/căn.
“Các thị trường nghỉ dưỡng đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam có nhiều triển vọng, nhất là với sản phẩm trong các dự án quy mô lớn, pháp lý đầy đủ… luôn được nhà đầu tư lựa chọn, cho dù suất đầu tư cao”, ông Đức cho hay.