Bất động sản, thỏi nam châm hút vốn ngoại
Là một lĩnh vực có tác động trực tiếp, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam cũng có những giai đoạn thăng trầm nhất định. Dẫu vậy, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tính đến cuối năm 2017, FDI đăng ký tích lũy đạt đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản đạt 53,2 tỷ USD.
7 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới là 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong 3 năm gần nhất (2015 - 2017), FDI vào Việt Nam liên tục tăng, trong đó dòng vốn giải ngân tăng tăng. Đây là sự khác biệt khá rõ rệt so với giai đoạn trước đó.
Cụ thể, vào năm 2008, Việt Nam thu hút FDI đạt kỷ lục với 72 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với năm 2007, gần 6 lần so với 2005. Tuy nhiên, thời điểm đó, lượng vốn giải ngân chỉ cao hơn 10% so với năm 2005 .
Theo JLL, sự khác biệt của dòng vốn này những năm gần đây so với giai đoạn trước đó là nhắm đến các dự án thực tế được cam kết triển khai hơn là nắm giữ để thu hút các đối tác đầu tư.
Nhà đầu tư thay đổi khẩu vị
Lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận sự dịch chuyển đáng kể trong cơ cấu nhà đầu tư và khẩu vị đầu tư.
Giai đoạn trước đó, các nhà đầu tư châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông - Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Hoa và Trung Quốc đại lục) chiếm ưu thế, với gần 74% tổng FDI của tất cả các ngành, bao gồm cả bất động sản. Các nhà đầu tư châu Âu đứng thứ 2, nhưng chỉ chiếm khoảng trên 15% lượng vốn cùng lĩnh vực.
Bất động sản thương mại hiện là phân khúc được nhiều nhà đầu tư ngoại chú ý. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tuy nhiên, theo JLL, những năm gần đây, các doanh nghiệp châu Âu đang gia tăng nhu cầu đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại thông qua việc sở hữu các tòa nhà làm trụ sở văn phòng hoặc phòng trưng bày, triển lãm tại các khu vực ngoài trung tâm.
Các nhà đầu tư Mỹ cũng đang thể hiện nhiều hơn sự quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam.
Gần đây, quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus đã cam kết rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam. Phần lớn dòng vốn này đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục bất động sản bao gồm thương mại, khách sạn, và công nghiệp.
Các nhà đầu tư ngoại còn đang cho thấy sự thay đổi trong khẩu vị đầu tư. Nếu giai đoạn trước, các nhà đầu tư tập trung nhiều vào phân khúc căn hộ cao cấp, thì thời gian gần đây, đã có sự dịch chuyển sang phân khúc trung cấp và bình dân. Nhiều nhà đầu tư "đổi món" khi mở rộng sản phẩm từ bất động sản thương mại sang bất động sản nhà ở.
Cụ thể, hơn 10 năm trước, các nhà đầu tư ngoại như Keppel Land, Capitaland chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, với các dự án bất động sản cao cấp đầu tiên tại Việt Nam như The Estella hoặc The Vista.
Hiện nay, thị trường đã xuất hiện các nhà đầu tư ngoại, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản bắt tay với Nam Long để triển khai các dự án nhà ở vừa túi tiền.
Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam JLL cho biết, trong số những cái tên mới, có những nhà đầu tư mới tham gia thị trường Việt Nam mà là đầu tư mở rộng mảng bất động sản nhà ở, ngoài mảng đầu tư truyền thống xây dựng/sở hữu các tòa nhà văn phòng hạng A/hoặc B hàng đầu ở Hà Nội hoặc ở TP.HCM.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác cũng có sự chuyển tông, từ lĩnh vực chính là xây dựng, quản lý, khai thác văn phòng cho thuê sang bất động sản nhà ở. Có thể kể đến như Hong Kong Land (dự án Nassim Thảo Điền, TP.HCM), Fraser Centrepoints (dự án ở quận 2, TP.HCM), Mappletree (dự án One Veranda, quận 2, TP.HCM).
Bên cạnh đó, cũng có các tên tuổi mới đến từ Nhật Bản như Mitsubishi hợp tác Bitexco để triển khai The Manor Central Park (Hà Nội), bắt tay với cùng Phúc Khang để phát triển các dự án công trình xanh; hay Sumitomo bắt tay cùng BRG Group để triển khai dự án thành phố thông minh tại Hà Nội...; hay các tập đoàn Hàn Quốc như Lotte Group, GS đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 (TP.HCM)...