Du lịch hâm nóng thị trường nghỉ dưỡng
Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua không chỉ là ngày hội du lịch với hàng triệu người dân, mà sự nhộn nhịp ở các địa bàn nghỉ dưỡng truyền thống cũng mang đến luồng sinh khí thực sự mới mẻ cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy chưa mở cửa hoàn toàn, nhưng TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vẫn đón khoảng 70.000 khách du lịch trong ngày 10/4/2022 (tức ngày 10/3 Âm lịch, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương). Trước đó một ngày, vào ngày 9/4/2022, lượng khách đến địa phương này đạt trên 38.700 khách, bao gồm cả khách nội địa lẫn quốc tế.
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện tới nay, tức hơn 2 năm qua, Quảng Ninh nói chung, Hạ Long nói riêng mới nhộn nhịp như vậy. Thế nhưng, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tại một hội thảo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khu vực Duyên hải Bắc bộ tổ chức tại Hạ Long ngày 9/4/2022, du khách đến địa phương này sẽ còn đông hơn khi các hoạt động giải trí có thể được mở lại toàn bộ từ ngày 30/4/2022.
Không chỉ Quảng Ninh, nhiều địa phương khác cũng đã sẵn sàng đón làn sóng du lịch trở lại sau dịch. Chẳng hạn, tính riêng đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, thời tiết thuận lợi cùng nhiều hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn đã thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng. Tổng lượng khách đến tham quan, du lịch thành phố này ước đạt 77.870 lượt, công suất phòng khối khách sạn 4-5 sao đạt khoảng 50-60%, trong đó khách sạn ven biển có tỷ lệ lấp đầy từ 70-90%.
Hay tại Quảng Bình, địa phương này đón khoảng 30.000 lượt khách, chủ yếu đổ về khu vực di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, công suất phòng nói chung tại khu du lịch này đạt hơn 50%, riêng công suất phòng khách sạn tiêu chuẩn từ 4 sao và tương đương trở lên đạt 95%; khách sạn 3 sao trở lên và các homestay đạt khoảng 80%.
Việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, di chuyển thuận tiện hơn giúp ngành du lịch hồi phục nhanh chóng, kéo theo sức cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tăng nhanh thời gian qua. Số liệu thống kê của DKRA Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng trở lại đây, thị trường nghỉ dưỡng ghi nhận sự gia tăng thanh khoản đột biến của một số phân khúc như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố shophouse nghỉ dưỡng.
Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng trong quý I/2022 đạt khoảng 1.020 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (khoảng 579 căn) trên tổng nguồn cung mới; nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng đạt khoảng 2.768 căn, tăng 4% so với quý liền trước và gấp 12,4 lần cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87% (tương đương 2.408 căn), tăng 4% so với quý liền trước và gấp 14,7 lần cùng kỳ năm trước. Sản phẩm condotel ghi nhận 613 căn được mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới (tương đương 199 căn), gấp 3,3 lần so với quý liền trước, nhưng chỉ bằng 43% cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các dự án được vận hành bởi đơn vị quốc tế ghi nhận mức giá bán cao hơn khoảng 23% so với các dự án được quản lý bởi đơn vị trong nước, tỷ lệ giao dịch thành công cũng cao hơn, chiếm 86% tổng lượng tiêu thụ trong quý với thời gian bán hàng kéo dài 3-4 tháng.
Thị trường nghỉ dưỡng đang có nhiều cơ hội bứt tốc. Ảnh: Dũng Minh |
Nhiều cơ hội bứt phá
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, hiện có 2 trợ lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bứt phá: Thứ nhất, cung - cầu thị trường đang hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn; thứ hai, du lịch đang dần khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn với mức đóng góp dự báo có thể lên tới 12-14% GDP vào năm 2025.
Đáng chú ý, thị trường nghỉ dưỡng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô lớn, chức năng đa dạng, thay cho những dự án manh mún, nhỏ lẻ. Những đại đô thị du lịch chất lượng cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, việc lên kế hoạch hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý bất động sản du lịch sẽ tạo tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc. Trong chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dự kiến trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho các loại hình condotel, officetel và shophouse để vừa tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy những sản phẩm này phát triển, vừa củng cố niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiện hoạt động giao thương đã trở lại bình thường, người dân cũng đã quen sống chung với dịch bệnh, nên du lịch sẽ là ngành được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ, các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều cơ hội hơn. Chưa kể, việc mở cửa trở lại các đường bay quốc tế cũng như cơ chế phòng chống dịch linh hoạt sẽ thu hút du khách quốc tế trở lại Việt Nam thời gian tới. Đây là những điều kiện giúp bất động sản nghỉ dưỡng sớm bứt phá trong quý II/2022.
DKRA Việt Nam dự báo, trong quý II/2022, nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng sẽ tăng mạnh, khoảng 1.700 căn, tập trung chủ yếu tại những địa phương có thế mạnh về du lịch như Bình Thuận, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu…, trong khi nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dự kiến tăng tương đương quý I/2022 với khoảng 2.700 căn, tập trung tại các địa phương Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định. Sản phẩm condotel cũng được dự báo tăng, với khoảng 1.000 căn được đưa ra thị trường, chủ yếu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng đang trở lại thời hoàng kim giai đoạn 2016-2018 và các chủ đầu tư dự án lớn sẽ dẫn dắt xu hướng thị trường. Về phía nhà đầu tư, phần lớn vẫn sẽ tin tưởng các đơn vị vận hành quốc tế, nên những dự án được quản lý hoặc có sự kết hợp với những đơn vị này sẽ được đánh giá cao, thu hút được dòng vốn đầu tư.