Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đã nổi lên khá rõ rệt. Ảnh: Dũng Minh

Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đã nổi lên khá rõ rệt. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản khu công nghiệp: Kỳ vọng dòng vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với sự gia tăng của dòng vốn đầu tư hiện hữu, việc những dòng vốn mới gia nhập thị trường không chỉ mang đến làn gió mát, mà còn mang theo cả kỳ vọng về một bước tiến dài trong thu hút các dự án có chất lượng.

“Sếu” lớn tìm đến

Các tên tuổi lớn tìm đến Việt Nam như một giải pháp thay thế khả quan cho thị trường tỷ dân Trung Quốc đang mang đến nhiều hơn kỳ vọng cho giai đoạn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới.

Đơn cử, sau khoản đầu tư ban đầu khoảng 270 triệu USD, Foxconn (chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple) vừa đầu tư thêm 300 triệu USD để nối tiếp tiến trình dịch chuyển nhà máy sang “dải đất hình chữ S” (dự án tại Bắc Giang). Tương tự, mới đây, Compal - một trong những nhà sản xuất cho Apple cũng như nhiều tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu khác - đã triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gia công linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị thông minh... tại Thái Bình với tổng mức đầu tư 6.467 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2022, Công ty TNHH Compal Electronics (Việt Nam) đã đầu tư 260 triệu USD cho nhà máy chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị điện tử cũng tại “quê lúa” Thái Bình.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp cho thấy làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ và gọi tên Việt Nam như một điểm đến uy tín, tiềm năng. Khái quát lại bức tranh thu hút FDI hơn 2 thập kỷ qua, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành miền Bắc, Frasers Property cho biết, khoảng 20 năm trước, Việt Nam chủ yếu thu hút các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, nhưng 10 năm trở lại đây, các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử... được gia tăng và sử dụng lao động ít hơn.

“Đây sẽ là xu hướng trong tương lai, tập trung vào các ngành công nghệ cao và ít yêu cầu về lực lượng lao động lớn, mà đòi hỏi nhiều hơn ở trình độ, tay nghề, chuyên môn cao”, ông Dương nhấn mạnh.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho hay, Việt Nam đã có 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Giai đoạn trước chủ yếu tập trung lấy số lượng, nhưng 10 năm gần đây đã có sự thay đổi, chuyển sang lấy chất lượng và hiệu quả.

“Chính phủ đang muốn nâng cao năng lực của chuỗi cung ứng, nâng cao kết hợp, hợp tác giữa các bên. Do đó, chất lượng dòng vốn đầu tư thời gian tới sẽ ngày càng được cải thiện”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Theo GSMA Intelligence, Việt Nam hiện coi chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế và trở thành một quốc gia nổi bật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “tiến bộ kỹ thuật số”.

GSMA Intelligence cũng dự báo, chỉ trong 3 năm tới, Việt Nam từ một nước nông nghiệp truyền thống sẽ nhanh chóng chuyển đổi kỹ thuật số nhờ “những bước tiến trong nhận dạng kỹ thuật số, quyền công dân kỹ thuật số và các phong cách sống kỹ thuật số”.

“Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi chiến lược công nghiệp 4.0 gồm hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ chính phủ điện tử và các sáng kiến đổi mới như kế hoạch chuyển đổi thương mại điện tử..., nên tỷ trọng doanh nghiệp điện tử được dự báo tăng lên mức 43% trong 5 năm tới”, GSMA Intelligence đánh giá.

Dòng vốn mới chất lượng cũng đòi hỏi nhiều hơn ở sản phẩm, dịch vụ của các khu công nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Dòng vốn mới chất lượng cũng đòi hỏi nhiều hơn ở sản phẩm, dịch vụ của các khu công nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Dòng vốn chất lượng đổ bộ

Ngày càng có nhiều hơn các cam kết đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn vào Việt Nam, mà những tên tuổi như Foxcon, Compal, Electronics... là minh chứng rõ nét.

Trong một sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Truyền thông, Nestle Việt Nam tiết lộ rằng, trong thời gian tới, Nestle sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm 130 triệu USD để tăng gấp đôi công suất các nhà máy tại Việt Nam. Tính đến nay, Nestle đã đầu tư hơn 730 triệu USD với 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối trên cả nước.

“Điều tâm đắc nhất là các cam kết dài hạn của chúng tôi với Việt Nam, với môi trường đầu tư ở Việt Nam theo hướng ngày càng tốt hơn, bền vững hơn”, ông Hưng nhấn mạnh.

Sự chuyển biến rõ nét trong thu hút đầu tư nói chung, đầu tư nước ngoài nói riêng, đang được các thành viên thị trường đề cập ngày một nhiều hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) cho hay, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều nhà đầu tư ở đây đã sang Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư, thuê khu công nghiệp... nhiều hơn, bên cạnh làn sóng các nhà đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như điện tử, công nghệ thông tin... ngày một gia tăng cho thấy chất lượng dòng vốn được cải thiện rõ rệt.

Không chỉ có vậy, theo đại diện VSIP, nhóm các nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ cũng đang thể hiện nhiều hơn sự quan tâm so với giai đoạn trước, dù chưa quá mạnh mẽ.

“Cùng với các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng từ Chính phủ, các địa phương, chất lượng đầu tư vào các khu công nghiệp cũng ngày càng có hàm lượng công nghệ, chất xám cao hơn. Ngoài ra, các lĩnh vực, ngành nghề xanh, phát triển bền vững cũng được quan tâm nhiều hơn, nhất là với nhóm khách hàng đến từ châu Âu”, đại diện VSIP nói.

Bà Phạm Thị Hồng Cẩm, Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico cũng cho hay, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đã nổi lên khá rõ rệt, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực vật liệu xây dựng và kim loại.

Cũng theo bà Cẩm, hiện nay, các khu công nghiệp phía Nam không còn ưu tiên lựa chọn theo quốc tịch dòng vốn, mà thu hút dự án phù hợp theo pháp lý dự án khu công nghiệp và tổng mức đầu tư (điều này phần nào nói lên quy trình công nghệ và mức độ chỉn chu của đầu tư - PV).

Cùng quan điểm, ông Vũ Công Trụ, chuyên gia bất động sản khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc hơn, cả về chất lượng dòng vốn lẫn điểm đến đầu tư (các khu công nghiệp).

Theo ông Trụ, từ năm ngoái đến nay, dòng vốn từ Trung Quốc và Đài Loan đổ vào các khu công nghiệp phía Bắc nhiều nhưng không phải là xu hướng lâu dài, mà chỉ mang tính thời điểm. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là cần có cái nhìn dài hạn và chắc chắn, dòng vốn sẽ trở nên có chọn lọc hơn về địa điểm đầu tư, nếu các nhà phát triển dự án khu công nghiệp không có sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ phù hợp thì giai đoạn tới sẽ gặp nhiều thử thách.

“Đã qua rồi giai đoạn cứ ở đâu có sẵn quỹ đất thì nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào đó. Các nhà phát triển dự án khu công nghiệp hiện chỉ còn 3-5 năm nữa để tự chuyển dịch, thay đổi, học hỏi để cải tiến chất lượng dịch vụ, sản phẩm và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của khách thuê”, ông Trụ lưu ý.

Tin bài liên quan