Ế ẩm
Tháng 3/2019, Tập đoàn Đồng Tâm Long An mở bán Dự án Lavilla Green City tại TP. Tân An, tỉnh Long An. Dự án rộng gần 30 ha với 800 căn nhà phố, biệt thự.
Dù được thiết kế 1 trệt 2 lầu, giá hơn 2 tỷ đồng/căn diện tích 5x20 lại nằm ngay ở trung tâm hành chính của tỉnh, hạ tầng giao thông xây dựng đồng bộ với tuyến đường Quốc lộ 1 đi qua, nhưng thanh khoản lại thấp.
Cụ thể, tới nay, dự án này mới chỉ bán được hơn 100 căn nhà phố, thậm chí có những công ty môi giới bán hàng tại dự án này cho biết, tháng 9 vừa qua, họ chỉ bán được 3 căn nhà phố.
Một dự án nữa đang được ở bán từ đầu tháng 7 tới nay là Dự án Waterpoint tại huyện Bến Lức do Công ty cổ phần Southgate - liên doanh Nam Long, NNR, TBS Group và Tân Hiệp làm chủ đầu tư. Dự án với tổng diện tích 355 ha, hiện đang triển khai giai đoạn 1, phát triển 165 ha với các sản phẩm là nhà phố liền kề, biệt thự song lập, đất nền.
Dự án nằm tại chân cao tốc TP.HCM - Trung Lương nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Dự án có hơn 10 sàn giao dịch bất động sản phân phối sản phẩm, nhưng lượng hàng bán ra khá chậm. Một nhân viên sàn môi giới DKRA Vietnam cho biết, trong hơn 2 tháng bán dự án này, lượng hàng bán ra chỉ vài chục sản phẩm, không đạt được kỳ vọng.
Hay như Dự án Asaka tại huyện Bến Lức do Công ty TNHH Công thương nghiệp Thịnh Hưng làm chủ đầu tư, với sản phẩm chủ yếu là đất nền. Đây cũng là phân khúc chủ đạo của thị trường Long An từ trước tới nay và được cho là dòng sản phẩm phù hợp, dễ bán của các doanh nghiệp môi giới. Tuy vậy, theo Công ty Địa ốc Nam Phong, đơn vị môi giới, phân phối sản phẩm dự án này, công tác bán hàng khá chậm.
Ông Trần Thanh, giám đốc sàn giao dịch chuyên bán dự án nhà phố tại TP. Tân An cho biết, hiện tượng ế ẩm tại thị trường địa ốc Long An xuất hiện từ đầu năm 2019 tới nay. Dù lượng hàng năm nay của các chủ đầu tư ra nhiều hơn năm 2018, có vị trí tốt, xây dựng bài bản hơn, nhưng lại rất khó bán.
“Công ty tôi có hơn 50 nhân viên môi giới, từ đầu năm tới nay nhận tới 5 dự án cả nhà phố lẫn đất nền, nhưng lượng hàng bán ra chỉ đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Thanh nói.
Mất điểm
Bà Nguyễn Thị Diệu, một nhà đầu tư thứ cấp đã 5 năm đầu tư bất động sản tại tỉnh Long An cho biết, việc khách hàng hiện không mấy mặn mà mua sẩn phẩm tại thị trường này là do giá bị đẩy lên quá cao. Năm 2017 - 2018, giá đất bình quân là 7 - 14 triệu đồng/m2 tùy vào dự án đất nền, nhà phố xây và vị trí, nhưng hiện đã tăng mạnh, lên 10 - 18 triệu đồng/m2, trong khi Long An lại không có gì đặc biệt để kích thị trường.
“Năm 2017 tôi mua 2 căn nhà phố tại dự án Trần Anh Riverside, huyện Bến Lức, doanh nghiệp cam kết lợi nhận tốt nhất. Thế nhưng, năm 2018, khi đã chuẩn bị nhận nhà, tôi phải chật vật để bán ra, chủ đầu tư không thể thu hàng vào. Trong khi đó, năm 2016 - 2017, hàng ra khá tốt. Đây được cho là dấu hiệu rõ nhất của việc thị trường đi xuống”, bà Diệu nói.
Một dấu hiệu nữa cho thấy thị trường địa ốc Long An không còn hấp dẫn, đó là nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn của tỉnh như Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Cát Tường từ năm 2018 tới nay không phát triển dự án mới. Giai đoạn 2014 - 2017, doanh nghiệp này có hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ với hàng ngàn sản phẩm tại tỉnh Long An, nhưng năm 2018 tới nay, Cát Tường không phát triển dự án mới tại Long An, mà chuyển hướng về tỉnh Bình Dương, Bình Phước phát triển dự án.
Tương tự, năm 2016 - 2017, có nhiều thông tin về việc các đại gia như Vingroup, Him Lam Land, Vạn Thịnh Phát… đổ bộ về tỉnh Long An làm dự án bất động sản, nhưng đến này, chưa có dự án nào của những tên tuổi này hình thành ở đây.
Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Tây Bắc cho rằng, điểm dễ thấy nhất của thị trường bất động sản Long An đó là dù vị trí giáp TP.HCM, nhưng kết nối giao thông lại chưa được mở rộng, các tuyến đường luôn trong cảnh kẹt cứng. Ngoài ra, hạ tầng tiện ích cũng chưa phát triển, trong khi giá đất tăng quá nhanh, khiến thị trường này dần mất điểm trong mắt nhà đầu tư.
Dòng sản phẩm từ đất nền bắt đầu được doanh nghiệp chuyển dịch sang nhà phố, biệt thự, nhưng với thu nhập và nhu cầu của người dân tỉnh Long An lại chưa đủ khả năng sở hữu những dòng sản phẩn này, trong khi nhà đầu tư ở các địa phương khác không còn quá mặn mà, khiến nhiều dự án bị ế ẩm.
“Đất nền vẫn là sản phẩm ưa chuộng nhất với khách hàng tại thị trường Long An, vì giá rẻ, phù hợp với khả năng mua của người dân. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này lại có điểm yếu là giá đã bị đẩy lên quá cao trong 2 năm qua”, ông Tuấn nói.
Một điểm nữa khiến thị trường Long An đang mất dần vị thế, theo ông Tuấn, đó là các doanh nghiệp làm dự án Long An, nhưng lại hướng tới đối tượng khách mua chính là những người đang sống ở TP.HCM. Trong khi với giá từ 2 tỷ đồng trở lên, khách hàng có thể mua được nhà ở TP.HCM, nên họ không mặn mà xuống Long An mua nhà để ở.
Ông Tuấn cho rằng, thị trường Long An sẽ tiếp tục đi xuống từ giờ tới hết năm, thậm chí qua năm 2020 cũng chưa cải thiện được, vì hạ tầng giao thông, cũng như các yếu tố tạo sự bứt phá cho thị trường bất động sản tại Long An chưa có, trong khi giá đất lại liên tục tăng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com