Hiệu ứng FDI
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu hút được trên 10,8 tỷ USD vốn FDI, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn điều chỉnh tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5%, cho dù vốn đăng ký mới giảm 56,3%.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, nhiều địa phương đang rà soát lại quy hoạch để có quỹ đất sạch lớn đón nhà đầu tư mới và các doanh nghiệp hiện hữu mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh hậu Covid. Về thủ tục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đón các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Còn ông Chí Vũ, Trưởng Phòng Kinh doanh - Dịch vụ khu công nghiệp Colliers Việt Nam chia sẻ, nắm bắt xu hướng đa dạng hóa sản xuất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thời gian qua, các khu vực trọng điểm sản xuất công nghiệp như Bình Dương, Long An, Đồng Nai ở phía Nam và Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh ở phía Bắc sẽ là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư. Các ngành kho bãi, hậu cần, thương mại điện tử… có thể là động lực tăng trưởng chính của bất động sản công nghiệp trong năm nay.
Theo ông Vũ, việc Lego quyết định xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp VSIP 3 (Bình Dương) là sự kiện có nhiều ý nghĩa với bất động sản công nghiệp trong giai đoạn này. Việc ngày càng có thêm các dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng khoa học công nghệ cao và thân thiện với môi trường là chỉ dấu cho thấy Việt Nam thành công hơn trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao.
Kỳ vọng từ dòng vốn ngoại
Dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh mang đến nhiều kỳ vọng về làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Quan sát diễn biến thị trường, đặc biệt với lĩnh vực M&A bất động sản, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Cushman & Wakefield nhận thấy sự quan tâm đáng kể đến việc phát triển các dự án bất động sản, từ dự án căn hộ, thương mại… cho đến bất động sản ứng dụng và khu công nghiệp.
“Do thị trường đang được thống trị bởi nhà đầu tư nội địa, nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn ưa chuộng tham gia bằng hình thức liên doanh với các đối tác trong nước. Hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ liên doanh và M&A chứ không phải là các giao dịch bất động sản thuần túy”, bà Trang chia sẻ thêm.
Theo ông Phạm Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu bất động sản công nghiệp đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam, năm 2022, giá thuê bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung còn thiếu và các đơn vị sẵn có mặt bằng với hạ tầng hoàn chỉnh sẽ chiếm lợi thế lớn nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển dự án cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư chiến lược với nhu cầu mặt bằng quy mô lớn, đặc biệt là nhu cầu phục vụ hoạt động logistics tại các khu vực trọng điểm kinh tế.
Ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Hateco Group chia sẻ, khi hoạt động giao thương trở lại bình thường và hiệu ứng FDI lan tỏa, tín hiệu từ nhà đầu tư nước ngoài rất rõ rệt, đội ngũ kinh doanh của Hateco Group đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để tiếp cận với các khách thuê, đặc biệt là khách ngoại.
“Chúng tôi đã ký kết hơn 70 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận khung với các nhà đầu tư, phần diện tích ký kết cho thuê đạt 700/1.200ha tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, Quảng Ninh”, ông Tuấn thông tin.
Còn theo bà Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh TNI Holdings, thời gian gần đây, tần suất các chuyến khảo sát tìm địa điểm thuê từ nhân sự cấp cao các tập đoàn đa quốc gia tới Việt Nam đã dày hơn, nhiều khách thuê có nhu cầu mở rộng quy mô, đặt thêm chi nhánh trong các khu công nghiệp.
“TNI Holdings đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thu hút đầu tư, tập trung giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp đang triển khai. Với quỹ đất sạch gần 1.000 ha từ 3 khu công nghiệp mới là Khu công nghiệp Gia Lộc (Hải Dương), Khu công nghiệp Sông Lô 1 (Vĩnh Phúc) và Khu công nghiệp Đông Bình (Vĩnh Long), chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu đang gia tăng mạnh mẽ từ thị trường”, bà Hằng cho hay.
Bánh ngọt không dành cho tất cả
FDI là điểm sáng và hiệu ứng đầu tư công lan tỏa, hai yếu tố này đang khiến nhiều chủ đầu tư bất động sản công nghiệp tự tin hơn vào các kế hoạch phát triển dự án của mình. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư khu công nghiệp cho rằng, do là ngành có nhiều đặc thù nên dù cơ hội rộng mở, nhưng chỉ chủ đầu tư thực sự có tiềm lực, kinh nghiệm và nhanh nhạy mới có thể nắm bắt được.
“Quan sát thị trường bất động sản khu công nghiệp thời gian qua, tôi thấy rằng ngày càng nhiều ‘tay chơi’ mới là những chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường này. Nhiều tập đoàn đa ngành cũng bổ sung bất động sản công nghiệp vào hệ sinh thái của họ và tìm khu vực có hạ tầng tốt để phát triển dự án. Tuy nhiên, điều tạo nên sức cạnh tranh của mỗi khu công nghiệp nằm ở quỹ hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho khách thuê trước, trong và sau cấp phép. Nếu chủ đầu tư gắn kết, cam kết được khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách thuê thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn”, vị này nói và cho biết thêm, với các chủ đầu tư mới, nếu có định hướng đầu tư khu công nghiệp ngay từ đầu, trước tiên cần thực hiện nghiên cứu thị trường, kết nối với các mạng lưới liên quan đến FDI để khi có đất, có dự án thì mới định hướng được sản phẩm, dịch vụ, khách hàng tiềm năng, xúc tiến đầu tư có trọng điểm, hiệu quả.
“Sau nhiều năm trực tiếp tham gia, trải nghiệm các hoạt động xúc tiến đầu tư ở cả trong nước và nước ngoài, tôi thấy rằng, việc xúc tiến đa ngành (hay được thực hiện trước đây) thường dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên cả chuyến đi chủ yếu mang tính kết nối, tiếp cận ban đầu, chứ phần ‘xúc tiến đầu tư’ còn rất hạn chế”, chuyên gia này nói và cho biết thêm, với chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên nghiệp, các sự kiện chung chung này có thể tham gia để tạo hình ảnh và kết nối, nhưng càng là “tay chơi mới” thì càng cần các sự kiện chuyên sâu, bởi nếu chạy theo cách làm này sẽ tiêu tốn nhiều công sức, chi phí, mà không đảm bảo hiệu quả.
Cần hoàn thiện hơn nữa mạng lưới cơ sở hạ tầng
Ông John Campbell, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam |
Với những điều kiện thuận lợi về chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Trong năm 2021, lượng lớn vốn FDI sản xuất tập trung tại khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, trong quý I/2022, dòng vốn này đã chảy sang khu vực phía Nam, chiếm 88% tổng vốn đăng ký.
Tùy vào đặc tính của từng lĩnh vực, ngành nghề, nhà đầu tư sẽ tìm thấy cơ hội và lợi thế phát triển ở các địa phương trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên các tiêu chí diện tích lớn, giá đất thấp và khả năng tiếp cận đến cảng biển, sân bay. Bởi vậy, để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tại các địa phương, Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế. Từ đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ được trải đều qua các địa phương trên cả nước.