Thiếu quy hoạch đồng bộ
Với 3 mặt giáp TP.HCM, lại là cầu nối giữa các tỉnh Tây Nam bộ với TP.HCM để lưu thông đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông… Đặc biệt, Long An là tỉnh có số lượng khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn ở phía Nam, thu hút cả triệu lao động nhập cư, chuyên gia nước ngoài về đây làm việc. Đây chính là những lợi thế để thị trường bất động sản Long An phát triển, nhưng diễn biến thị trường trong những năm qua trái với kỳ vọng của nhiều người.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bất động sản Đông Bắc (tỉnh Long An) đánh giá, thị trường bất động sản Long An chưa phát triển xứng tầm, còn quá "da beo" và chưa có quy hoạch cụ thể.
Dẫn chứng về nhận định này, ông Tuấn cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông của tỉnh đã có những bước phát triển, nhưng thiếu đồng bộ. Đơn cử, huyện Bến Lức là huyện có nhiều lợi thế về giao thông kết nối với TP.HCM qua trục đường chính Quốc lộ 1A, nhưng lại thiếu đồng bộ giữa các tuyến đường nhánh kết nối với Quốc lộ 1.
Ngoài ra, các dự án bất động sản đa phần là không được quy hoạch cụ thể. Các doanh nghiệp chủ yếu tự phát triển dự án theo dạng có đất xin quy hoạch, sau đó phân lô bán nền. Sau khi bán xong, chủ đầu tư không quan tâm nhiều tới việc kéo người dân về sinh sống, khiến dự án trong tình trạng thiếu đồng bộ, cỏ mọc um tùm và vắng bóng người ở, đơn cử như khu dân cư số 10, phố Thương Gia Nam Long…
Bên cạnh đó, thị trường cũng chỉ sôi động ở một số huyện giáp ranh TP.HCM, còn tại trung tâm tỉnh lỵ là TP. Tân An thì rất ảm đạm. Còn nhớ năm 2008, thị trường Long An sôi động với các dự án lớn như Khu đô thị Đồng Tâm tại trung tâm TP. Tân An. Thời điểm đó, cũng như tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh Long An muốn xây dựng một khu trung tâm hành chính sầm uất khi quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mới tại TP. Tân An, nhằm thu hút các chuyên gia, những lao động làm việc tại TP.HCM về đây sinh sống. Tuy nhiên, tới nay, kế hoạch này đã phá sản, khu đô thị lớn nhất tỉnh không có người sinh sống.
Một điểm yếu nữa của thị trường bất động sản Long An, là dù số lượng công nhân nhập cư nhiều, nhưng địa phương này lại quá chậm trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Hiện toàn tỉnh mới có 50 căn nhà ở xã hội cho công nhân. Việc thiếu quan tâm tới phát triển dự án nhà ở xã hội - phân khúc có nhu cầu lớn, khiến thị trường bất động sản Long An lệch pha cung cầu.
Tại các huyện có khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhiều như Cần Giuộc, Đức Hòa… cũng xuất hiện một số dự án bất động sản cho công nhân, nhưng các dự án được thực hiện theo kiểu mạnh chủ đầu tư nào, chủ đầu tư đó làm. Đặc biệt, việc chính quyền địa phương không kiểm tra kỹ các dự án dẫn tới có những dự án “ma” xuất hiện. Chẳng hạn tại Đức Hòa, có những dự án chưa được quy hoạch 1/500, chưa đóng tiền sử dụng đất, chưa được mở bán, nhưng chủ đầu tư vẫn bán cho người dân, dẫn đến cảnh khiếu kiện của khách hàng như dự án Thiên Phúc Hoàng Gia mới đây.
Đại diện một doanh nghiệp địa ốc tại Long An còn cho rằng, nhu cầu nhà ở của tỉnh là rất lớn, như huyện Đức Hòa, có tới hơn 40.000 lao động nhập cư cần nhà ở. Nhận thấy nhu cầu lớn, doanh nghiệp đã xin đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giá dưới 200 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, thủ tục rất nhiêu khê, khiến doanh nghiệp muốn từ bỏ ý định này.
Một lý do nữa khiến bất động sản Long An chưa thể bứt phá là hiện có nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM với Long An bị chậm tiến độ, như dự án đường vành đai 4 đã nhiều năm vẫn chưa thể xây dựng.
Bên cạnh đó, theo giới phân tích, chính sách phát triển thị trường của Long An còn thiếu nhất quán, cùng với việc thiếu các tiện ích, dịch vụ cũng khiến cho thị trường bất động sản Long An thiếu sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
“Với việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch, cũng như tầm nhìn phát triển thị trường, là điểm nghẽn khiến thị trường bất động sản Long An phát triển đúng với kỳ vọng của doanh nghiệp và lãng phí những lợi thế mà tỉnh có, như quỹ đất rộng lớn, giá đất rẻ, nhu cầu nhà ở lớn…”, ông Tuấn nói.
Cần có đòn bẩy cho thị trường
Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, để thị trường bất động sản phát triển bền vững và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh, Long An phải có cơ chế rõ ràng hơn cho thị trường và các nhà đầu tư.
Ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Trần Anh Group cho rằng, cái khó nhất của doanh nghiệp bất động sản đầu tư, kinh doanh tại thị trường Long An là việc phát triển quỹ đất để thực hiện dự án. Chủ trương của tỉnh là có, nhưng khi doanh nghiệp thực hiện thì khó khăn vô vàn. Chẳng hạn, giá đất đền bù cho dân, hay ngay cả việc đền bù xong, đất bị tái chiếm, nhưng địa phương không có giải pháp khắc phục…
Ngoài ra, tỉnh cần giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người dân, nhưng gặp nhiều khó khăn về thủ tục nên nhà đầu tư nản lòng.
Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị Cát Tường Group thì cho biết, thị trường bất động sản Long An chưa phát triển xứng tầm một phần do bị gò bó bởi hạ tầng giao thông. Dù chính sách phát triển dự án giao thông có, nhưng chính quyền lại khó khăn trong bố trí vốn thực hiện. Tỉnh cần phải kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bởi doanh nghiệp luôn sẵn sàng cùng tỉnh bỏ vốn làm đường để đồng bộ hóa hạ tầng giao thông.
“Ngoài ra, việc doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản tại Long An nhưng phải mở sàn giao dịch bán hàng ở TP.HCM cũng là một hạn chế và thiệt thòi cho chính địa phương. Nếu tỉnh có chính sách tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển dự án, bán dự án ngay tại tỉnh, qua đó đóng góp cho ngân sách tỉnh sẽ cao hơn”, ông Việt nói.
Cũng theo các doanh nghiệp, hiện Long An có hệ thống kênh rạch và sông ngòi nhiều, phù hợp cho phát triển các dự án bất động sản xanh, hay bất động sản nghỉ dưỡng, tạo ra một sự hấp dẫn và nét đặc trưng của tỉnh, thay vì chỉ phát triển những dự án phân lô bán nền như hiện nay. Tuy nhiên, tỉnh chưa có giải pháp nào khuyến khích doanh nghiệp địa ốc phát triển những dự án như vậy. Đây là hạn chế làm cho thị trường bất động sản Long An không tạo ra được nét riêng để hút các chủ đầu tư và khách hàng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com