Nhu cầu dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam
Theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam, trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, động thái chuyển dịch sản xuất của các doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra. Đây là yếu tố góp phần giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ đầu năm 2022 đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD. Trong đó, 752 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 4,94 tỷ USD; 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 6,82 tỷ USD, tập trung vào các dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao...
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Việt Nam tiếp tục thu hút FDI, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch sản xuất từ các nước khác sang, cũng như nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hiện hữu đã kéo theo nhu cầu thuê địa điểm sản xuất tại các khu công nghiệp gia tăng.
Trong bối cảnh đó, nhiều chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đẩy mạnh các kế hoạch phát triển dự án. Từ đầu năm 2022 đến nay có các dự án quy mô lớn như tại Bình Dương có Khu công nghiệp Cây Trường, quy mô 700 ha và Khu công nghiệp VSIP III, quy mô 1.000 ha, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp
(Becamex, mã chứng khoán BCM) đầu tư; Khu công nghiệp Nam Tân Uyên giai đoạn 3 quy mô 334 ha do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán NTC) đầu tư... Mặc dù mới khởi công, nhưng Khu công nghiệp VSIP III đã có hơn 30 tập đoàn và công ty quan tâm tìm hiểu phát triển sản xuất tại đây.
Tại Long An, công ty con của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc, mã chứng khoán KBC) là liên doanh giữa Kinh Bắc và Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã chứng khoán SGT) dự kiến đầu tư khoảng 500 triệu USD vào dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập (quy mô 245 ha, tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng) và Khu công nghiệp Tân Tập (quy mô 654 ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng). Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt với tổng quy mô 1.749 ha.
Tại Bắc Giang, Saigontel vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp công nghiệp đô thị 700 ha, tổng giá trị đầu dự kiến lên đến 2,5 tỷ USD.
Từ ngày 15/7/2022 tới, Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế sẽ có hiệu lực, thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Theo đó, thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp sẽ được đơn giản hoá.
Khi thủ tục đơn giản hơn, làn sóng chuyển dịch sản xuất của nhà đầu tư diễn ra mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có quỹ đất lớn có khả năng sẽ dẫn đầu xu thế tăng trưởng của ngành.
Triển vọng lợi nhuận năm 2022 tăng mạnh
Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, doanh thu và lợi nhuận của nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp năm 2022 sẽ tăng trưởng cao, nhờ các yếu tố thuận lợi về quỹ đất sẵn sàng khai thác và giá thuê tăng.
Giới phân tích dự báo, năm 2022 sẽ là năm ghi nhận “điểm rơi” lợi nhuận của ngành bất động sản khu công nghiệp.
So với các nước trong khu vực như Indonesia và Thái Lan, giá cho thuê khu công nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp. Năm ngoái, giá thuê trung bình thấp hơn hai quốc gia cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam này từ 20 - 30%.
Tổng công ty IDICO - CTCP (Idico, mã chứng khoán IDC) được Công ty Chứng khoán MB dự báo, doanh thu năm 2022 có thể đạt 7.463 tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2021, chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh điện và khu công nghiệp. Lợi nhuận sau thuế năm nay của Idico dự kiến đạt 2.127 tỷ đồng, gấp vài lần năm ngoái.
Doanh thu và lợi nhuận của Idico được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2022 - 2026 từ việc cho thuê hết diện tích đất khu công nghiệp còn lại của các khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Cầu Nghìn, Hữu Thạnh.
Tại Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán SZC), lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự kiến đạt hơn 600 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2021 nhờ việc triển khai giai đoạn 1 dự án Hữu Phước có quy mô 25,2 ha, nếu mở bán thuận lợi sẽ đóng góp 280 - 330 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế. Bên cạnh đó, Công ty ước tính ghi nhận khoảng 40 ha đất công nghiệp cho thuê với doanh thu 670 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 300 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Nam Tân Uyên, mã chứng khoán NTC), động lực tăng trưởng lợi nhuận được nhìn nhận đến từ dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 hiện đã hoàn thành. Với diện tích đất thương phẩm hơn 288 ha, giá thuê ước tính 100 - 110 USD/m2/chu kỳ thuê, Nam Tân Uyên có khả năng cho thuê toàn bộ quỹ đất trong vòng 5 năm, mang lại nguồn doanh thu gần 7.400 tỷ đồng.
Theo Mirae Asset, Nam Tân Uyên đã thanh toán gần hết khoản nợ vay để đầu tư dự án, đó cũng là khoản nợ vay duy nhất của doanh nghiệp tính đến thời điểm hiện tại. Với việc chuyển sang hoạch toán doanh thu một lần đối với hoạt động cho thuê khu công nghiệp và hạ tầng, lợi nhuận của Nam Tân Uyên có thể bứt phá trong năm 2022.
Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tổ chức ngày 28/6 của Nam Tân Uyên đã thông qua kế hoạch lợi nhuận năm nay ở mức thấp hơn năm ngoái, dù kế hoạch doanh thu tăng.
Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích 97.840 ha, bao gồm 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy 76,1%.